Teen 24h 2009-06-12 09:25:31

Dịch vụ cho thuê... chú rể =))


Từ những vụ lẻ tẻ, dần dà việc "đóng vai" chú rể trở thành một nghề kiếm cơm cho những chàng trai đẹp mã nhưng… thiếu tiền.





Từ tình yêu đến hôn nhân là một đoạn đường dài
(ảnh chỉ mang tính minh họa)



Với dáng người mảnh mai, cao và trắng trẻo, thời sinh viên Phương là mục tiêu đeo đuổi của nhiều chàng trai, thế mà cô đành tìm cách “cắt đuôi” tất cả để chuyên tâm vào chuyện học hành. Phương tâm sự: “Nhà em ở tận Bình Phước. Nhà nghèo nhưng ba mẹ cũng cố dành dụm tiền cho em về TP HCM học. Mấy anh chị đầu đã phải bỏ học giữa chừng nên em được xem là niềm hi vọng cuối cùng của cả gia đình, dòng họ”. Xinh gái, học giỏi nên khi ra trường Phương dễ dàng kiếm được công việc tốt ở một công ty xuất nhập khẩu tư nhân tại trung tâm TP HCM.

Nhu cầu đến từ “rủi ro” tình yêu

Phương kể: “Vào làm được vài ba tháng thì anh giám đốc bắt đầu quan tâm đến em một cách đặc biệt. Hơn một năm sau thì em bắt đầu có tình cảm với anh, vì đó là một người đàn ông đẹp trai, giàu có, từng trải và chưa vợ. Từ đấy, những chuyến công tác dài ngày anh đều bố trí em đi theo, rồi men say tình yêu đã làm em không giữ được mình”.

Trong căn phòng trọ của Hiệp ở Bình Dương hiện vẫn còn treo tấm ảnh cưới chụp chung với “người chồng thuê” để dỗ dành thằng Bờm.

Mỗi khi thằng nhóc hỏi đến bố, Hiệp chỉ biết quay mình giấu những giọt nước mắt để dối con: “Con cũng đẹp trai giống bố lắm. Con nhớ ngoan rồi bố đi công tác về sẽ mua quà cho con…!”.

Thằng bé ngây thơ vẫn tin rằng bố nó đang đi công tác xa nhà, và cả gia đình cô ở tận Hà Tĩnh cũng nghĩ rằng con gái mình đang hạnh phúc bên người chồng đẹp trai mà họ chỉ gặp một lần trong đám cưới… Chỉ có mình Hiệp là rõ người đàn ông trong bức ảnh đó chỉ là một cuộc thuê mướn giữa chợ đời!


Nhưng một đám cưới như lời hứa của ông giám đốc đã không diễn ra, thay vào đó là tờ giấy quyết định thôi việc khi hay tin Phương đã có bầu. Lây lất giữa Sài Gòn bốn tháng, cái bầu ngày một to, là người có đạo nên Phương không dám đi phá thai như lời khuyên của nhiều bạn gái. Về nhà thì sợ làm xấu mặt bố mẹ, ở lại sinh nở một mình giữa đất khách quê người thì Phương không dám.

Sau nhiều đêm mất ngủ, Phương quyết định làm theo lời khuyên của cô bạn thân là tổ chức một đám cưới giả để về quê sinh nở rồi tính tiếp.

Qua chỉ dẫn của bạn bè, Phương tìm đến một nhà hàng chuyên tổ chức đám cưới ở quận Tân Bình. Nghe trình bày của Phương, người quản lý ra giá: “Tiền thuê chú rể là 1 triệu đồng, thuê bố mẹ chồng cùng năm người nhà trai thêm 2 triệu nữa. Còn tiền áo quần và sính lễ cho nhà trai thì em tự lo lấy… Nếu em muốn thuê nhà trai về tận Bình Phước làm đám hỏi nữa thì giá trọn gói là 8 triệu đồng, xe cộ tự em lo. Đó là thấy em bụng mang dạ chửa tội nghiệp nên anh lấy rẻ đấy, chứ người khác thì phải hơn 10 triệu!”.

Chẳng còn cách nào khác, Phương đành vay mượn bạn bè để tổ chức một đám cưới cho mát mặt bố mẹ. Đám cưới cũng có cô dâu chú rể, nhưng nhà trai chỉ vỏn vẹn tám người, kể cả chú rể. Phía nhà gái, Phương cũng chỉ mời vài chục người thân thiết để chứng giám cho cái sự chồng con “đàng hoàng” của mình. Nhà gái ai cũng tấm tắc khen Phương có phước nên lấy được chồng Sài Gòn. Sau đám cưới, gần đến ngày sinh thì Phương một mình khăn gói về quê vượt cạn với cái cớ là “ảnh đi công tác nước ngoài dài ngày…”.

Tương tự, là phận gái xa nhà mưu sinh, Hà Hiệp cũng vướng phải bẫy tình với những lời hứa ngọt ngào từ những chàng trai đẹp mã mang họ Sở. Hà Hiệp kể: “Em là công nhân may, còn ảnh là sinh viên ở phòng trọ sát bên. Quen biết nhau được mấy năm thì sự cố xảy ra vào một dịp lễ, khi cả khu nhà trọ đều đi chơi.

Thằng cu Bờm ra đời trong lần trót dại như thế. Khi cái bụng bầu to không thể giấu được nữa thì anh ấy cũng trốn mất. Hận tình nhưng không nỡ dứt bỏ đứa con, lại không muốn ba mẹ phải mang tiếng có đứa con gái hư chửa hoang nên em phải đi thuê chú rể để làm một đám cưới giả rồi một mình ở lại lo chuyện sinh nở”.

“Nghề”… bất đắc dĩ

Phần lớn những chàng trai đến với “nghề” cho thuê chú rể một cách tình cờ bất đắc dĩ. Phan Hoàng Lân, sinh viên, đã kiếm cơm bằng “nghề” làm chú rể thuê mấy năm qua, kể lại: “Để có tiền ăn học, tụi em xin vào làm bồi bàn cho một nhà hàng chuyên phục vụ đám cưới trên đường Cách Mạng Tháng Tám.

Một hôm anh quản lý kêu em vô nói là có người muốn thuê em đóng vai chú rể với giá 1 triệu đồng. Đang cần tiền đóng học phí nên em nhận lời đại. Ngày hôm sau em được một chị với cái bụng đã lùm lùm đến chở đi chụp ảnh cưới, lúc đó em sợ lắm nhưng thấy người phụ nữ kia khóc lóc năn nỉ nên em cũng xiêu lòng…

Chụp ảnh xong, em được “cô dâu” dẫn đi mua cho một đôi giày, một bộ đồ mới và cả một bộ vest đắt tiền nữa. Đóng vai bố chú rể là ông già chạy xe ôm đầu đường, còn người vào vai mẹ em là một dì sồn sồn bán trà đá trong hẻm. Em không biết họ được nhận bao nhiêu tiền nhưng thấy họ vào vai chuyên nghiệp lắm, hầu hết đều không phải là lần đầu họ làm việc này…”.

Dịch vụ cho thuê chú rể đang khá phổ biến ở nhiều khu nhà trọ công nhân ven các khu công nghiệp, khu chế xuất Tân Tạo (huyện Bình Chánh), Linh Trung (quận Thủ Đức), Sóng Thần, Bình Đường (Bình Dương)… Dịch vụ thuê chú rể trọn gói từ A-Z cho một đám cưới “hờ” thường do các nhà hàng, hoa viên ở vùng ven TP HCM, gần các khu công nghiệp tổ chức với giá 3-5 triệu đồng cho một lần thuê chú rể, họ nhà trai… và có thể cao hơn vài triệu nếu phải đi lại nhiều, cần nhiều người bên họ nhà trai.

Đóng vai chú rể “hờ” và họ nhà trai thường là nghề làm thêm của nhân viên phục vụ các nhà hàng, sinh viên làm thêm, người chạy xe ôm…

Sau “điệp vụ” bở ăn này, mỗi lần nhà hàng có người cần mướn chú rể là người quản lý lại gọi Lân. Có những hôm nhiều đám cưới trùng nhau thì Lân giới thiệu cho bạn bè trong ký túc xá. Thấy công việc nhẹ nhàng, lại được ăn ngon mặc đẹp nên số người gia nhập nhóm “cho thuê chú rể” của Lân ngày một đông.

Anh kể lại những chuyện cười ra nước mắt trong cái nghề bất đắc dĩ này: “Nhiều khi nhóm vào vai nhà trai của tụi em cũng chẳng biết tên nhau, khi giới thiệu cho nhà gái thì mạnh ai nấy tự giới thiệu. Có hôm em giới thiệu là con thứ ba trong nhà, thằng bạn em không biết nên cũng giới thiệu là anh chú rể, con thứ ba trong nhà. Ông nhạc gia… quay lại hỏi sao hai anh em đều là thứ ba hết vậy?

May mà có ông xe ôm đóng vai bố nhanh trí nói là tụi em sinh đôi chứ không bể chuyện rồi. Nếu bể chuyện thì tụi em sẽ chẳng nhận được tiền thù lao mà nhiều khi còn bị nhà hàng phạt nữa”.

Hoàng, một người đã làm nghề này hơn năm năm nay tại một nhà hàng ở Bình Dương, cho hay: “Phần lớn những người tìm đến nhà hàng để thuê tụi em đều là những cô gái làm công nhân xa nhà mà lỡ trót dại. Lúc đầu tụi em vì nể nên nhận lời, nhưng sau đó thì cứ người này giới thiệu cho người kia, số lượng khách tìm đến tụi em ngày càng đông dần.

Có lần em phải giả làm chú rể thuê cho một cô gái đồng tính, khi biết được em sợ muốn chết nhưng lỡ nhận tiền rồi nên phải liều. Cô gái này chỉ yêu một người đồng nghiệp cùng giới, nhưng gia đình cứ ép cưới chồng nên cô đành phải làm đám cưới giả để thỏa mãn áp lực của gia đình.

Khi đi chụp hình hay đi sắm đồ cho em thì “cô người yêu” của cô dâu cứ cặp kè đi theo, hễ thấy em ôm cô dâu chụp hình là mắt cô bồ cứ long lên sòng sọc… Nhiều khi nghĩ đến tương lai mà lo, nếu sau này vô tình vợ em nhìn thấy tấm hình em chụp trong đám cưới giả thì toi. Mấy lần em tính bỏ nghề nhưng khi túng thiếu lại tìm về nghề cũ”.

Trần Văn Đáng, nhân viên quản lý một nhà hàng đám cưới ở Thủ Đức, cho biết: “Thật ra nhà hàng cũng không muốn làm chuyện này, chỉ khi khách yêu cầu thì mới làm giúp họ mà thôi, bởi nếu không làm thì mất khách. Với lại đấy cũng là cách giúp họ tránh được dư luận khắt khe ở quê nhà. Bất đắc dĩ mà nghề thuê mướn kỳ lạ này càng phát triển trước những cuộc tình chóng vánh của các công nhân xa quê, những cô gái tha phương đến TP HCM lập nghiệp trót dại. Cứ mỗi lần chứng kiến đám cưới giả, cô dâu cố gượng cười trong đám cưới mà tôi cũng thấy buồn cho họ”.

Không chỉ thuê chú rể trong đám cưới, nhiều chị em đơn thân nuôi con còn đi thuê người làm bố cho con. Anh Nguyễn Xuân Hòa, một người chạy xe ôm, tâm sự: “Bây giờ tôi phải làm bố hờ cho hai đứa trẻ đấy ông ạ. Theo hợp đồng của những người mẹ không chồng mà có con, cứ ngày thứ bảy là tôi lại phải đi mua một gói bánh, ít đồ chơi đến thăm bọn trẻ trong vai người bố đi công tác lâu ngày mới về.

Mỗi lần đến thăm như vậy tôi được trả 100.000 đồng, còn tiền bánh và đồ chơi thì được mẹ của chúng hoàn trả theo hóa đơn mua hàng. Mấy lần tôi định từ chối vì sợ vợ nghi ngờ, nhưng khi thấy mấy đứa trẻ háo hức chờ “ba hờ” đến thăm thì tôi lại không nỡ anh ạ!”.

Lời anh xe ôm làm tôi nhớ đến câu nói của Hoàng, bây giờ đã là một ông bố thành đạt: “Có làm bố rồi tôi mới cảm thông cho những người phụ nữ lỡ lầm mà trước đây tôi từng đóng vai chú rể, và lại càng thấy thương cho những đứa trẻ vô tội là kết quả của những mối tình Sở Khanh. Với đà sống buông thả và thực dụng của nhiều bạn trẻ hiện nay, dịch vụ cho thuê chú rể sẽ trở thành một nghề phổ biến hái ra tiền”.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)