Tin tức - pháp luật 2011-03-20 03:30:52

Địa ngục "xưởng may đen" trên đất Nga


- Sau khi đăng bài các "xưởng may đen" trên đất Nga, chúng tôi đã tìm được Nguyễn Thị Th - một nhân chứng từng phải chịu đựng cuộc sống tủi cực trong những "xưởng may đen" như vậy. Sau khi được người quen giúp đỡ trốn thoát, giờ đây trở thành sinh viên của trường Trung cấp dược ở thành phố Việt Trì. Dưới đây là những ký ức của Nguyễn Thị Th mà chúng tôi ghi lại một cách chân thực.



Thi thể 5 công nhân Việt bị chết cháy ở Nga
Đi "Tây" để bằng chị bằng em…

"Hai năm bảy ngày nơi đất khách, tuy không dài, nhưng là cả một khoảng thời gian khủng khiếp đối với cháu. Cháu nhớ rất rõ những ngày ấy, hai năm về trước, khi cháu nhận giấy báo không đỗ đại học, cũng là lúc người ta tuyển công nhân đi sang Nga làm nghề may. Bố mẹ cháu vui lắm, phần vì nhìn thấy nhà ai có người đi nước ngoài về cũng có của ăn, của để, phần vì muốn cho cháu đi xa để biết đây, biết đó cho bằng chị, bằng em. Hơn nữa, cái công ty tuyển người ấy lại là người quen biết.

Ngày ấy, ở trong nước rất ít thông tin về người lao động bên Nga, ai cũng nghĩ đi lao động nước ngoài, tuy ban đầu phải bỏ ra một số tiền lớn nhưng công việc ổn định, thu nhập cao. Với số lương 600 USD/1 tháng, chỉ mấy tháng thôi đã thu hồi được vốn. Vì vậy bố cháu rất phấn khởi và quyết tâm đăng ký, xin nộp hồ sơ và bàn bạc với mẹ cháu cho cháu đi học may cấp tốc 3 tháng. Tuy không khá giả, nhưng do tần tảo buôn bán, bố mẹ cháu cũng tiết kiệm được chút ít. Nay xác định đầu tư cho cháu đi làm kinh tế, nên bố mẹ cũng yên tâm phần nào.

Máy bay hạ cánh ở sân bay Domodedovo sau 9 tiếng bay. Tuy phải làm thủ tục sau cùng, thế nhưng cả đoàn vẫn được nhập cảnh một cách trót lọt. Cháu thật sự ngỡ ngàng và choáng ngợp khi bước ra đại sảnh của sân bay. Sự rộng lớn, hoành tráng, nguy nga tráng lệ của nó khiến cháu không khỏi lóe lên niềm vui, niềm tự hào vì mình đã được đến một thế giới văn minh, giàu có và thoáng nghĩ đến một tương lai sáng lạn đang đón chờ.

Thế nhưng niềm vui chợt vụt tắt khi có sự xuất hiện của hai người Việt Nam đến đón đoàn. Họ lạnh lùng tuyên bố: "Nhanh lên, đi theo tôi, ai chậm, bị lạc tôi không chịu trách nhiệm". Sau hiệu lệnh ấy, mọi người như bừng tỉnh, vội vã chạy theo và bước lên chiếc ô tô khách do một lái xe người Nga đang chờ sẵn. Chiếc xe lao đi trong gió rét và mưa phùn, bầu trời màu xám xịt, u ám. Xe chạy được chừng 3 tiếng thì đến một ngôi làng nằm cạnh bìa rừng, với khoảng gần hai chục nóc nhà nằm bất động, không thấy có tiếng huyên náo, tiếng xe cộ và tiếng nô đùa của trẻ nhỏ. Cháu cảm thấy nó như một ngôi làng chết”.

Sống trong địa ngục

Chiếc xe đi qua một cánh cổng và chạy thẳng vào sân của một ngôi biệt thự cũ kỹ. Xung quanh ngôi biệt thự được xây tường cao, tạo cảm giác biệt lập với thế giới bên ngoài. Hai người đi đón nhảy khỏi xe, gằn giọng quát: "Nhanh lên, cho hết đồ đạc xuống và mang ngay vào trong nhà, thật trật tự, để hàng xóm nó biết thì chết cả lũ”. Cả đoàn vội vã khuân vác đồ đạc vào nhà. Cảm giác đầu tiên khi vừa bước chân vào nhà là một không khí lạnh lẽo, tối tăm. Xộc vào mũi một mùi vô cùng khó tả, khiến không ít người tự nhiên nôn thốc, nôn tháo. Có mấy người định chạy ra ngoài liền bị hai thanh niên túm cổ áo lôi lại và quát tháo ầm ĩ.

Ngôi biệt thự cũ kỹ này hình như đã bị bỏ hoang từ lâu, không hiểu bằng cách nào mà người ta lại có thể biến nó thành xưởng may và nơi ăn, ở sinh hoạt cho 70 con người. Lúc chúng cháu đến nơi, ở đó đã có khoảng bốn mươi người, hình như họ đã ở đây từ vài tháng trước. Họ nhìn chúng cháu với ánh mắt như thương hại, như chia xẻ, khiến cho cháu linh cảm ngay đến một điều gì đó không lành.

Ngôi biệt thự chỉ có một tầng trên và một tầng hầm nằm sâu dưới lòng đất. Dưới tầng hầm được bố trí một gian đặt mấy chục bàn máy khâu, gian bên cạnh là nơi vừa nấu nướng vừa làm nơi ăn uống cho công nhân. Tầng trên, họ làm thêm một cái gác xép với cái cầu thang gỗ to tướng đi lên để làm nơi cho công nhân ngủ. Bảy mươi người, già, trẻ, trai, gái ở chung một gian phòng như thế, thật chật chội và bẩn thỉu vô cùng. Cả ngôi nhà chỉ có một cái toilet chung, sáng dậy tranh nhau sử dụng. Nước nóng thì không có. Mỗi ngày họ đun cho một nồi nước to nhưng không bao giờ đủ cho từng ấy con người, vì vậy, ai nhanh chân thì được tắm, ai không nhanh thì đành chịu bẩn.

Ngày hôm sau, họ thu hết hộ chiếu của cả đoàn, với lý do mang đi làm tạm trú và từ đó không bao giờ thấy họ trả lại. Lúc ấy cháu mới biết, cả ngôi nhà có bảy mươi người thì chỉ có khoảng ba mươi người có giấy tờ, hợp đồng và đóng khẩu đàng hoàng như cháu. Còn lại bốn mươi người khác đi sang theo dạng du lịch và làm việc theo kiểu bất hợp pháp không đóng khẩu, không đăng ký tạm trú.

Bị bóc lột đến tận cùng

Khi ở Việt Nam bố mẹ cháu đã nộp 1300 USD cho họ. Hợp đồng ghi rõ sang đến nơi phải trả thêm 400 USD nữa, làm việc với mức lương 600USD/ tháng và làm việc 8 tiếng/ngày. Nhưng chú biết không, ngày đầu tiên làm việc, họ đã bắt chúng cháu làm 14 tiếng. Họ tuyên bố mỗi người đang nợ 1000 USD nên phải làm tích cực để trả nợ, hoàn toàn sai với những gì đã ghi trong hợp đồng. Thế là chúng cháu phải nai lưng ra làm việc. Gặp những ngày có đơn đặt hàng nhiều, chúng cháu phải làm tới 16 tiếng. Ăn uống thì kham khổ, ngày này qua ngày khác chỉ ăn cơm với ít thịt lợn đông lạnh luộc, hoặc tý gà đông lạnh kho muối, hôm nào tốt lắm thì được một ít rau bắp cải luộc, thế mà mỗi tháng, chúng cháu phải trả 200 USD tiền ăn.

Thời gian lặng lẽ chứng kiến thân phận những con người lầm lũi bị giam cầm trong căn nhà cũ kỹ. Thế mà chúng cháu đã làm việc ở đó được gần 2 năm. Không hiểu họ tính toán thế nào mà viện đủ mọi lý do như trừ tiền ăn uống, trừ những lúc không có việc làm, trừ tiền nợ cũ, trừ tiền khẩu, tiền phạt sinh hoạt, phạt làm hỏng sản phẩm khiến cả đoàn không ai dư được đồng nào mà vẫn bị âm, nên vẫn phải làm việc để trả nợ. Cho đến ngày có ba chị, do tuổi cũng đã cao, làm việc quá sức nên bị ốm nằm liệt không dậy được, lúc ấy họ mới đưa đi bệnh viện để khám và phát hiện cả ba chị bị bệnh lao rất nặng. Ngay lập tức, họ hối lộ bác sĩ, với mục đích không bắt buộc mọi người phải đi khám (vì ở Nga, nếu một người bị ho lao, là cả tập thể phải đi kiểm tra và làm vệ sinh rất nghiêm ngặt). Do gia đình 3 chị quá nghèo, không có tiền gửi sang để tự về Việt Nam nên họ buộc phải mở hầu bao mua vé cho mấy chị về nước.

Không khí hoang mang, lo lắng trùm khắp căn nhà, có mấy đứa con trai dũng cảm bỏ trốn. Nhưng trốn đâu được khi trong người không một đồng xu, không có giấy tờ tùy thân, không biết tiếng Nga, không có người quen, không thông thạo đường xá để rồi lại bị họ bắt quay trở lại, cảnh cáo làm gương cho người khác?

Vừa lạnh, vừa độc hại, vừa thiếu dinh dưỡng, không phải mình cháu mà hầu hết mọi người đều bị ho. Họ không cung cấp thuốc men gì cả, ai có thuốc ở nhà mang theo thì uống và nhường cho nhau uống, rồi dù khỏi bệnh hoặc không khỏi vẫn phải đi làm bình thường. Đã 10 ngày ho liên tục không khỏi, cháu vẫn phải đi làm. Những lúc ấy sao cháu thấy buồn, tủi thân và nhớ nhà quá, cháu thấy thèm được ăn bát cháo hành tía tô nóng hôi hổi do mẹ nấu mỗi khi cháu bị cảm nhẹ, thèm được gội đầu bồ kết, lá sả vườn nhà, thèm được chạy nhảy ở cánh đồng lúa xanh rờn, thơm ngát mùi hương hoa lúa, và cháu ước mong có phép thần nào đó để mình có thể về được Việt Nam. Có lúc cháu đã nghĩ tới cái chết và cảm thấy hoang mang, lo lắng nếu một ngày nào đó mình dần kiệt sức và bỏ xác nơi xứ người. Chính những lúc cháu đang buồn và bi quan nhất thì được một người quen gọi điện hỏi thăm. Thấy cháu ho nhiều, không nói nên lời, chú ấy đã lo lắng gạn hỏi và đề nghị gửi tiền cho họ để chuộc cho cháu về nước. Thật là kỳ diệu, chỉ 1100 USD tiền chuộc, như một giấc mơ, một tuần sau cháu đã có mặt ở Việt Nam.

3blur3 3blur3
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)