Nhờ miền đồng bằng trù phú, nhiều sản vật mà ẩm thực miền Tây đã làm say lòng biết bao nhiêu du khách, thậm chí cả những người chưa từng đến miền sông nước cũng biết đến tiếng tăm. Các món ăn miền Tây phong phú về chủng loại và hấp dẫn về hương vị sau khi du nhập ra miền Trung, miền Bắc, hương vị đã thay đổi nhiều, có nhiều biến tấu để phù hợp với người dân các vùng miền. Tuy nhiên, cái đậm đà, sâu sắc trong từng món ăn thì khó mà lẫn được. Người miền Tây thích ăn những món có vị rõ ràng, vị nào ra vị ngấy. Nếu đã mặn thì phải mặn tê lưỡi, ăn cay thì phải chọn loại ớt cay xé đặc trưng và ngọt thì sẽ ngọt khé như chè mới đã.
Nhắc tới miền Tây là nhắc tới lẩu cá kèo lá giang chua chua ngọt ngọt, đăng đắng rất hấp dẫn. Ảnh: Shironeko |
Cá kèo là loại cá thon dài, có hình dạng gần giống cá bống, mỗi con dài chừng một gang tay. Tuy là loại cá da trơn nhưng hầu như không có mùi tanh. Cá kèo khá dễ ăn nên thân thuộc với người dân miền Tây, phải kể đến cá kèo kho tiêu, cá kèo nướng, cá kèo khô cốt dừa. Thế nhưng, dường như "ăn ý" nhất là cách dùng cá kèo để nấu lẩu. Nồi lẩu cá kèo muốn ngon thì nhất thiết phải có lá giang và rau đắng. Lá giang nhỏ như lá chè, có vị chua chua chan chát khiến nồi lẩu nhiều đạm bỗng trở nên thanh tao, dễ ăn. Miềng cá ngọt mềm, beo béo, hòa cùng nước lẩu chua nhẹ, đăng đắng khiến món ăn không hề ngấy mỡ.
Điểm đặc biệt là cá kèo khi cho vào nồi lẩu phải là những con còn sống, nhảy tanh tách. Tuy nhiên cách chế biến này là nỗi ám ảnh của nhiều thực khách. Do đó, đa số các nhà hàng ở Hà Nội đều làm cá chín sơ trước khi cho vào nồi.
Ngoài lẩu cá kèo, khi tới Cần Thơ, Bến Tre hay An Giang…, du khách còn được thưởng thức lẩu cá linh với màu vàng rực rỡ khó quên của những bông hoa điên điển. Cá linh có vào mùa nước nổi miền Tây Nam bộ, bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Thay vì ăn cùng các loại rau, lẩu cá linh lại ăn kèm với hoa, cho ra một hương vị rất đặc biệt, tạo nên linh hồn cho cả nồi lẩu. Hoa điên điển có độ giòn, thơm, bùi béo lại mang mùi hương nhè nhẹ rất khó quên.
Lẩu mắm hải sản U Minh. |
Người dân miền Tây có bí quyết riêng giúp lẩu mắm không quá mặn, nồi lẩu lại ngả màu nâu đặc trưng của mắm, nước sanh sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả vừa thơm lại vừa bắt mắt. Ngoài ra ăn kèm với lẩu mắm chính là cá bông lau, tôm, chả cá ăn kèm với nhiều loại rau đặc trưng miền Tây như rau đắng, so đũa, bí, cù nèo…, tạo nên hương vị rất chua mặn đắng hấp dẫn.
Bên cạnh các món lẩu, một món ăn chơi khoái khẩu khác cũng được mến mộ không kém là cơm cháy kho quẹt. Tuy là món khai vị nhưng món ăn để lại cho thực khách dư vị khó quên của mắm kho sát đáy nồi. Loại mắm này được kho sệt, đặc quánh, mang vị mặn mặn ngọt ngọt, pha chút cay cay đầu lưỡi rất kích thích vị giác. Còn cơm cháy là loại cháy đúng nghĩa nơi cuối nồi, không phải cháy tảng cứng đờ mà dẻo dẻo, thơm thơm. Cách ăn chuẩn của món ăn này là bẻ một miếng cháy nhỏ, quẹt qua thứ mắm nâu sánh như đúng tên gọi của nó. Giản dị vậy thôi mà khó quên lắm!
Cơm cháy kho quẹt đậm chất miền Tây. Ảnh: Shironeko |
Khi lên cơn thèm, bạn có thể tìm đến một số quán được đánh giá khá ổn về chất lượng dưới đây:
- "Phố miền Tây" Văn Cao (đoạn đối diện SVĐ Quần Ngựa) là nơi tụ họp của nhiều quán ăn như lẩu mắm Bà Sáu Cần Thơ (số nhà 65); Quán ngon Miền Tây (số nhà 65C và tầng 4, tòa nhà Grand Plaza 117 Trần Duy Hưng) phục vụ khá nhiều món ăn, không gian sạch sẽ hay Miền Tây quán (số 77 Văn Cao).
- Hệ thống nhà hàng Món ngon miền Tây (TTTM Parkson, The Garden, Keangnam và Royal City) có chỗ ngồi sạch sẽ, chất lượng ở mức khá.
- Nhà hàng Phương Nam (số 2 ngõ 69 Chùa Láng, cạnh Học viện Ngoại giao và 155 Bùi Thị Xuân): món lẩu cá kèo khá ngon nhưng hơi ít cá. Ngoài ra, quán còn có nhiều đặc sản miền Nam khác ngon miệng.
- Con đường đặc sản (99 Ngụy Như Kon Tum và 71B Văn Cao)
- Quán Minh Việt (số 16, đường 3 phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy)
- Tửu Chu Quán (56 Đào Duy Từ) với đặc sản lẩu mắm Châu Đốc, quán mới mở, tọa lạc ở vị trí khu trung tâm nên thuận tiện di chuyển.
- Lẩu cá kèo trong ngõ 371 Đê La Thành (trong ngõ quán karaoke Obama). Quán rất đông khách vào buổi chiều tối, giá cả hợp lý.
- Lẩu mắm hải sản ở quán Ốc Vi Sài Gòn (29 Phan Chu Trinh)
- Lẩu cá kèo Vũ Thạnh Quán (112A I2, ngõ 3, Vũ Thạnh, gần Giảng Võ)
* Mời bạn chia sẻ thêm về các quán ăn ngon miền Tây ở Hà Nội bằng cách comment dưới bài. Các địa chỉ do độc giả gợi ý sẽ được bổ sung vào trong bài viết.