Và tôi lại suy nghĩ về giá trị của mỗi con người. Con người thì hẳn nhiên không phải là một kim loại có những đặc tính cố định. Và giá trị của mỗi con người thì không thể nào chỉ nói đến “giá trị sử dụng” Nhưng chung quy vẫn là một câu hỏi, “Giá trị của mỗi người từ đâu mà có, do ai xác định và tồn tại đến khi nào?”
Có một người anh đã gợi ý cho tôi tìm hiểu về giá trị của Vàng. Nghe ra thì thật tức cười. Vàng- ai cũng biết, là một kim loại quý, giá trị của vàng, không cần bàn thì ai cũng hiểu rõ mười mươi. Nhưng tôi vẫn cố công tìm hiểu, và cảm thấy rất tâm đắc với lời tựa của một bài báo:
“Vàng là kim loại sở hữu những đặc tính vô địch, nhưng nó cũng chẳng có vai trò gì cho đến khi con người tìm ra, đào, tinh luyện và buộc nó phục vụ cho những nhu cầu của mình.”
– Hà Thu, Lịch sử vàng thế giới, VnExpress
Đúng rồi, điều mà tôi muốn tìm hiểu, là giá trị của vàng từ đâu mà có, do ai quyết định, ai xác nhận và giá trị đó sẽ còn tồn tại đến khi nào. Không ai biết được Vàng chính xác được tìm thấy khi nào và bởi người nào. Vậy nếu trở về giai đoạn khi Vàng chưa được con người tìm thấy và nhận ra như một kim loại có giá trị sử dụng cao, thì “nó” đã có giá trị chưa? Và đi ngược dòng lịch sử, cách đây 3600 năm trước công nguyên, khi những người Hy Lạp cổ đại lần đầu tiên tìm ra cách khai thác Vàng và bắt đầu sử dụng nó, tôi tự hỏi, Vàng lúc đó có “giá trị” như thế nào đối với họ? Khi chưa có thước đo tiền tệ, Vàng được “định giá” như thế nào đây? Hay “giá trị” đó chỉ là họ có thể sử dụng Vàng để làm gì. Cũng giống như đồng hay sắt có thể dùng để làm gì.
Dù cách đây mấy ngàn năm hay ngay trong hiện tại, thì Vàng vốn dĩ cũng chỉ là một loại khoáng sản trong tự nhiên, “là kim loại mềm, dễ uốn, dễ dát mỏng, màu vàng và chiếu sáng, không phản ứng với hầu hết các hoá chất…” Khi xã hội con người ngày càng phát triển, khoa học kĩ thuật ngày càng tiến bộ, người ta càng tìm thấy nhiều công dụng của Vàng, thì càng ngày giá trị của Vàng càng được nâng cao. Vậy nếu không có người nhìn thấy công dụng của Vàng, vẫn xét những đặc tính như nó vốn có, giá trị của “nó” còn tồn tại hay không? Hay như xét về xu hướng thời trang, so với thời cổ đại, lúc những trang sức Vàng đầu tiên ra đời và thời hiện đại, lúc người ta tìm ra bạch kim, Vàng không được ưa chuộng nữa, giá trị của nó đã không còn như trước, vậy có phải sự “mất giá trị” đó nguyên nhân là do những đặc tính ban đầu của Vàng “bị xuống cấp?”
Bản thân cấu tạo hóa học của Vàng không thay đổi. Chỉ có nhu cầu của con người thay đổi. Khi con ngươi có nhu cầu sử dụng thì Vàng sẽ trở nên có giá trị, cần mà không có đủ, giá trị của vàng càng được nâng cao. Nếu nhu cầu tiêu thụ giảm, giá trị của Vàng theo đó cũng sẽ giảm. Đó là quy luật cung cầu của nền kinh tế, không chỉ với Vàng mà với tất cả những gì có “giá trị sử dụng”. Vậy, vật không sử dụng được (không có ích) theo đó sẽ không có giá trị. Bản thân đồ vật (hay Vàng) không tự quyết định được giá trị của nó cũng như không thể xác định giá trị đó tồn tại đến khi nào. Định nghĩa về giá trị là do con người tạo ra, dựa trên nhu cầu của bản thân mình hoặc theo một chuẩn mực nhất định – cũng do chính con người đặt ra.
Và tôi lại suy nghĩ về giá trị của mỗi con người. Con người thì hẳn nhiên không phải là một kim loại có những đặc tính cố định. Và giá trị của mỗi con người thì không thể nào chỉ nói đến “giá trị sử dụng” Nhưng chung quy vẫn là một câu hỏi, “Giá trị của mỗi người từ đâu mà có, do ai xác định và tồn tại đến khi nào?”
Khi tôi nói “ Bạn rất quan trọng đối với tôi,” đó là tôi đang xác định giá trị của bạn, so với những mong muốn, tình cảm của bản thân tôi. “Bạn” là một cá thể độc lập, sẵn có những cá tính riêng biệt, “Bạn” quan trọng với tôi nhưng với người khác thì “Bạn” chẳng là gì cả, như vậy, rốt cuộc “giá trị” của bạn là cao hay thấp? Cũng như trường hợp một thỏi vàng, có màu vàng chiếu sáng, có tác dụng làm trang sức, dẫn điện tốt nhưng không tốt bằng bạc hay chì, vậy khi đưa cho người thợ kim hoàn hay người thợ điện thì nó sẽ có giá trị hơn?
Và khi người thợ điện với người thợ kim hoàn xác định giá trị của thỏi vàng, thì giá trị thật của nó – là những đặc tính căn bản – có được nâng cao hay xuống thấp theo đó hay không? Dĩ nhiên là không! Khi nói đến “xác định giá trị” thì dù là người hay vật đều cần dựa vào một cái chuẩn nhất định, của ngôi thứ hai, chứ không phải ngôi thứ nhất – bản thân mình. Không thể tự vỗ ngực xưng danh “Tôi rất có giá trị,” luôn cần phải có “một ai đó” xác nhận, là giá trị gì, đối với ai.
Nhưng, khác với đồ vật, chúng ta có thể lựa chọn đối tượng xác nhận. Khi tôi nói “Bạn rất quan trọng với tôi” hay người khác nói “Với tôi bạn chẳng là gì cả” thì “Bạn” vẫn chỉ là “Bạn”. Bạn có thể dựa vào “chuẩn” của tôi để thấy mình có giá trị, hoặc theo “chuẩn” của người khác mà nhận rằng mình “không là gì cả”. Cũng như một anh thanh niên vừa mới ra trường, cầm tấm bằng loại ưu đi xin việc, với công ty đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, anh ta rớt phỏng vấn là chuyện bình thường. Vậy lúc rớt phỏng vấn, có phải tấm bằng loại ưu, giá trị của anh thanh niên đó là bằng không? Và với một công ty khác, khi chấp nhận anh thanh niên đó vào làm, là họ xác định sai giá trị của anh ta hay là đang cho anh ta cơ hội khẳng định giá trị của mình?
Quan trọng hơn cả là con người khác với đồ vật vô tri ở chỗ có thể chủ động thay đổi “đặc tính” riêng của mình. Không như những thỏi vàng, cần đến tay người thợ kim hoàn biến nó thành những món đồ trang sức tinh xảo để nâng cao giá trị. Chúng ta bị đánh giá, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động cải thiện mình để thay đổi đánh giá đó, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi giá trị của bản thân. Và giá trị đó tồn tại bao lâu, cũng là do chính bản thân chúng ta quyết định.
“Người đánh giá” chẳng qua là một đối tượng bị động, mà chúng ta có quyền lựa chọn để tự nhìn nhận bản thân mình. Hay nói cách khác, chúng ta lựa chọn cái chuẩn mà mình muốn, để có được đánh giá về mình. Giống như ném đi một trái bóng để nhận lại lực tương tác, như là kết quả của một quá trình. Nói như vậy, không có nghĩa là nghe theo những lời xu nịnh để xây cho mình những giá trị ảo hay phụ thuộc quá lớn vào nhận định của người khác đến nỗi đánh mất giá trị thật của bản thân. Vẫn cần “ngôi thứ hai”, nhưng “ngôi thứ nhất” phải giữ quyền chủ động.
Nếu như anh thanh niên tốt nghiệp loại ưu đó sau lần phỏng vấn đầu tiên thất bại đã không tiếp tục đi xin việc nữa thì liệu anh ta còn có cơ hội để “xác định giá trị?” Hay như ở công ty mới, vì được trọng dụng với tấm bằng loại ưu, mà anh thanh nhiên chưa có kinh nghiệm đó không tiếp tục học hỏi thì giá trị ban đầu mà công ty đó xác định cho anh ta có còn đúng nữa hay không?
Quan trọng không phải là chúng ta được hay bị đánh giá như thế nào, mà là chúng ta biết mình là ai, mình có gì và cần gì. Tôi cần có được những nhận định tốt từ bạn. Vậy thì chuẩn mực của bạn là gì, tôi sẽ cố gắng đạt đến. Tôi không có được nhận định tốt từ bạn, cũng không có nghĩa là tôi xấu. Tôi biết bạn đánh giá tôi thế này, thế kia, cũng có người nhận xét tôi thế này, thế kia, nhưng quan trọng là tôi biết được con người mình như thế nào. Và tôi biết tôi nên làm gì với điều đó.
Trong mỗi chúng ta, hầu như ai cũng có nhu cầu “chứng tỏ bản thân mình”, không ít thì nhiều, không ở lĩnh vực này thì ở lĩnh vực khác, và để sự “chứng tỏ” thành công có phải chăng đều cần có sự xác nhận của người khác – là “xác nhận giá trị”. Nhưng cái mà chúng ta cần tìm kiếm vốn dĩ không phải “mình có có giá trị như thế nào với ai” mà là “mình có niềm tin thế nào đối với bản thân.”
Có người bạn đã từng nói với tôi “Niềm tin là tài sản quý nhất của đời người, có niềm tin là làm được tất cả” khi bạn có niềm tin và biết nỗ lực phấn đấu với niềm tin đó, chính bạn đã tự tạo cho mình một gia tài. “Gia tài” đó có những gì và có giá trị như thế nào? Hay đặt câu hỏi với người mà bạn cần câu trả lời! :)