Lưu ý các chỉ định khi đeo kính
Theo TS.BS Lê Thị Hải Châu, thành viên hội Nhãn khoa châu Á – Thái Bình Dương và tổ chức Phòng chống mù loà khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không chỉ với kính sát tròng, mà ngay cả kính đeo mắt nói chung (cận, viễn, loạn thị, kính mát…) cũng có thể gây tai nạn cho mắt khi tiếp xúc nhiệt độ cao. “Những trường hợp được bác sĩ nhãn khoa chỉ định đeo kính sát tròng đều được lưu ý trong khi đeo kính phải tránh tiếp xúc quá gần với lửa, bếp gas, nguồn hơi nóng, khí nóng… vì những tác nhân này sẽ làm tròng kính co lại, gây tổn thương mắt. Tuy nhiên, nhiều người rất hay quên điều dặn dò này”, BS Hải Châu nói.
Cũng theo BS Châu, nhiều người ngộ nhận kính đeo mắt cũng là một loại kính bảo hộ mắt, trong khi kính bảo hộ khác hoàn toàn với kính đeo điều chỉnh tật khúc xạ. “Người đeo kính cũng phải rất chú ý đến những tai nạn có thể do va đập mạnh gây hỏng kính, gây thương tích cho mắt hoặc phần đầu. Cẩn thận khi mắt kính tiếp xúc với mỹ phẩm bởi có một số hoá chất sẽ từ kính rớt vô mắt mà người đeo không hay, cũng không nên để kính tiếp xúc với các loại benzine, thinner hay cồn vì sẽ làm cho kính bị hư hỏng, ảnh hưởng gián tiếp đến mắt… Không được rửa kính bằng nước nóng, không sử dụng kính khi tắm hơi hoặc dùng máy sấy, lò sấy để làm khô kính; tránh để kính trong cốp xe máy vì nhiệt độ cao trong cốp có thể làm hư hại chất lượng kính…”, BS Hải Châu lưu ý.
Một số chấn thương khá phổ biến khácThực tế điều trị tại bệnh viện mắt TP.HCM còn ghi nhận một số chấn thương khá phổ biến khác như: chấn thương đụng dập (do nắm tay, quả bóng, banh tennis, dây ràng thun đứt bật vào mắt, nắp chai khui văng trúng mắt, nổ bật lửa ga; ngã đập mặt vào vật cứng…); chấn thương xuyên thủng (do các vật sắc nhọn hoặc mảnh kim loại, đất đá khi đóng đinh, chẻ củi, làm vườn, gò hàn sắt… bắn vào); bỏng mắt (do hoá chất, nhiệt, nổ bình ắcquy, cầu dao điện, keo dán sắt…), bỏng do hoá chất thường gây ra những tổn thương rất nặng nề. |
BS.CK2 Vũ Anh Lê, trưởng khoa chấn thương, bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết: “Chấn thương mắt có thể do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn lao động, thể thao. Hậu quả do chấn thương mắt để lại thường rất nặng nề, ảnh hưởng cả về mặt chức năng thị giác lẫn thẩm mỹ như giảm thị lực, mù loà, sẹo xấu, thậm chí có trường hợp phải bỏ mắt. Chấn thương mắt hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh về mắt”, BS Anh Lê cảnh báo.
Khi bị chấn thương mắt, cần xử trí ban đầu đúng cách để tránh làm tổn thương nghiêm trọng hơn. Đối với dị vật kết giác mạc, tránh dụi mắt vì có thể làm dị vật ghim sâu hơn hay làm trầy lòng đen. Nên chớp mắt trong nước sạch để giúp dị vật trôi ra ngoài. Nếu không loại được dị vật, nên đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt. Đối với các trường hợp bỏng mắt, phải rửa mắt ngay tại chỗ bằng nước sạch, rửa càng nhiều càng tốt (riêng trường hợp bỏng vôi sống, phải gắp vôi ra trước khi rửa).
Sau đó băng mắt và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt, không được chậm trễ. Đối với các trường hợp có vết thương ở mắt kèm dịch nhầy nhớt, lẫn máu… cần băng mắt và chuyển đến cơ sở có chuyên khoa mắt gần nhất, không rửa mắt, nhỏ thuốc kháng sinh và tuyệt đối không được tự ý lấy vật lạ cắm trong mắt ra. “Điều trị chấn thương mắt rất phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian nhưng kết quả thường không như mong muốn. Vì vậy, cần giáo dục ý thức tự bảo vệ mình và mọi người xung quanh ngay từ khi còn bé, không chơi những trò chơi nguy hiểm cho mắt. Trong sản xuất phải tôn trọng nội quy an toàn lao động. Trong sinh hoạt hàng ngày, luôn thao tác cẩn thận, có ý thức bảo vệ mắt trong lúc làm việc…”, BS Anh Lê nói.
Thanh Hương – Lê Duy