Sao mà không lo cho được? |
Đặt bên cạnh số phận hẩm hiu của các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường hôm nay, nào cách dạy khuôn sáo cứng nhắc, nào tác động của một thời đại mà những giá trị tinh thần chỉ đáng giá ba xu, rõ ràng những đề văn đụng chạm đến những “mặt trái” của xã hội và cho phép thí sinh tương đối tự do bày tỏ chính kiến, là đáng hoan nghênh lắm chứ.
Rất hoan nghênh, nhiệt liệt hoan nghênh cái sự mở của đề thi vì đó cũng là sự mở toang mọi cánh cửa nối thông nhà trường với thực tế đời sống nỏng bỏng hiện nay. Từ đề thi trinh tiết chả có gì quan trọng nên Nguyễn Du mới bảo "có ba bảy đường" còn thí sinh thì hiểu thế nào cũng được, đến đề thi nói về sự giả dối và trung thực mà có lẽ trung thực là không tốt lắm nên mới có vụ Clip Đồi Ngô chứ, rồi giờ đây là đề thi về thần tượng.
Riêng về ý thần tượng của đề thi văn thì…cực kỳ hay, chắc chắn chỉ dành cho những thí sinh có thần tượng được thỏa sức phóng bút làm bài, còn những thí sinh chẳng may không có thần tượng nào thì chỉ có nước cắm bút nhận trượt luôn đi cho rồi (nếu cứ làm thì là không trung thực, là giả dối!). Mà chắc người ra đề tư duy thoáng mát nên thì sinh….thích hiểu kiểu gì cũng được: tiền giả định của khái niệm thần tượng quá rộng và không rõ nghĩa nên tiện nhất là cứ coi như thần tượng trong làng sóc bít đi, cho nhanh. Chớ dại mà coi thần tượng là những anh hùng, danh nhân, võ tướng vì dân vì nước vì nếu thế thì không thể làm được vế sau là "say mê quá là thảm họa". Thôi thì cứ coi như thần tượng Bigbang hay 1 ai đó trong làng sóc bít đi, cho nó lành.
Sở dĩ từ “mặt trái” ở trên người viết phải xin phép quý vị độc giả để rón rén đặt trong ngoặc kép là vì nhìn quanh quẩn, lẽ ra ta phải thay từ “mặt phải” vào mới đúng. Nói cách khác, cái gọi là sự dối trá hoặc thói cơ hội mà đề thi kịch liệt lên án, vinh dự thay cho chúng nó, đang dần – nếu không muốn nói là đã – chiếm ưu thế so với sự thật thà, sự chân chính.
Về ví dụ để chứng minh, thì khỏi cần nhắc lại quý vị cũng nhớ, thí sinh duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp 2012 nổi hứng thật thà rồi quay clip để tố cáo tiêu cực tại Đồi Ngô đã suýt bị ngành Giáo dục kết cái án “làm việc dại dột” và cần được “giáo dục” để trở thành người trung thực, đàng hoàng; thành người tốt theo chuẩn giáo dục hiện nay.
Trong phạm vi bài viết, tác giả xin mạn phép các bậc đức cao vọng trọng trong ngành Giáo dục để nói dông dài về cái được gọi miệt thị là thói cơ hội.
Chưa biết mặt mũi cái đáp án chính thức của Bộ ra sao, nhưng ai cũng thấy rõ rằng, dù không khẳng định trực tiếp nhưng người ra đề có vẻ muốn thí sinh làm bài theo hướng lên án những kẻ cơ hội, khi đặt ra hai vế đối nhau chan chát, chỉnh chả kém là mấy so với thời lều chõng ngày xưa.
Kẻ cơ hội đối đầu người chân chính, tính nôn nóng ngược lại với lòng kiên nhẫn, còn thành tích thì so kè với thành tựu. Nhất là với từ “kẻ” mang đầy sắc thái khinh khi, xem ra những người cơ hội tuyệt không còn cơ hội nào để phục hồi phẩm giá.
Thật tình, nếu phải làm bài thi này, có lẽ nhiều người nhớn cũng phải loay hoay, vì nghĩ đi nghĩ lại, không biết cái từ “cơ hội” trong từ điển của ngành Giáo dục mang ý nghĩa gì mà lại xấu xa đến thế?
Có lẽ, theo các vị, một người chân chính sẽ không bao giờ thèm chấp nhận những hoàn cảnh thuận lợi từ trên giời rơi xuống để hoàn thành công việc, phải biết bỏ qua cơ hội, kỳ cạch vượt qua từng hòn đá tảng để đạt tới thành công chăng?.
Nói khác đi, có lẽ đề thi nên có một định nghĩa rõ ràng hơn về kẻ cơ hội, kẻo thiên hạ không ai dám chớp thời cơ như các dân tộc nhược tiểu vùng lên giành độc lập hồi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai!
Giả thiết thứ hai, dễ nghe hơn và khả dĩ giúp chúng ta nhẹ nhõm hơn: ý kiến được trích dẫn trong đề thi không phải là một định nghĩa đầy đủ về kẻ cơ hội, mà chỉ nêu lên một trong những đặc tính của họ.
Nhưng cứ giả sử như thế, thì người ta vẫn phải vò đầu không hiểu nổi sự sự khác nhau giữa thành tích và thành tựu, theo quan điểm của người ra đề ra sao.
Chẳng rõ hai cái “thành” này nó khác nhau mô tê ra làm sao, nhưng theo logic của đề thi, có thể tạm suy ra rằng thành tích là nhất thời, là ngắn hạn, là kết quả của sự nôn nóng, còn thành tựu là cái bền vững hơn trong dài hạn, là do kiên nhẫn đơm hoa kết trái.
Và nữa, mà cái này mới quan trọng, thành tựu thì đáng được hoan nghênh, còn thành tích là thứ bỏ đi không có giá trị gì ráo.
Nghĩ nát óc cũng chỉ lờ mờ hiểu như vụ Đồi Ngô trên kia thôi: thí sinh quay clip là thật thà nên Bộ GD và các ban ngành mới phải dạy dỗ thí sinh đó rằng cần phải trung thực, từ đó suy ra rằng: thật thà không phải lúc nào cũng đồng nghĩa, sát nghĩa với trung thực. Thật thà có thể là dại dột chứ khó có thể là trung thực được. Tương tự như thế, thành tích không những không gần nghĩa với thành tựu mà còn là ngược nghĩa nữa kia. Thành tích là xấu (bộ GD và cả nước vẫn phê cái bệnh thành tích đó thôi) còn thành tựu là tốt, thành tích là đen còn thành tựu là trắng hoặc là đỏ gì đấy. Thế mới kinh chứ! Tinh tế và sáng tạo đến cỡ này thì chắc chắn ngành ngôn ngữ học và đặc biệt là các nhà từ điển học sẽ phải lập dự án đi du học đâu đó hoặc cắp cặp đến hỏi những người ra đề thi để chỉnh lại từ điển cho hợp với thời đại chúng ta.
Lạ nhỉ, thật không để đâu cho hết lạ. Ờ mà có lẽ các vị ra đề không bao giờ đọc báo, xem ti vi hay nghe đài, bởi nếu có thì các vị còn lạ gì một cụm từ mà bất cứ ai có thói quen đọc báo cũng đã nhìn, đã nghe thấy cả trăm nghìn lần: Thi đua lập thành tích chào mừng… một sự kiện nào đó.
Riêng ngành giáo dục, hình như đã có những người được khen thưởng vì có thành tích trong cuộc vận động… chống bệnh thành tích kia mà. Còn mới nhất, khi sửa đổi quy chế thi đại học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã đánh giá người tham gia tố cáo tiêu cực là “những người có nhiều thành tích đóng góp cho kỳ thi”.
Ô hay, thế chúng ta phải hiểu cái “thành tích” này như thế nào cho phải đạo và không sợ phạm húy nhỉ?
Nhưng dù sao, đấy cũng là chuyện trong phòng thi, trên bài viết. Các thí sinh có thể tung hoành múa bút vô cùng hứng khởi về những điều tốt đẹp, về khát vọng làm một con người chân chính nói không với thói cơ hội, nhưng hãy thử bước ra ngoài phòng thi, sẽ biết mặt cuộc đời ngay thôi.
Với tiêu đề “Nó sống vì tiền quá, 2 tiếng nó chém cô 200 ngàn”, Phunutoday hôm nay cho biết, đưa con lên Thủ đô ứng thí, nhiều bậc phụ huynh từ quê ra tỉnh bị các loại dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ quanh các điểm thi đua nhau chặt chém.
Ấy đấy, thưa các quí vị, trong khi thế hệ tương lai của đất nước được dạy dỗ hết sức cẩn thận về những cụm từ rất cao đẹp như thật thà, chân chính, ngay thẳng, thì trong thực tế, những kẻ tận dụng mọi cơ hội để bóp nặn từng xu của người khác, mà trong trường hợp này có thể gọi là cướp ngày – vẫn sống khỏe re.
Tại sao lại phải khư khư những quan niệm lỗi thời về chân chính, khi những kẻ cơ hội vẫn sống nhăn răng và thậm chí còn có thể vênh mặt với đời nữa?
Mà nghĩ cho kỹ, các em cũng chẳng cần phải bước chân ra khỏi phòng thi mới thấy rõ thế sự ngày nay. Đồi Ngô chẳng hạn, thử hỏi có học sinh nào có phao trong tay và được giám thị làm ngơ mà lại quyết không liếc một nửa con mắt để đạt điểm cao hơn không?
Ai mà biết được, nhưng quả nếu có một thí sinh nào như vậy thì khả năng em đó được gia đình và nhà trường tống vào bệnh viện tâm thần là hết sức cao. Mà hậu quả thì cũng hết sức khôn lường: Em nào cũng khư khư giữ lòng tự trọng và quyết không lợi dụng cơ hội để chép bài, thì ai dám chắc cái “thành tích” (lại thành tích) đỗ tốt nghiệp 97,63% vừa rồi của ngành Giáo dục sẽ là bao nhiêu?
Và trong khi các em học sinh đang mải mốt lên án thói cơ hội, thì một ngày trước đó, 8/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đăng đàn trên chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời để nói về trách nhiệm của Bộ trong vụ việc tiêu cực ở Đồi Ngô.
Bộ trưởng khẳng định như đinh đóng cột: Vụ việc ở Đồi Ngô là vi phạm nghiêm trọng và chúng tôi đã có phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang triển khai xem xét, xử lý. Kết luận xử lý đã được công bố và chúng tôi cho rằng cũng nghiêm khắc và đúng với khuyết điểm.
Đúng một tháng trước, ngày 8/6, báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tường thuật: Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Phạm Vũ Luận đã tỏ ra thờ ơ khi được các nhà báo hỏi về vụ việc này. Ông cho rằng dư luận đã vội vàng khi công bố thông tin và việc xử lý do địa phương làm, Bộ đang chờ báo cáo, khi nào có kết luận Bộ sẽ có ý kiến với tỉnh.
Khi các nhà báo muốn biết Bộ sẽ có một thông điệp cụ thể để công luận khỏi băn khoăn, Bộ trưởng hỏi lại rằng: “Thông điệp rõ ràng để làm gì?”.
Khi các phóng viên cho biết không thể ngăn được dư luận vì clip rất rõ ràng, Hội đồng thi Trường THPT Đồi Ngô cũng đã xác nhận, Bộ trưởng cho biết: “Cứ để dư luận người ta nói!”.
Khi được hỏi còn có 11 clip khác nữa về gian lận thi cử, Bộ trưởng có quan tâm không, Bộ trưởng trả lời không quan tâm. Theo ông, khi nào họ công bố hãy tính, chứ ông không đi hỏi.
Cuộc đời là thế đấy, các thí sinh thân mến ạ!