Đền thờ Angkor Wat là một trong những di sản của đế quốc Khmer. Ảnh: wikipedia.org.
[justify]Đế quốc Khmer từng trải dài trên phần lớn lãnh thổ Đông Nam Á từ năm 801 tới năm 1400 trước khi biến mất đột ngột. Livescience khẳng định đây là một trong những nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người trước khi nó suy vong. Trong nhiều thập kỷ qua giới sử học đưa ra vô số lời giải thích về sự diệt vong của đế quốc Khmer. Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân là cuộc xung đột với các quốc gia khác, trong khi nhiều người khẳng định đế chế này bị tiêu diệt do đất đai thoái hóa.
Nhưng, theo Livescience, Brendan Buckley - một chuyên gia về khí hậu của Đại học Columbia, Mỹ đã tìm ra bằng chứng đáng tin cậy về việc đế quốc Khmer suy vong do thiếu nguồn nước dành cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Tình trạng đó khiến hệ thống thủy lợi quy mô lớn của Angkor - kinh đô của đế chế - tê liệt, trong khi hệ thống này rất quan trọng với nền kinh tế nông nghiệp. Thủ phạm gây nên tình trạng khan hiếm nước là hai đợt hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây nên.
Buckley và các đồng nghiệp đã dựng lại bức tranh khí hậu trong khu vực xung quanh kinh đô Angkor của đế chế Khmer cổ bằng cách nghiên cứu những vòng tròn bên trong thân các cây bách tại một vườn quốc gia gần đó. Những vòng tròn cho thấy vương quốc này từng trải qua một đợt siêu hạn hán kéo dài tới ba thập kỷ - từ khoảng năm 1330 tới năm 1360. Sau đó đó vương quốc còn hứng chịu một đợt hán hán khắc nghiệt hơn nhưng ngắn hơn trong khoảng thời gian từ năm 1400 tới năm 1420. Buckley cho rằng hai đợt siêu hạn hán có thể khiến mùa màng thất bát và bệnh truyền nhiễm lan rộng – hai thảm họa đối với một đất nước có mật độ dân số lớn. Thế rồi tới năm 1431, vương quốc sụp đổ sau một cuộc tấn công của nước Xiêm (Thái Lan ngày nay).
“Vào thời đó kinh đô Angkor đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội, chính trị và văn hóa. Sự thay đổi lớn của môi trường đã đẩy người dân Khmer tới giới hạn cuối cùng trong khả năng chịu đựng và họ không thể thích nghi được với thay đổi ấy. Tôi không nói biến đổi khí hậu là nguyên nhân trực tiếp khiến nền văn minh Khmer cổ sụp đổ, nhưng chắc chắn một đợt hạn hán kéo dài tới 30 năm phải gây nên một tác động nào đó”, Buckley phát biểu.
Nhóm của Buckley cũng tìm thấy bằng chứng về những mùa mưa mạnh khiến hệ thống thủy lợi của kinh đô Angkor bị phá hủy. Trong mùa mưa bình thường, hệ thống thủy lợi khổng lồ - gồm kênh rạch, đê, hồ chứa nước – của Angkor có thể chịu được lượng mưa lớn. Nhưng sau một đợt siêu hạn hán kéo dài, hệ thống ấy có thể bị hủy hoại.
Các chuyên gia cho rằng El Niño, được tạo nên bởi sự ấm lên của dòng nước ấm ở phía đông Thái Bình Dương khiến một lượng hơi nước rất lớn bay vào không khí, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn những mùa mưa ở khu vực xung quanh Angkor khiến hạn hán kéo dài.
“Chúng ta cần nhớ rằng các nền văn minh vẫn có thể bị tổn thương trước biến động của khí hậu”, Kevin Anchukaitis, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Nhiều nghiên cứu trước đây chứng tỏ rằng những thay đổi đột ngột về môi trường có thể đẩy các nền văn minh cổ tới tình trạng diệt vong. Nền văn minh của người Anasazi ở phía tây nam nước Mỹ, đế chế của người Maya ở Trung Mỹ và vương quốc Mesopotamia (phía tây nam châu Á ngày nay) của người Akkadian là những nền văn minh biến mất vì biến đổi khí hậu.[/justify]