Teen 24h 2009-05-08 10:10:20

"Để dành" :P






Ngày nay, không ít teen có ý thức rất cao trong việc đề ra những kế hoạch và tự giác thực hiện chúng. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ có thói quen “để dành” mỗi khi bắt tay thực hiện một công việc nào đó.




Không phải là công việc đó quá khó, không thực hiện nổi mà đơn giản là họ đã quen với suy nghĩ “việc hôm nay, cứ để từ từ”. Chúng mình cùng zoom vào những người có thói quen “để dành” này nhé!



1. Để dành kiến thức



P.B - một trong những “cao thủ võ lâm” trong việc chạy nước rút trước mỗi kì thi hay kì kiểm tra tâm sự: “Tội chi phải ôn trước cho mệt. Tới ngày nộp bài tớ mới làm mà vẫn có bài lấy điểm đó thôi. Việc gì phải suốt ngày lo ngay ngáy chuyện bài vở”. Nghĩ sao làm vậy, đợt cô giáo giao đề tài tiểu luận kinh tế chính trị, P.B cứ đủng đỉnh chơi trước làm sau. Rốt cuộc, tới ngày cuối cùng cô bạn mới cắm đầu cắm cổ vào làm bài. Gần 50 trang viết tay (vì nhà trường không cho đánh máy) đã được hoàn thành gấp rút trong….một đêm. Sáng hôm sau tới lớp, mắt P.B không khác gì mắt gấu trúc.



Tuy nhiên, P.B không phải là một ngoại lệ của giới học sinh, sinh viên thời nay. Nhất là sinh viên. Cứ vào những đợt thi hết môn, thi cuối kì, thế nào bạn cũng thấy có những sinh viên thức thâu đêm để học bài. Lúc nào họ cũng kè kè quyển sách trên tay. Bàn học thì thường trực cà phê với trà đặc. Không phải là họ chăm chỉ đâu. Chẳng qua là họ đã trót lêu lổng, tới khi nước tới chân, họ mới cắm cổ vào ôn thi đấy. Khổ nỗi, tri thức của nhân loại như trời bể mà họ nhồi nhét trong có mấy ngày đêm thì có ăn bánh mì giúp trí nhớ của Đôrêmon cũng không thể nào nhớ hết được. Thế nên, hình ảnh mấy anh chị sinh viên, ngồi trên bàn hỏi thi vấn đáp của các thầy cô, tự dưng mặt thuỗn ra vì gặp những câu chưa nhồi kịp là “chuyện thường ngày ở huyện”.



Ngộ nghĩnh hơn là chuyện để dành kiến thức của T.H. Chả là, T.H học khá ổn nên hôm đó, vào phòng thi, đọc qua đề một lượt là T.H đã thấy ngay những câu dễ như kẹo. Định bụng khi làm xong những câu khó thì quay lại làm những câu ấy, ai ngờ T.H bị cuốn vào những câu khó tới tận cuối giờ thi. Đến lúc nhớ ra những câu “chắc ăn” kia thì chuông báo hết giờ đã điểm rồi. Cậu chàng chả biết làm gì ngoài việc ngồi ngẩn ra vì tiếc hùi tiếc hụt và dặn lòng, lần sau nhớ rút kinh nghiệm vậy.



2. Để dành tình cảm



Khi yêu quý một ai đó thì hiếm teen nào có thể “ém nhẹm” tình cảm ấy trong lòng mình được, đúng không? Đặc biệt là với tuổi chúng mình, không có gì thì thôi, chứ có “thầm thương trộm nhớ” ai đó thì có khi cả nửa lớp biết ý chứ. Vậy mà N.H lại không như thế. Vốn rất có cảm tình với cô nàng bí thư xinh xắn, giỏi giang của lớp từ những ngày đầu cấp, song cậu bạn lại không tỏ một thái độ gì cả. Tận đến ngày, bí thư có “người trong mộng” là cậu lớp trưởng lớp hàng xóm, N.H mới thẫn thờ vì…tiếc. Nhất là khi, trong buổi chia tay cuối năm, đọc lưu bút của bí thư, chàng mới biết có một thời bí thư cũng…thinh thích mình.



Phức tạp hơn là chuyện của M.Anh. Chả là M.Anh có cô bạn thân tới mức…con chí cắn đôi. Tự dưng hai cô nàng giận nhau. Chẳng ai chịu nói lời xin lỗi trước với quan niệm: “Đã là bạn mình thì thế nào đi nữa cũng là bạn mình. Xin lỗi sớm hay muộn có quan trọng gì”. Đùng một cái, cả gia đình cô bạn thân phải chuyển nhà. Thế là, M.Anh không còn cách nào mà xin lỗi bạn trực tiếp được nữa. Khi đó, M.Anh mới ngậm ngùi tiếc nuối: “ Phải chi, mình xin lỗi sớm hơn thì hay biết mấy!”



3. Để dành những cơ hội



Nhà trường phổ biến thể lệ tham gia đăng kí thi lấy học bổng tiếng Anh do tập đoàn dầu khí Pestronas tài trợ từ lâu. Là người có đủ những điều kiện tham dự nên X.H rất phấn khởi chuẩn bị. Thế nhưng, do cái tính chủ quan nên X.H cứ chần chừ mãi mới hoàn thành bộ hồ sơ. Ngày H vác hồ sơ tới phòng công tác sinh viên nộp thì cũng là lúc cô giáo thông báo đã hết hạn nhận hồ sơ dự tuyển từ…một tuần trước đó. Còn biết làm gì nữa đây ngoài việc ôm bộ hồ sơ đau khổ ra về ?



Trường hợp của bà chị họ tớ mới là đáng báo động. Chị ý là sinh viên năm cuối rồi, thế mà chẳng có lấy một chữ tiếng Anh “lận lưng”. Nhắc chị ý đi học thì chị ý bảo: “Từ từ, đi đâu mà vội”. Tới lúc phải đi xin việc thì chị tớ mới phát hoảng lên khi nhận ra tiếng Anh quan trọng đến thế. Từ CV xin việc, phỏng vấn cho tới những công vịêc cụ thể trong tương lai…Tất tần tật đều sử dụng tiếng Anh hết. Mà, chị tớ thì sẵn tâm lí “ngại” từ lâu, sức ì quá lớn nên bây giờ muốn học tiếng Anh cũng khó. Với lại, ngoại ngữ là môn học mà càng học từ sớm càng tốt. Ai bảo chị ý cứ chủ quan, việc hôm nay để dành tới ngày mai cơ.



4.Giải pháp cho những ai thích “để dành”



Không phải là một căn bệnh vô phương cứu chữa mà chỉ cần teen nhà mình có nghị lực và quyết tâm là sẽ khắc phục được căn bệnh này ngay ý mà. Các cụ đã chả có câu: “Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đấy, chính tâm lí ngại này mới gây nên những khó khăn cho teen khi nắm bắt những cơ hội thành công trong cuộc sống. Vậy thì, teen nhớ nhé, hãy vạch ra cho mình những kế hoạch cụ thể và nghiêm túc thực hiện chúng. Có như vậy thì bệnh “của để dành” mới được đẩy lui bạn ạ!
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)