Teen 24h 2009-04-14 04:01:31

"Để dành" - "bệnh nan y" của người trẻ b-)


Từ từ, đâu còn có đó, không làm hôm nay thì ngày mai làm, có chết ai đâu mà sợ… Những cụm từ như thế dường như đã trở thành “châm ngôn” quen thuộc của những người trẻ.

Ngàn lẻ một kiểu “để dành”

Suốt mấy năm học đại học, Phương Ly (sinh viên trường VH, HN) tự thấy khâm phục nhất ở bản thân chính là khả năng… chạy nước rút cực kỳ “vô đối”. Cả học kì, Ly chẳng học được chữ gì vào đầu, vì: “Học sớm kiểu gì mà chẳng quên, đợi đến lúc nào thi học một thể”. Những ngày được nghỉ ôn thi, Ly cũng lặp lại cái điệp khúc ấy: “Chơi đi đã, hôm cuối cùng rồi học, thế mới nhớ được”. Vậy là, nếu thấy Ly ngồi liền một mạch từ sáng cho đến đêm, đêm lại chong đèn đến sáng, kè kè cốc cà phê và… vỉ thuốc đau đầu bên cạnh, thì đích thị là sáng ngày hôm sau, Ly đi thi.

Hình ảnh của Ly chẳng có gì xa lạ trong thế giới sinh viên, những người coi học đại học là chuyện nhàn tênh!




Rất nhiều sinh viên lên lớp và ngủ, đến sát ngày thi lại thức trắng đêm để học bài. (Ảnh minh họa)


Nhạy bén, năng động, khả năng viết tốt và lúc nào trong đầu cũng đầy ắp những ý tưởng mới mẻ, nhưng vài tháng mới thấy bài của Ngọc Anh được “xuất đầu lộ diện” trên mặt báo một lần. Sở dĩ như vậy là bởi, cô nàng là một chuyên gia trong việc “ngâm” ý tưởng. Nảy ra được những điều hay ho, nhưng viết hả: “Cứ… từ từ cái đã, không hôm nay thì ngày mai, lo gì”. Và cứ “ngâm” như thế, ý tưởng của cô nàng “nhũn” hết lúc nào chẳng hay. Cầm tờ báo trên tay, Ngọc Anh thể nào cũng lại chẹp miệng: “Ôi, mình cũng đang định viết cái này”. Và dù hay ho đến mấy, thôi cũng đành… xếp xó vậy.

Cũng thích “để dành”, nên Tú Trung (HN) không dưới 5 lần phải tiếc hùi hụi. Là một designer khá đỉnh, lại có kinh nghiệm làm việc ở một công ty truyền thông lớn, nhưng khi đi xin việc ở những chỗ khác, lần nào Trung cũng bị “out”, mà nói một cách chính xác hơn thì là… hụt. Biết chỗ này chỗ kia tuyển người, nhưng cứ nhìn vào “hạn nộp hồ sơ”, Trung lại: “Ôi giời, còn lâu mới hết hạn, cứ tà tà cái đã, đi đâu mà vội”. Vậy là sát sạt ngày ấy, Trung mới vội vàng tìm đến. Nhìn CV của Trung, nhiều chỗ cũng ưng lắm, nhưng: “Em nộp muộn quá, bên chị tuyển được người mất rồi, hẹn em lần sau nhé”. Tưởng rút được kinh nghiệm, nhưng lần sau, Trung lại vẫn cứ “đi đâu mà vội” kiểu đó!

Để dành chuyện học hành, để dành ý tưởng, để dành cơ hội như những trường hợp trên có thể gặp nhan nhản, nhưng kiểu để dành… tình yêu của anh chàng Minh trong câu chuyện dưới đây thì đúng là “bó tay toàn tập”.

Minh thích một cô bạn, và hiểu là cô bạn ấy cũng có tình cảm với mình, nhưng chuyện ngỏ lời yêu thì Minh cứ “ngậm tăm” mãi. Lý do của Minh là: “Nhìn những đôi yêu nhau khác, suốt ngày cãi vã, sinh chuyện, rất dễ chia tay nhau. Mình thích người ta, người ta cũng để ý mình, vậy thì cứ như thế này là được rồi. Đợi vài năm nữa, học hành xong xuôi, việc làm ổn định, yêu nhau rồi cưới luôn. Yêu như thế mới chắc chắn chứ”.

Để dành, không “còn” mà thực chất là bạn đang “mất” rất nhiều!

Khi hỏi 10 bạn trẻ, thì cả… 10 người gật gù “thú nhận” rằng mình đã từng một, hoặc nhiều lần để dành như thế, và hầu hết đều có “tai nạn” xảy ra đối với sự để dành ấy.

Quay trở lại với câu chuyện của cô bạn Ly “nước đến chân mới nhảy” ở trên, có thể chẳng cần phải nói, ai cũng biết kết quả học tập của Ly như thế nào. Người ta học cả năm, mình vội vàng nhồi nhét trong đúng một ngày, đầu óc nào “tải” cho nổi. Lần “nhớ đời” nhất của Ly hôm bị… xỉu ngay trong phòng thi, do mệt mỏi quá vì hôm trước không ngủ, lại không kịp ăn, chỉ uống… 5 cốc cafe cho tỉnh táo! Cũng vì học vội, “nhồi” vội, nên cứ thi xong là Ly quên sạch kiến thức. Cũng phải thôi, với kiến thức nhân loại đúc kết từ hàng trăm năm trước, mà chỉ cố sống cố chết “nuốt ừng ực” theo kiểu đối phó, thời gian đâu mà kịp ngấm vào người!

Sau nhiều lần bị “tụt hậu” về ý tưởng, Ngọc Anh dần dần cảm thấy nản, càng lười đặt bút viết hơn. Và dần dà, cô nàng cảm thấy “cứng tay” lúc nào chẳng hay, muốn viết được một bài báo sao mà cảm thấy khó khăn đến thế! Cũng vì vậy, cô nàng bỏ luôn ước mơ từ thuở nhỏ, làm một nhà báo để nghe lời bố mẹ, thi vào trường Sư phạm. Chọn một ngành mà mình không hề yêu thích và gắn bó với nó suốt đời, liệu sau này, Ngọc Anh có hối hận hay không? Cũng như Trung, cậu bạn luôn tặc lưỡi: “Thiếu gì việc làm”, nhưng với cái sự “đi đâu mà vội” của mình, chắc chắn Trung sẽ không bao giờ có được công việc, cơ hội tốt nhất cho mình!

Còn Minh, từ chỗ để dành với mong muốn có một cái kết thật có hậu cho tình yêu, nhưng thực chất là Minh đã tự tay đánh mất tình yêu ấy. Mãi không thấy Minh nói gì đến chuyện yêu, dù đã “bật đèn xanh” nhiều lần, nên cô bạn ấy cứ ngỡ chỉ mình đơn phương, còn Minh chẳng có chút yêu thương nào cả. Chỉ cho đến khi người ta đã tay trong tay với “duyên mới”, Minh mới cuống cuồng, nhưng còn ích gì nữa?

Từ thuở bé cho đến lúc lớn lên,vẫn luôn nghe bố mẹ dạy: “Phải biết để dành con ạ”, nhưng tất nhiên, đó là trong một số trường hợp nhất định. Chẳng hạn như khi người ta kiếm được nhiều tiền, không nên tiêu xài phung phí, có đồng nào hết sạch đồng đấy, mà ta phải biết để dành lại. Sự để dành ấy khiến chúng ta “còn” một số tiền nhất định, cho những lúc sau này ta cần đến. Nhưng sự để dành sẽ là “mất” khi ta bỏ lại chuyện học hành, ý tưởng, cơ hội, tình yêu… Bởi, học luôn cần cả một quá trình, ý tưởng mới hôm nay, nhưng có thể chỉ ngày mai thôi đã trở nên lạc hậu và cơ hội thì chỉ dành cho những ai biết nắm bắt nó kịp thời mà thôi…
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)