Xu hướng giảm ô nhiễm cũng xảy ra ở các nước thi hành lệnh phong tỏa diện rộng, như Trung Quốc và các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, đây thực ra cũng chẳng phải là thông tin đáng để ăn mừng.
Ngày 24/3, Ấn Độ đã ban hành lệnh phong tỏa với quy mô lớn nhất thế giới, ảnh hưởng bao trọn lên quốc gia với 1,3 tỉ dân số.
Mục đích của lệnh phong tỏa ban đầu là để ngăn chặn thảm họa đến từ sự lây lan của đại dịch Covid-19 - thứ đã áp đảo nhiều quốc gia với nền y tế tốt hơn rất nhiều. Cho đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã xác nhận hơn 3000 ca nhiễm virus corona SARS-CoV-2, cùng 86 trường hợp tử vong.
Dù việc thi hành còn gây ra nhiều tranh cãi về nhân quyền và ảnh hưởng kinh tế đối với dân nghèo, nhưng bất ngờ thay, nó cũng mang đến một giải pháp tạm thời dành cho vấn đề đã đeo bám người dân Ấn Độ trong suốt hàng chục năm qua. Đó là ô nhiễm không khí.
Phong tỏa, có nghĩa là toàn bộ người dân sẽ buộc phải thi hành "cách ly xã hội" - social distancing, không được ra ngoài nếu không phải tình huống khẩn cấp. Mọi nhà máy, chợ họp, cửa hàng và đền chùa đều phải đóng cửa. Giao thông công cộng ngưng lại, công trường xây dựng đình trệ. Các dữ liệu sau đó cho thấy, rất nhiều thành phố lớn của Ấn Độ đã ghi nhận nồng độ bụi mịn PM 2.5 (bụi có kích cỡ nhỏ hơn 2,5 micromet) và khí NO2 giảm cực mạnh.
Được biết, PM 2.5 được xem là một tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm, với khả năng lọt sâu vào bụi, tích tụ trong các cơ quan, đi vào máu và gây ra những căn bệnh đáng sợ. Nhưng lần đầu tiên sau cả chục năm, người dân của đất nước có đến 21 thành phố lọt top 30 địa điểm ô nhiễm nhất thế giới (số liệu năm 2019 từ Tổ chức Chất lượng không khí thế giới WAQ) mới biết được màu trời xanh thực sự là như thế nào.
Tại thủ đô New Delhi, số liệu quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch chỉ ra nồng độ bụi PM 2.5 giảm tới 71% chỉ sau 1 tuần - từ 91 microgram/m3 khí ngày 20/3 chỉ còn 26 vào ngày 27/3. Để so sánh, Tổ chức Y tế thế giới WHO quy định nồng độ trên 25 đã được xem là "thiếu an toàn".
NO2 - một trong những khí thải từ phương tiện giao thông và nhà máy công nghiệp - giảm 71%. Các thành phố Mumbai, Chennai, Kolkata và Bangalore cũng ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ về chất lượng không khí.
"Tôi đã không thấy màu trời xanh tại Delhi trong suốt 10 năm qua," - trích lời Jyoti Pande Lavakare, đồng sáng lập Care for Air - tổ chức môi trường của Ấn Độ. "Đó là điểm sáng hiếm hoi trong cơn khủng hoảng này. Ít nhất chúng tôi cũng có thể ra ngoài và hít thở một cách an toàn."
Khí thải giao thông thấp kỷ lục, nhưng chẳng phải điều đáng mừng
Trước khi lệnh phong tỏa ban hành vào ngày 25/3, các giai đoạn tạm dừng hoạt động trong nước của Ấn Độ cũng đã gây ra những ảnh hưởng nhất định.
Gufran Beig - chuyên gia của SAFAR (Hệ thống nghiên cứu chất lượng không khí và dự báo thời tiết do Bộ khoa học Ấn Độ vận hành) cho biết, trong 3 tuần đầu tiên của tháng 3, nồng độ NO2 trong không khí đã giảm 40-50% tại các thành phố Mumbai, Pune và Ahmedabad khi so với cùng kỳ 2 năm 2018 và 2019.
"Việc giảm thiểu khí thải do nhiên liệu hóa thạch đã dần dần giảm được ô nhiễm môi trường," - Beig nhận định.
Ấn Độ ngày 13/11/2019 (trái), và 30/3 (phải)
Với chủ trương tạm dừng hoạt động, vào ngày 22/3 Ấn Độ đã được chứng kiến lượng khí thải từ phương tiện giao thông thấp kỷ lục - theo phân tích của CREA. Các tác nhân ô nhiễm khác như bụi mịn PM2.5 và bụi PM10 cũng giảm đáng kể.
"Rất nhiều khả năng kỷ lục ngày 22/3 sẽ bị phá vỡ, khi chúng ta chứng kiến môi trường ngày càng sạch hơn sau đó khi các ngành công nghiệp, giao thông vận tải giảm đi. Thậm chí nhu cầu tiêu dùng cũng giảm," - trích lời Sunil Dahiya, chuyên gia phân tích của CREA tại New Delhi.
Trên thực tế, xu hướng giảm ô nhiễm cũng xảy ra ở các nước thi hành lệnh phong tỏa diện rộng, như Trung Quốc và các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên theo Dahiya, đây cũng chẳng phải là thông tin đáng mừng.
"Đây là tình huống khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt. Ô nhiễm quả là có giảm, nhưng chúng ta không thể đánh đổi nó bằng sự đau khổ của quá nhiều người," - Dahiya nhận xét.
"Chúng ta chỉ có thể sử dụng đợt phong tỏa này như một bài học cho tương lai thôi."
Bài học đắt giá
Với Ấn Độ, đây là một bài học đắt giá nhưng vô cùng cần thiết ở thời điểm này.
Tháng 11/2019, hàng trăm người đã đổ ra đường phố tại New Delhi, tổ chức tuần hành phản đối sau khi chứng kiến bầu trời thành phố bị bao phủ trong làn khói vàng nâu suốt nhiều ngày. Khi ấy, ô nhiễm không khí của New Delhi cao đến mức trường học phải đóng cửa, hàng không đình trệ, và gây ảnh hưởng lên nhiều thành phố khác tại bắc Ấn Độ.
4 tháng sau, lệnh phong tỏa vì đại dịch Covid-19 đã giúp bầu trời trở nên thoáng đãng hơn. Tuy nhiên, việc phải sống chung quá lâu trong ô nhiễm đã để lại hậu họa tiềm ẩn cho người Ấn Độ khi Covid-19 - một dịch bệnh về hô hấp xuất hiện.
Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh hô hấp cao nhất thế giới, và đứng đầu về số người mắc lao phổi. Trong khi đó theo như WHO, đối tượng chịu rủi ro lớn nhất trong đại dịch Covid-19 là người cao tuổi, và người có tiền sử bệnh nền hô hấp như hen suyễn.
"Tỉ lệ mắc bệnh hô hấp là rất cao, kể cả với người trẻ. Họ bị hen suyễn mãn tính, đến mức máy xông mũi trở thành vật dụng hết sức bình thường đối với các gia đình có đủ khả năng để trang bị," - trích lời Lavakare.
Đầu tư cho tương lai
Xét ở phạm vi toàn cầu, số người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí có thể sánh ngang với một đại dịch - lên tới 7 triệu người theo số liệu từ WHO. Lavakare đánh giá, chuyện xảy ra trong những ngày phong tỏa là một hồi chuông cảnh tỉnh với Ấn Độ, để hiểu rằng vấn đề nằm ở đâu.
"Rõ ràng, đây không phải là điều nên làm để giảm thiểu khí thải, nhưng nó là minh chứng cho thấy ô nhiễm không khí là sản phẩm của con người," - Lavakare cho biết. "Nó sẽ tạo ra động lực rất lớn, cho thấy chúng ta phải làm gì để giảm được ô nhiễm."
Dahiya thì nhận định, cơn khủng hoảng mang tên virus corona có thể xem là cơ hội cho Ấn Độ, cân nhắc để đầu tư vào năng lượng sạch trong tương lai.
Hình ảnh chụp các thành phố tại Ấn Độ vào ngày 25/3 - sau khi lệnh phong tỏa được ban hành
"Ấn Độ là đất nước dựa rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch," - Dahiya cho biết. "Để giải quyết ô nhiễm, chúng ta phải nhắm vào đó."
"Khi dịch bệnh chấm dứt, sẽ thật thú vị để quan sát xem liệu chúng ta sẽ đầu tư bao nhiêu cho tương lai sạch hơn," - anh bổ sung. "Liệu chúng ta sẽ tiếp tục quay lại guồng xoay cũ với nền công nghiệp dựa hoàn toàn vào nhiên liệu hóa thạch, hay hướng đến một lựa chọn bền vững hơn cho tương lai."
Nguồn: CNN