Trước thông tin bộ phim Bụi đời chợ Lớn của đạo diễn Charlie Nguyễn bị cấm phát hành vĩnh viễn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã bày tỏ những băn khoăn.
Là một đạo diễn, anh nghĩ sao về việc Bụi đời chợ lớn bị cấm chiếu vĩnh viễn?
Với một đạo diễn khi nghe bộ phim của mình bị cấm vĩnh viễn, cũng giống như nghe tin về đứa con của mình bị án tù chung thân. Tôi chia sẻ với những mất mát, tổn thương, buồn tủi với đồng nghiệp của mình.
Anh có bất ngờ với quyết định của Hội đồng kiểm duyệt không? Anh nghĩ quyết định đó có công bằng?
Thực chất tôi cũng không quá bất ngờ. Vì trước đây Điện ảnh Việt Nam đã có nhiều dự án cũng bị dừng, cấm, cắt… nhiều phim cũng rất nổi bật như: Đoàn phim 007 đã sắp đặt chuẩn bị đến ngày quay tại Việt Nam thì bị từ chối và không cho quay. Đoàn phim Chuyện tình kể trước lúc rạng đông của Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn do Pháp đầu tư quay được 1/2 phim cũng đã bị dừng. Bộ phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng quay tại Việt Nam cũng không được chiếu ở Việt Nam. Còn những dự án không nổi bật thì cũng không ít.
Tôi nghĩ mỗi bộ phim bị cắt, dừng… đều có những lý do riêng?
Nói thẳng ra Việt Nam không phải là nơi có luật điện ảnh khắt khe và khó hàng đầu thế giới nhưng có lẽ luật Điện ảnh và sự kiểm duyệt của chúng ta rất là khó đoán. Đa phần phụ thuộc vào sự quyết định của những người cầm quyền, không phải riêng Điện ảnh mà còn nhiều cấp, ngành khác nữa.
Chúng ta hay nghe những câu: do vấn đề nhạy cảm, không đúng thuần phong mỹ tục truyền thống Việt Nam, hay không đúng hiện thực xã hội… đó là những câu từ rất khó đoán, vì mỗi người một cảm nhận khác nhau. Ở đâu cũng vậy. Có người sáng tạo, sản xuất và có cơ quan quản lý. Không phải sự sáng tạo nào dù nghiêm túc cũng hay và phù hợp với môi trường chung quanh.
Tôi nói ví dụ như muốn đóng cửa một quán ăn thì không thể nào nói là vì món ăn này không giống các món ăn truyền thống được, hay không thể nào nói vì quán này sẽ có nhiều người không thích mà đóng cửa quán được. Mà phải cho biết quán này đã vi phạm điều gì? Chằng hạn: Không hợp vệ sinh vì hàm lượng chất gây hại (tên gì đó) đạt chỉ số bao nhiêu mà chuẩn cho phép của an toàn thực phẩm chỉ cho phép giới hạng ở mức bao nhiêu.. (phải rất cụ thể và chính xác) thì mới thuyết phục được.
Nhiều người nói khi đạo diễn Charlie Nguyễn đòi đưa luật sư vào cuộc, họ đã “nghĩ tới chuyện chẳng lành” cho bộ phim này. Người lại nói rằng tại ê kíp Bụi đời chợ lớn quá cứng nhắc không chịu chỉnh sửa theo ý của Hội động kiểm duyệt, anh nghĩ sao?
Tôi không bàn đúng sai của quyết định cấm Bụi đời chợ lớn vì chúng ta chưa ai xem, tôi chỉ muốn nói về phát ngôn và cách đưa ra quyết định của cục Điện ảnh là chưa thấy dấu ấn của luật pháp một cách rõ ràng để thuyết phục đoàn phim Bụi đời chợ lớn cũng như những người đang theo dõi vụ việc này.
Còn việc ai muốn mời luật sư là chuyện bình thường và với tư cách cá nhân ai giận hay không thích cách ứng xử đó là tuỳ. Nhưng không thể vì thế mà đưa ra quyết định pháp luật được. Chuyện đạo diễn sửa như thế nào thì chúng ta không biết. Vì có thể đạo diễn nghĩ họ đã sửa hết sức mình mà với hội đồng vẫn chưa thấy đạt.
Tôi nghĩ chúng ta nên có luật cụ thể, ví dụ: ở trang số mấy…, điều luật số mấy… trong luật Điện ảnh Việt Nam ghi rằng: “Luật Điện ảnh Việt Nam không cho phép các phim có cảnh mô tả giết người, chém, bắn, tra tấn, hành hạ trực diện và cận cảnh.” Thì đạo diễn và nhà sản xuất biết là phải cắt tất cả cận cảnh của những cảnh đó đi. Chứ bây giờ nói là: “phim quá bạo lực, không có tính nhân văn và sai hiện thực xã hội…” Thì làm sao mà biết sửa, thế nào để gọi là không quá bạo lực, hay nhân văn hay như thế nào là đúng hiện thực? Vì mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau.
Vấn đềở đây phải chăng không chỉ đơn thuần ở việc cắt gọt hay không? Là một đạo diễn, anh nghĩ sao khi “đứa con tinh thần” của mình bị can thiệp vào nội dung?
Đạo diễn nào cũng tham lam muốn cái gì của mình nghĩ ra đều phải được làm, cái gì mình đã làm thì mong được nhiều người thấy. Cái đó chưa chắc đã hay hoặc dở. Chuyện làm phim bị sửa hay cắt là thường. Ở Mỹ có khi nhà sản xuất không cho đạo diễn can thiệp vào bản dựng phim cũng bình thường luôn. Ở Pháp thì người ta cho quyền đạo diễn nhiều hơn. Mỗi 1 thị trường có 1 đặc tính riêng. Ai hợp ở đâu thì làm việc nơi ấy.
Nói về Hội đồng Thẩm định phim truyện của Cục Điện ảnh, anh có những nhận xét trên trang cá nhân rằng còn nhiều bất cập?
Theo tôi được biết qui chế hội đồng duyệt, một bộ phim được duyệt phải được sự đồng thuận tuyệt đối, chứ không phải là quá bán. Điều đó là rất khó cho các nhà làm phim, khi trong luật điện ảnh không nêu chi tiết theo con số và từ ngữ chuyên môn mang tính chính xác của nghề nghiệp. Lúc đó sự cảm tính của từng người với số lượng nhiều trong hội đồng để thuyết phục tuyệt đối là rất khó. Đặc biệt với những sản phẩm ở các thể loại đặc biệt, chưa quen và chưa có nhiều trên thị trường.
Anh có nói về bất cập, về chuyện “điếu đóm” trên trang cá nhân, tôi tự hỏi anh là Đạo diễn làm phim và sẽ còn gặp kiểm duyệt, anh nói vậy không sợ rắc rối…?
Tôi ghi rõ trong trang cá nhân của mình đó là một tình huống mà tôi suy luận theo nhiều góc nhìn khác nhau. Để cho thấy rằng khi luật không rõ ràng, cơ cấu phức tạp cảm tính thì người ta có thể suy diễn ra nhiều tình huống tốt hoặc xấu như vậy. Tôi nghĩ những lời nói của mình phát xuất từ sự mong mỏi Điện ảnh Việt Nam là nơi tạo cơ hội cho nhiều người phát triển, đa dạng và qui chế rõ ràng để người làm phim dễ hiểu và tiếp cận hơn thì cũng không có gì ngại.
“Luật kiểm duyệt” là điều cần thiết, nhưng như anh nói, có luật thì sẽ có người lách luật. Chưa kể là trong nghệ thuật không thể có một quy chuẩn chung, không phải cứ 1 + 1 = 2 được.
Có luật là có khe hở lách luật thì sẽ có sửa, bổ sung luật ở đâu cũng vậy. Chính điều đó sẽ làm phát triển xã hội. Chứ chúng ta đâu phải thời phong kiến vua muốn phán xét và làm gì ai cũng được.
Anh có thể “hiến kế” cho Cục về công tác kiểm duyệt với tư cách là một người làm chuyên môn?
Tôi vẫn muốn nói lại một lần nữa. Kiểm duyệt là phải dựa trên luật. Mà Luật là phải rõ ràng chi tiết. Để có luật rõ ràng chi tiết thì đó là một công trình nghiên cứu, tham khảo những quốc gia đã phát triển khác, cộng với sự tư vấn nghề nghiệp chuyên môn và các nhà nghiên cứu về luật, cộng với áp dụng phù hợp với xã hội của Việt Nam. Sau đó phải có những cuộc phản biện và bảo vệ để biết cái luật đó có hợp lý hay chưa… chứ không thể một vài ý kiến của vài người hay một nhóm được. Luật là dành cho tất cả mọi người. Nên mục đích của nó phải mang lại lợi ít cho nhiều người, cho xã hội phát triển chứ không phải chỉ một nhóm người hay là người đang cầm quyền.
Cảm ơn anh.
Phan Anh