Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã có ghi chép về đặc điểm tính cách của người Việt. Đến thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, các thương nhân phương Tây, giáo sĩ truyền đạo cơ đốc đã bắt đầu ghi chép về tính cách con người Việt. Đơn cử như trong sách Xứ đàng trong năm 1621 của tác giả người Ý Cristofore Borri ông đã có lời nhận xét và miêu tả về tính khí con người xứ Đàng Trong.
Tới thời nhà Nguyễn, các sách do triều đình biên soạn “Đại Nam thực lục”, và “Việt sử thông giám cương mục” cũng có ghi chép về đặc điểm tính cách của người Việt.
Thời Pháp thuộc
Nghiên cứu về đặc điểm tính cách thói quen của người Việt đã được các học giả phương Tây, đặc biệt là Pháp thực hiện từ khi thực dân Pháp bảo hộ An Nam. Tự phán và tự trào tính cách của dân tộc thì phải nói đến một nhân vật nổi danh trên trường văn học và báo chí là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) ở đầu thế kỷ 20. Khi còn bỉnh bút cho tờ báo quốc ngữ ra đời sớm nhất ở Bắc Kỳ "Đăng cổ tùng báo" (1907) Nguyễn Văn Vĩnh dưới bút danh giả nữ là Đào Thị Loan đã viết những bài phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu như tục đốt vàng mã, thói hư danh, nạn cờ bạc… Đến khi trở thành chủ bút tờ "Đông Dương Tạp chí" trong hai năm 1913 và 1914, ông mở một chuyên mục mang tên là "Xét tật mình" lấy cảm hứng từ một câu của văn hào Pháp Emile Zola: "Nói hết, để biết hết, để chữa hết" (Tout dire pour tout connaitre, pour tout guérir) và giải thích thêm rằng: "Các nết xấu, các hủ tục của người Việt Nam ta, cần nói hết ra, đừng có giấu giếm, ai cũng biết thì mới sửa được. Luân lý là phải dạy người ta biết gốc rễ điều ác để tự nguyện tránh, mầm mống điều thiện để tự giác làm điều thiện".
Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong cuốn Đất Lề Quê Thói (Phong Tục Việt Nam) cũng có những nhận xét về tính cách phong tục người Việt.
Nghiên cứu tính cách của con người Việt Nam dưới góc độ văn hoá được thể hiện trong các công trình nghiên cứu như "Việt Nam văn hóa sử cương" (1938) của Đào Duy Anh, "Văn minh Việt Nam" (1939) của Nguyễn Văn Huyên, "Việt Nam phong tục" (1915) của Phan Kế Bính…
Ưu điểm
Đánh giá chung
Một số tác giả cho rằng con người Việt Nam có những nét tính cách truyền thống như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, coi trọng tình nghĩa, cần cù, hiếu học đã tạo nên lịch sử đặc trưng của Việt Nam.
Trong tính cách nói chung của con người Việt Nam và trong từng nét tính cách nói riêng đều ẩn chứa tính hai mặt, cái tốt và cái xấu, giá trị và phản giá trị. Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại.
Thái độ coi trọng cộng đồng đã trở thành một nét tính cách truyền thống đặc trưng của con người Việt Nam. Mặc dù tính cộng đồng cao là một nét tính cách của con người Việt Nam có chứa đựng nhiều giá trị, song bên cạnh đó cũng có nhiều mặt hạn chế. Cộng đồng được đề cao quá mức đã ức chế sự phát triển cá tính, kìm hãm sự phát triển cá nhân vì cộng đồng không chấp nhận cá nhân đứng ngoài cộng đồng và cá tính không phù hợp với "Luật bầy đàn" của cộng đồng.
Người Việt rất coi trọng tình nghĩa, như tinh thần đùm bọc, giúp đỡ và quan tâm nhau. Theo nhà nghiên cứu Hồ Sỹ Quý, Việc coi trọng tình nghĩa tới mức thái quá đương nhiên không phải là giá trị tốt trong mọi hoàn cảnh. Coi trọng tình nghĩa tới mức coi thường hiến pháp và pháp luật như "phép vua thua lệ làng", "một trăm cái lý không bằng một tí cái tình" thì khó có thể chấp nhận được.
Cần cù lao động là một giá trị đạo đức nổi bật. Người Việt Nam được các dân tộc khác thừa nhận là có tinh thần hiếu học, cộng với bản chất thông minh, dễ tiếp thu và một nền giáo dục có truyền thống cả ngàn năm. Người Việt Nam xem giáo dục cao hơn sự giàu có và thành công và là trụ cột của văn hóa.
Nhược điểm
Người Việt có một số nhược điểm đáng chú ý. Những nhược điểm này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam, làm xấu đi hình ảnh của người Việt nói chung gây nên nhiều hạn chế trong giao lưu kinh tế - văn hóa, nhất là khi Việt Nam đang trên đường hội nhập sâu hơn với thế giới.
Các đánh giá trước 1945
Đánh giá của Phan Bội Châu
Phan Bội Châutrong Chương thứ năm trong Việt Nam quốc sử khảo mang tên Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí của nước ta.
“ | (…) Vì vậy, giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết: Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm. Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi. | ” |
Đánh giá của Phan Châu Trinh
Trong luận văn Pháp Việt Liên hiệp hậu chi tân Việt Nam Phan Châu Trinh viết:
“ | (…) Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó sẵn ở quốc dân, trong não mọi người. Mỗi cái nhân thời thế, địa vị của nó mà phát hiện, rồi trong khi phát hiện lại đều đi tới cực đoan, lại khi đã tới cực đoan, mỗi cái đều giữ lý do, chuyên cậy vào tập quán, lợi hại đều bị che lấp không thấy. | ” |
Đánh giá của Trần Trọng Kim
Học giả Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam Sử Lược đã viết: "Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt có cả các tính tốt và các tính xấu. Ðại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi qủy quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn có sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật.".
Đánh giá của các tác giả khác
Nguyễn Văn Vĩnh đã bàn đến nhiều thói hư tật xấu thường thấy ở người nước ta như tính ỷ lại, tính ăn gian nói dối, thói ăn uống thành nợ miệng, tính bán tín bán nghi, thói đồng bóng, tính vay mượn kém sáng tạo, tính cơ hội đục nước béo cò, thói “gì cũng cười”, tệ cờ bạc…
Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu trong cuốn Đất Lề Quê Thói (Phong Tục Việt Nam) cũng nhận xét rằng: "Người mình phần đông thường ranh vặt, quỷ quyệt, bộ tịch lễ phép mà hay khinh khi nhạo báng. Tâm địa nông nổi, khoác lác, hiếu danh…".
Thi sĩ Tản Đà trong bài thơ Mậu Thìn xuân cảm viết năm 1932 đã nhận xét về xã hội Việt Nam:
“ | Dân hai nhăm triệu ai người lớn ? Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con. | ” |
Cuốn "Số đỏ'' của Vũ Trọng Phụng (đã từng bị cấm lưu hành tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1975 cũng như tại Việt Nam thống nhất cho đến năm 1986) nêu bật khá rõ các thói hư tật xấu của người Việt
Từ bên ngoài
Sách Xứ Đàng Trong năm 1621 của thương gia người Ý Cristoforo Borri, ông có nhận xét về khuyết điểm của người Việt ở Đàng Trong như sau:
- [*]Nóng tính
[*]Hay xin những thứ mình thấy đẹp (dù người có không muốn cho)
“ | Mặc dù thích nhàn hạ nhưng người An Nam chăm chỉ hơn những dân tộc láng giềng…Họ tỏ ra kính trọng bề trên và cha mẹ, nhưng họ không chân thật và không có cảm xúc mạnh. Họ yêu quê hương, xóm làng, và không thể ở xa nhà lâu ngày. Những thói hư của họ gồm có cờ bạc, hút thuốc phiện, một chút kiêu căng và giả dối. Nhìn chung thì họ hoà nhã, dễ chịu, và thậm chí là thờ ơ, nhưng đáng nói là họ có thể học rất dễ dàng. | ” |
Các đánh giá từ 1945 trở về sau
Tại Việt Nam
Đánh giá của Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh cũng có những tác phẩm cảnh báo về những thói hư tật xấu trong tầng lớp cán bộ như Sửa đổi lối làm việc (1947). Theo ông, Cha đẻ của mọi thứ khuyết điểm là chủ nghĩa cá nhân. Bệnh tham lam, lười biếng, ba hoa, bè phái, địa phương chủ nghĩa, ham danh vị, quân phiệt, quan liêu, xa rời quần chúng, hẹp hòi, chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa và nhiều đức tính xấu khác đều từ đó mà ra.
Đánh giá của Trần Ngọc Thêm
Theo Giáo sư Trần Ngọc Thêm trong tác phẩm "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam", ông chỉ ra rằng đối với người Việt, khi đứng trước những khó khăn lớn, những nguy cơ đe dọa sự sống còn của cả cộng đồng thì cái nổi lên sẽ là tinh đoàn kết và tính tập thể; nhưng khi nguy cơ ấy qua rồi thì có thể là thói tư hữu và óc bè phái, địa phương lại nổi lên. Trong giao tiếp, khi thấy mình đang đứng trong cộng đồng quen thuộc thì tính thích giao tiếp nổi lên, còn khi vượt ra khỏi cộng đồng, đứng trước người lạ, thì tính rụt rè sẽ lấn át. Tính nước đôi của người Việt thường phát huy tác dụng tốt trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, một mất một còn (điển hình là trong chiến tranh), còn trong xây dựng hòa bình, trong tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hoá thì đáng tiếc là thường mặt trái của tính nước đôi này lại nổi trội.
Người Việt thì có triết lý vừa phải, "lắm thóc nhọc xay", "cầu sung vừa đủ xài" lại vừa không có thói quen coi trọng thời gian, coi thời giờ là "cao su", bởi vậy mà không có trì chí làm giàu. Chỉ khi thấy mình thua kém người xung quanh quá nhiều thì mới cố gắng, nhưng ngay khi thấy mình đã như mọi người rồi thì lại làm việc cầm chừng. Tác phong làm việc này hoàn toàn không thích hợp với nếp sống đô thị.
Đánh giá của Vương Trí Nhàn
Theo Vương Trí Nhàn nhiều người Việt mang mặc cảm tự ti từ đó sinh ra tâm lý tự huyễn hoặc "không có cái phần hơn hẳn thiên hạ nhưng mình lại có cái khác". Tâm lý và cách tư duy của người Việt mang tính tiểu nông; người Việt còn có một thói xấu là thiếu chính xác trong mọi thứ, thiếu khoa học, thiếu nghiên cứu, sống rất bộc phát hồn nhiên. Người Việt còn tùy tiện, thiếu khả năng hợp tác, kiêu ngạo, "thấy mình là trung tâm".
Người Việt đang làm kinh tế bằng tư duy chiến tranh "bất chấp quy luật miễn là được việc; chỉ lo hiệu quả, còn cái giá của nó thì không cần biết". "cái xấu người Việt có rất nhiều và tựu trung lại một đó là sự tham và gian", suy nghĩ, tầm nhìn của người Việt rất ngắn hạn, chỉ biết trước mắt, hiện tại.
Người Việt chỉ thích được người khác khen. Ngay cả khi người khác chê mình hợp lý, người Việt cũng thấy khó nghe. Người Việt thường quanh co bịa ra lý do để chống chế vì thế càng khiến sai lầm, thói xấu đó nhiễm sâu hơn vào đời sống xã hội.
Sự độc lập cá nhân của người Việt trong tư duy, lối sống, cách hành xử… chưa cao, và tất cả những thói xấu này sẽ cản trở sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
Đánh giá của Nguyễn Lân Dũng
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhiều người Việt đang tự hạ thấp vị trí của mình xuống, việc gì cũng phải xin xỏ, cầu cạnh, không dám công khái tố cáo các hành động sai trái của những người có chức có quyền, biến mình thành hèn hạ, chịu khuất phục, làm ngơ trước mọi sai trái, mọi diễn biến xấu trong xã hội.
Ngoài ra còn có không ít người mắc căn bệnh "cuồng địa vị". Điều này gắn liền với sự thiếu gương mẫu và thoái hoá của quan chức nhà nước các cấp.
Người Việt chưa hiểu đúng mặt tích cực của kinh tế thị trường, nhưng lại chịu những ảnh hưởng xấu của kinh tế thị trường. Lòng tham đẩy lùi nhân cách, làm xấu đi các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó là sự hiếu danh, sính bằng cấp, đặc biệt là quan chức nhà nước. Nhiều người Việt hiện nay cũng coi nặng tiền tài hơn giáo dục.
Tóm lại, theo ông, có 5 tính xấu phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là: Ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào".
Đánh giá của các tác giả khác
Tác giả Đỗ Kiên Trung nêu ba điểm về mặt không tích cực trong tư duy người Việt đó là: tầm nhìn ngắn hạn, tư duy đám đông triệt tiêu tư tưởng cá nhân và sự lên ngôi của kinh nghiệm.
Phó giáo sư Trần Đình Thiên, cho rằng Việt Nam chậm tiến là vì cấu trúc phát triển quá bền vững dựa trên con trâu, cái cày và con người cho nên luôn cảnh giác với những sự thay đổi mới bên ngoài. Theo ông người Việt cũng chưa có văn hóa tự chịu trách nhiệm mà thường "có thói quen qui lỗi ngắn hạn, qui cho ông nọ, ông kia, hay cho giai đoạn nọ, giai đoạn kia"
Theo tác giả Nguyễn Thị Lan Phương, người Việt có tư duy sản xuất nhỏ: tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nghiêng về tình, yếu về lý, tư duy kinh tế mang tính thiển cận, thực dụng; tư duy tiểu nông vốn chỉ phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp nhỏ.
Theo Nguyễn Hồi Loan, tính tôn ti trật tự dòng tộc đã dẫn tới mặt trái: tính gia trưởng, trọng nam khinh nữ, đặc biệt là tâm lý địa phương, cục bộ. Nông dân Việt Nam có thói quen dựa dẫm, ỷ lại tập thể, vào số đông. Tâm lý cào bẳng, đố kỵ, không muốn ai hơn mình.
Tâm lý sĩ diện trong đời sống người nông dân dẫn tới tính khoa trương, trọng hình thức. Người nông dân sẵn sàng chạy theo các thủ tục nặng nề, nghi lễ tốn kém trong cưới xin, ma chay, hội lễ… gây đói nghèo cho nhiều người dân. Ngày nay văn hóa làng xã không chỉ ở nông thôn mà còn ảnh hưởng tới đời sống đô thị, khiến đời sống đô thị Việt Nam phảng phất những nét phong cách của nông thôn.
Theo Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ thì người Việt có 10 tố chất cơ bản sau:
- [*]Cần cù lao động song dễ thỏa mãn.
[*]Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
[*]Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
[*]Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
[*]Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, người Việt học tập không phải chỉ vì kiến thức (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê).
[*]Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
[*]Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).
[*]Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn, còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
[*]Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, để tiểu cục làm mất đại cục.
[*]Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).