Tâm sự - chia sẻ 2011-08-18 04:48:01

[ĐÁNG THƯƠNG] Người đồng tính và bi kịch bị gia đình chối bỏ


[size=2]"Biết vậy hồi đó sao không đẻ ra trứng gà, trứng vịt để có tiền mà xài còn hơn đẻ ra con người như mày, trai không ra trai, gái chẳng phải gái", những lời chua xót của người mẹ khi biết con trai là gay đã khiến Huy (31 tuổi) ở TP HCM òa khóc.
[/size] Anh vẫn còn nhớ mãi ngày đó, mẹ anh không nói gì hết, lặng người đi thẳng một mạch vào nhà và cầm gậy trên tay lao vào đánh anh rất nhiều. Thậm chí, mẹ còn kêu chị gái lấy nước mắm sát vào những chỗ chảy máu trên tay cho đau để anh "chừa cái tội học thói đua đòi làm con gái".

"Tôi đã khóc nhiều lắm, mẹ cũng thế. Mọi chuyện giờ chỉ còn là quá khứ, nhưng những gì mẹ nói với tôi ngày hôm đó vẫn còn hằn sâu trong ký ức. Mẹ thà đẻ ra trứng gà, trứng vịt để bán còn hơn là sinh ra người không phải trai, cũng không phải gái như mình", anh Huy buồn bã nói.

Những câu chuyện như Huy khá phổ biến trong cộng đồng người đồng tính và chuyển giới của Việt Nam cũng như trên thế giới. Họ bị mọi người trong xã hội kỳ thị, bạo lực, nhưng nhiều nhất lại bởi chính những người thân trong gia đình, bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho biết tại hội thảo về bao lực gia đình với những người đồng tính và chuyển giới tổ chức vào ngày 17/8 tại Hà Nội.

Theo bà Tú Anh, khi biết con mình không bình thường, là gay, lesbian, nhiều gia đình tìm mọi cách, từ khuyên nhủ nhẹ nhàng đến chửi mắng, bỏ đói, cô lập, cưỡng bức đi điều trị tại viện tâm thần… Tất cả chỉ nhằm một mục đích thay đổi con em họ trở lại là một người bình thường. Thậm chí có người còn dùng xích nhốt con trong phòng gần 3 tuần như trường hợp của Thành, 24 tuổi, ở Hải Phòng.

Mỗi ngày cậu chỉ được ăn một bát cơm cùng với nước mắm và một can lọc nước. Tất cả mọi việc ăn ở và vệ sinh đều ở trong căn phòng nhỏ chỉ có nến, không điện nước, ngoài cái bô, ít giấy vệ sinh và đĩa cơm được mang lên.

"Mình được nuôi không khác gì một con vật trong căn phòng đó. Những lúc ấy chỉ biết khóc, khóc mãi đến lúc kiệt sức thì ngủ. Suốt bằng đấy thời gian nhịn đói, không tắm rửa, sáng nào cũng bị chửi mắng, đánh đập", Thành buồn bã nói.

Người khác thì bị bố đánh chỉ vì "ông đã bực mình thì chớ, nhìn mày ông càng thấy ngứa mắt", "ông đánh cho mày hết cái ẻo lả kia đi"… Có người lại gọi con là "đồ biến thái", "lũ bệnh hoạn", hoặc "Mày có phải là thằng bệnh họa không mà làm như thế hả? Mày làm tao không dám ngẩng mặt lên nhìn ai"…

Đáng tiếc, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phản ứng này của gia đình không mang lại kết quả như họ mong muốn. Không những thế, hậu quả có thể là trẻ trầm cảm, nghĩ đến việc hành xác, học hành sa sút, thậm chí bỏ nhà đi lang thang, tự tử…

Một nghiên cứu ở Mỹ đã chỉ ra rằng tỷ lệ tự tử ở trẻ vị thành niên đồng tính cao gấp đôi ở trẻ vị thành niên bình thường. Nhiều người thậm chí bị đẩy ra ngoài đường để sống như không còn gia đình, nguy cơ bị lạm dụng tình dục, nhiễm HIV rất cao…

"Họ mất đi niềm tin vào cuộc sống, và không ít trường hợp đã tìm cách giải thoát cho mình bằng cái chết. Thế nhưng, cũng như vấn đề bạo lực gia đình trước đây, hiện tượng bạo lực này vẫn bị coi là chuyện riêng của gia đình hơn là sự vi phạm quyền của những người đồng tính và chuyển giới", bà Tú Anh cho biết.

Cũng về vấn đề này, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường cho biết, Việt Nam đã có luật phòng chống bạo lực gia đình, tuy nhiên người đồng tính, lưỡng tính và người chuyển giới hiện không được nhắc đến trong Luật như một nhóm cụ thể.

"Tuy nhiên, bản chất của nhiều loại hình bạo lực với những người này chính là bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình. Các truyền thông và hướng dẫn hiện nay về triển khai luật phòng chống bạo lực gia đình vẫn chưa nhắc đến nhóm những người tình dục đồng giới và chuyển giới", ông Bình chia sẻ.

Vì thế, theo các chuyên gia cần tăng cường nhận thức của gia đình, nhà trường và xã hội về vấn đề này, cũng như chính bản thân người đồng tính, lưỡng tính… cũng phải ý thức được quyền của mình. Các chương trình phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ trẻ em cần đưa cộng động này vào một nhóm có biện pháp can thiệp. Bên cạnh đó rất cần các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, sức khỏe, giáo dục, pháp lý… cho họ.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)