Lee Hwan Hee, nữ ca sĩ nổi tiếng Hàn Quốc có biệt danh Fwaney, hồi tháng 4/2013 đã bật khóc trên truyền hình khi kể về những khổ nhục trong 11 năm tập luyện để trở thành ca sĩ. Hình ảnh này đã chạm đến một mặt tối và ít được chú ý của xã hội Hàn Quốc. Đó là hoạt động tuyển mộ các cô bé, cậu bé xinh xắn độ tuổi lên 10 vào các "lò" đào tạo ngôi sao trước khi gia nhập các nhóm nhạc trẻ trên thị trường âm nhạc Hàn Quốc (K-pop).
Nhóm nhạc Girls’ Generation nổi tiếng của Hàn Quốc.
Con đường trở thành một ngôi sao K-pop thực sự rất gian khổ. Đối với nhiều em ở độ tuổi thiếu niên, theo con đường K-pop nghĩa là phải từ bỏ tuổi thơ, đôi khi là cả chuyện học hành để theo đuổi giấc mơ làm người nổi tiếng.
Sau khi kiểm tra thử vũ đạo và kỹ năng ca hát tại một trong những “lò” luyện sao K-pop, các cô, cậu bé đủ tiêu chuẩn sẽ được tuyển dụng. Điều đó đồng nghĩa với việc các em có thể phải mất từ 4 đến 10 năm gồng mình luyện tập nhiều giờ mỗi ngày chờ cơ hội được nhảy múa và hát trước công chúng.
Phần lớn các nam và nữ ca sĩ tại Hàn Quốc sẽ phải phẫu thuật thẩm mỹ như nâng mũi, bơm ngực, xóa nếp nhăn quanh mắt… để có được ngoại hình thanh tú. Hàn Quốc là một trong những nước có nhiều người phẫu thuật thẩm mỹ nhất và áp lực có ngoại hình “chuẩn” đối với giới nghệ sĩ càng nặng nề.
Với học phí từ 450 đến 1.800 USD/tháng, các em phải trải qua những ngày tháng khổ luyện trong các "lò" nội trú như mô hình huấn luyện kiểu quân đội, thậm chí vào nhà vệ sinh cũng có người giám sát.
Ông Park, quản lý nhóm nhạc Beast của công ty Cube Entertainment, giải thích: “Khi đăng ký với công ty, các học viên phải cam kết sẽ tuân thủ các quy tắc do công ty đặt ra và công ty không đảm bảo thời điểm học viên có thể ra mắt như một ca sĩ chính thức”.
Những quy tắc của các công ty đào tạo “sao” phần lớn là khắc nghiệt.
Mỗi ngày, các ca sĩ tương lai phải dành từ 10 đến 14 tiếng (bắt đầu từ 7 giờ sáng) để tập thể dục, vũ đạo, hát và bơi. Các em gái được yêu cầu phải đeo kính râm cả ở trong nhà lẫn ngoài trời và không được phép trang điểm. Bữa sáng và bữa ăn nhẹ (không có bữa trưa) gồm có bánh quy ít béo, rau diếp và chuối. Bữa tối chỉ có ức gà luộc và salad. Các em không được phép uống nước sau 7 giờ tối để tránh bị "giữ nước" vào ngày hôm sau.
Thành viên Park Bom, Sandara Park và hai thành viên khác của nhóm 2NE1 bị cấm có bạn trai. Thành viên nhóm After School bị cấm sử dụng điện thoại di động… Một học viên tiết lộ: "Điều khổ sở nhất là tôi chỉ được ngủ 5 tiếng mỗi ngày. Tôi cảm thấy như ở trong địa ngục mỗi sáng thức giấc". Do thiếu ngủ, có người còn ngủ gật trong chương trình truyền hình và thậm chí ngủ gật ngay trong nhà vệ sinh.
Một giám đốc công ty đào tạo “sao” cho biết: "Các học viên thường bị phạt và la mắng vì có như thế họ mới có thể thành công trong một ngành rất cạnh tranh".
Trên thực tế, các học viên có thể bị phạt như học sinh ngay cả khi đã trở thành ca sĩ. Thành viên nhóm 2PM từng bị phạt quỳ gối và giơ cao tay. Không những thế, các công ty quản lý dường như can thiệp vào mọi chuyện, từ chuyên môn đến cuộc sống riêng tư của thành viên nhóm nhạc. Họ là người quyết định ca sĩ thể hiện tâm trạng thế nào nào khi hát, lời bài hát ra sao, bảo ca sĩ mặc gì và nhảy điệu gì, chỉ định người làm trưởng nhóm nhạc…
Bất chấp những ngày tháng đầy khắc nghiệt trong các lò luyện “sao”, 41,6% các cô, cậu bé Hàn Quốc mong muốn được trở thành ca sĩ. Bi kịch là, một nhóm nhạc tại Hàn Quốc chỉ có “tuổi thọ” chừng 2 đến 3 năm trước khi bị chìm vào quên lãng và nhường ánh hào quang cho các nhóm nhạc mới “ra lò”. Trong khi đó, các lò luyện “sao” liên tục “bơm” ra những “sao” trẻ và nổi bật hơn. Khi một ca sĩ bước vào tuổi 25, cơ hội bị thay thế của ca sĩ này gần như là chắc chắn.