Hàng chục người dân tại một thị trấn ở Peru, gần hồ Titicaca, thông báo bị ói mửa và nhức đầu sau khi đến xem một cái hố hình thành đột ngột, dường như là do một tảng thiên thạch tạo ra, hồi tuần trước
Cái hố thiên thạch tại Peru. Ảnh: Reuters
Sau khi nghe một tiếng động lớn, người dân đổ xô tới xem có chuyện gì xảy ra và phát hiện thấy một miệng hố rộng 20 mét, sâu 6,5 mét trên một bình nguyên không người ở trong vùng Puno.
Các chuyên gia từ Viện Địa chất Peru đang trên đường tới khu vực này, cách thủ đô Lima khoảng 1.200 km về phía nam, gần biên giới với Bolivia, để xác định xem đó có phải là dấu vết thiên thạch không. Việc phân tích các mẫu đất từ hố sẽ cho biết kết quả.
"Chúng tôi đã kiểm tra cho khoảng 100 người từng đến gần cái hố này, họ đều ói mửa và đau đầu do khí thoát ra từ đó", Jorge Lopez, giám đốc y tế tại Puno cho biết.
Luisa Macedo, một nhà địa chất học tại Viện Luyện kim và địa chất khoáng sản ở Lima, cho biết phản ứng giữa các nguyên tố trong thiên thạch và bề mặt trái đất có thể sinh ra các khí và sau đó tan dần.
Thiên thạch từng rơi xuống vùng Andean ở nam Peru vào năm 2002 và 2004