Bún cá lá đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn của người làm. Một tô bún cá lá chủ yếu gồm: bún lá, chả cá, nước dùng và rau sống. Bún lá được làm công phu hơn bún bình thường. Người ta vắt bún thành từng khoanh hình chiếc lá, rồi đặt lên những miếng lá chuối để khi xếp chồng lên bún không bị dính vào nhau. Có thể dùng nhiều loại gạo để làm bún lá, nhưng làm từ gạo ở làng Thanh Mỹ (xã Ninh Quang, TX.Ninh Hòa) được xem là ngon nhất, vì bột gạo dai, trắng và thơm.
Nước dùng của món bún này được nấu từ các loại cá thu, cá cờ… thêm vài lát cà chua mỏng. Người đầu bếp chọn cá tươi về làm sạch, lóc thịt, dầm nhỏ và nấu sao cho nước luộc cá không bị đục thì mới đạt. Đặc biệt, nước dùng bún cá lá không có dầu, mỡ và bột ngọt. Nước dùng khi ăn không còn mùi tanh mà thơm nồng, lại đủ cả vị ngọt lừ của cá tươi, vị chua dìu dịu của cà chua chín.
Để làm chả cá, người đầu bếp có thể chọn các loại cá thu, cá mối, cá cờ còn tươi, làm sạch nạo lấy thịt rồi nêm nếm hành, tỏi, tiêu, gia vị bỏ vào cối xay nhuyễn cho thịt cá quyện vào nhau, sau đó quết thành từng bánh tròn. Chả cá chiên có màu nâu, chả cá hấp có màu trắng. Dù chiên hay hấp, chả cá luôn có vị ngọt, dai, thơm phức. Nhai miếng chả cá, thực khách sẽ cảm nhận được vị mặn mòi, đậm đà của biển cả. Rau sống ăn cùng bún cá lá gồm các loại rau thơm, giá, xà lách, hoa chuối thái mỏng…
Khi thưởng thức, người ăn chỉ cần cho rau ngập trong tô bún cá lá, thêm vài giọt chanh tươi, một chút nước mắm nhĩ, vài lát ớt sim cay nồng là có thể tận hưởng hương vị ngon tuyệt của món ăn này.
[/justify]
Theo Nguyễn Chung (Món ngon Sài Gòn)