TP.HCM cần phải có Nghị Quyết, đội 141
Đánh giá về nạn cướp giật hiện nay, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM gói gọn: “Táo tợn, tàn bạo”.
Đại biểu Trương Lâm Danh – Phó Ban Pháp chế, HĐND TPHCM cho biết, tình trạng cướp giật trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây rất đáng báo động, đặc biệt, tính chất phạm tội ngày càng manh động và dã man. Nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: “gài mồi”, dàn cảnh để cướp giật, chém, đâm ngang xe, đạp người bị cướp xuống đường…
Chị Thúy, nạn nhân bị cướp chặt cánh tay đang được nối lại cánh tay tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
Tại cuộc thảo luận nhóm, một đại biểu bức xúc khi chính ông chứng kiến cảnh nhóm thanh niên choai choai kéo mã tấu ren ren giữa phố. Đại biểu này đề nghị quận huyện nào để xảy ra tội phạm nhiều thì hạ bậc thi đua, cắt thi đua, kiểm điểm. Công an bắt nhiều tội phạm cần khen thưởng và cần có cơ chế bảo vệ, bảo mật cho người dân.
ĐB Lâm Đình Chiến nói: “Tội phạm cướp giật giờ đã rất phổ biến rồi. Trước tình hình cấp bách như vậy, lộng hành như vậy, chặt tay, giết người cướp của như vậy, tôi đề nghị HĐND cần phải có một nghị quyết chuyên đề, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của toàn thành phố nhằm chặn đứng nạn cướp giật táo tợn lộng hành như hiện nay, nếu không thì trong nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2013 phải có một phần nội dung quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chức năng”.
Dẫn nghị quyết về “Năm an toàn giao thông 2012” của HĐND thành phố mang lại nhiều chuyển biến tích cực về trật tự giao thông, ĐB Vương Đức Hoàng Quân cũng đề nghị kỳ họp lần này phải ra một nghị quyết về “Năm trật tự an toàn xã hội 2013”.
Còn theo ĐB Đinh Phương Duy TP.HCM nên phát huy lực lượng SBC và có một đội ngũ chuyên trấn áp tội phạm như tổ 141 của Hà Nội mới đẩy lùi cướp giật.
Ngày 4/12, dự báo về tội phạm hình sự dịp cuối năm, trung tướng Phạm Quý Ngọ cho rằng "hết sức phức tạp" vì kinh tế thế giới cũng như trong nước phục hồi còn chậm, nhiều người thất nghiệp. "Thời gian tới, lực lượng công an sẽ vô cùng vất vả", trung tướng nói.
Theo ông, thời gian tới TP.HCM nên cơ cấu lại mô hình chống tội phạm. Ngoài phòng hình sự là chủ công, lực lượng công an giao thông và cơ động cũng phải được tung vào cuộc. "Lúc đó, tôi tin công an TP.HCM sẽ ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng cướp giật càn quấy trên phố", thứ trưởng nói và khẳng định sẽ không để tội phạm lộng hành trước, trong và sau Tết.
Muốn chống tội phạm cũng cần phải có kinh phí
Bên cạnh đó cũng có ý kiến bày tỏ băn khoăn về vấn đề đầu tư kinh phí liên quan đến mảng an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.
Theo ĐB Trần Trọng Dũng, chống tội phạm thì phải có kinh phí. Tất nhiên không phải nói như thế có nghĩa là nếu không có kinh phí thì không tăng cường chú trọng chống tội phạm.
“Tôi thấy phân bổ ngân sách cho các chương trình này y chang như năm 2012, không thay đổi gì cả. Tôi nghĩ, mỗi năm nó phải khác, tình hình trên mỗi lĩnh vực nó cũng phải khác và chúng ta phải có sự điều chỉnh.
Cả 2 năm 2012 - 2013, dự toán cho dự án nâng cao năng lực truyền thông và giám sát thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình đều là 45,3 tỉ đồng, nó gấp hơn 11 lần đối với kinh phí dành cho chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm, năm ngoái 4 tỉ, năm nay cũng 4 tỉ.
Chúng ta đang bàn đến vấn đề tội phạm tăng như thế, nguy hiểm như thế mà mình dự toán cho mục tiêu quốc gia chỉ có 4 tỉ đồng thì làm sao chống tội phạm đạt hiệu quả cao được?". ĐB Dũng nói.
Khánh Trung (Tổng hợp)
Nguồn : Phunutoday