Một nghiên cứu mới phát hiện thấy việc sử dụng facebook liên quan đến những mức độ thỏa mãn, hạnh phúc thấp hơn theo thời gian. [1] Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy việc dùng facebook có một tác động tiêu cực lên tâm trạng một người. Dù nhiều nghiên cứu cũng nêu bật việc dùng Facebook để mở rộng mạng lưới xã hội của một người thì nghiên cứu cũng xác định nhiều mặt trái từ việc kiểm tra nội dung của những sự thể hiện bản thân qua facebook của bạn bè chúng ta.
Có lẽ nguyên nhân chính làm chúng ta cảm thấy buồn, ghen tỵ hoặc bất mãn sau khi dùng Facebook là vì chúng ta liên tục thực hiện những so sánh xã hội dựa trên thông tin sai hoặc thông tin không đầy đủ. Một nghiên cứu phát hiện thấy những người dùng càng dành nhiều thời gian ở trên Facebook mỗi tuần thì họ càng có khả năng nghĩ rằng người khác hạnh phúc hơn và có cuộc sống tốt hơn họ [2]. Nghiên cứu khác phát hiện thấy chú ý đến những hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội của những người quyến rũ (so với người không quyến rũ) dẫn đến sự bất mãn với cơ thể lớn hơn và một hình ảnh về cơ thể tiêu cực hơn. Những người đàn ông xem hồ sơ cá nhân của những đàn ông thành công khác thì cảm thấy ít thỏa mãn hơn với tình trạng công việc hiện tại của họ so với đàn ông xem hồ sơ của những người đàn ông ít thành công hơn [3]. Facebook cũng có thể gây ra sự ghen tuông khi người dùng so sánh bản thân họ với tình địch của họ trên Facebook [4, 5].
Tôi dùng thuật ngữ “thể hiện bản thân” để mô tả về nội dung của Fcaebook vì chúng chỉ có thế. “Hồ sơ cá nhân” nghe có vẻ quá trịnh trọng, quá thật, quá FBI. Những việc mà những người dùng Facebook tích cực thực sự làm trên mạng này là đưa ra những quyết định về việc họ đăng cái gì và chia sẻ cái gì để đạt được những mục tiêu xã hội nhất định. Các nhà nghiên cứu gọi đây là sự thể hiện bản thân có chọn lọc. Đối với nhiều người, những mục tiêu đó là làm bản thân họ trông tốt nhất có thể: quyến rũ, nổi tiếng, thành công, đáng ghen tỵ. Do đó, nội dung của hồ sơ Facebook là một tài liệu sưu tập những thành tích giỏi nhất của chúng ta hơn là một bản liệt kê trung thực.
Vấn đề là con người có một xu hướng bẩm sinh so sánh bản thân họ với người khác để đưa ra những đánh giá về bản thân họ. Chúng ta thực hiện những so sánh xã hội đi lên (upward social comparisons), ở đó chúng ta so sánh bản thân với những người chúng ta xem là giỏi hơn chúng ta, và những so sánh xã hội đi xuống (downward social comparisons), ở đó chúng ta so sánh mình với những người tệ hơn.
Chúng ta cũng có một thói quen kinh khủng là tin rằng chúng ta sử dụng những tấm lọc cho việc dùng Facebook của chúng ta, trong khi thực tế thì không. Nếu bạn hỏi một người dùng facebook “Bạn có tin tất cả mọi thứ bạn thấy trên trang Fabook của một ai đó là đúng không?” anh/cô ấy sẽ nói không. Hầu hết người dùng facebook biết rằng sự thể hiện bản thân của mọi người trên facebook là bị thiếu có chọn lọc và được thổi phồng có chọn lọc. Khi người dùng thực sự xem và xử lý nội dung đó, họ lại quên đi cái phần bị thiếu đó. Chúng ta hầu như luôn so sánh đi lên, làm chúng ta cảm thấy tiêu cực về bản thân.
Ví dụ, giả sử một người bạn đăng một tấm hình bữa trưa của cô ấy ở nơi làm việc tại một nhà hàng rất đẹp với bình luận “Bánh ngọt cho bữa trưa ở Café Glamorous. Công việc quá vất vả.” Bạn có thể biết cô ấy ghét mọi thứ trong công việc của cô – và thậm chí cô ấy ghét bánh ngọt – nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không cảm thấy ghen tỵ. Bạn so sánh sự kiện cô ấy ăn trưa ở một nhà hàng tuyệt đẹp với cái bánh Lean Cuisine nhạt nhẽo của bạn ở phòng ăn, thay vì so sánh thực tế là cô ấy đang khổ sở trong công việc trong khi bạn đang thích thú với công việc của bạn. Đó là vì cô ấy chọn thể hiện bản thân chỉ trong khoảnh khắc ăn bánh ở Café Glamorous cho cuộc sống của cô trên Facebook thay vì chọn đăng hình ảnh về 14h làm việc mỗi ngày của cô, ông sếp kinh khủng của cô, những đồng nghiệp nhỏ nhen của cô, và tiền lương rẻ mạt của cô. Và thay vì xem xét tất cả những thông tin khác về hoàn cảnh làm việc của cô và thấy thương cô, bạn đang chọn bánh ngọt ở Café Glamorous và thấy ghen tỵ.
Làm sao bạn có thể chống lại xu hướng so sánh bản thân?
Thứ nhất, bạn không bao giờ bị thiệt hại khi dành ít thời gian hơn cho facebook. Chỉ cần bỏ ứng dụng Facebook khỏi điện thoại của bạn là bước thực hiện đầu tiên.
Thứ hai, nếu bạn biết có một người nào đó có xu hướng làm bạn cảm thấy tiêu cực, hãy loại bỏ những update của họ khỏi bản tin Facebook của bạn và tránh xem trang Facebook của họ. Nếu bạn không có lý do để giữ quan hệ với họ, hãy xem xét việc unfriend với họ hoàn toàn.
Thứ ba, đừng lên Facebook khi bạn đang có tâm trạng tồi tệ; hãy tìm bạn bè thông qua những kênh khác thay vì đặt bản thân vào tình thế so sánh với họ.
Cuối cùng, hãy kiểm tra thực tế bất cứ khi nào bạn thấy mình đang ghen tỵ khi xem trang facebook của một người bạn. Đừng quên là bạn cũng có nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Và nếu bạn không thể nghĩ về một điều tốt đẹp nào, hãy thử thoát khỏi Facebook và tìm kiếm nó.
Tài liệu tham khảo
[1] Kross, E., Verduyn, P., Demiralp, E., Park, J., Lee, D. S., et al. (2013) Facebook use predicts declines in subjective well-being in young adults. PLoS ONE, 8(8):e69841.
[2] Chou, H.-T. G., & Edge, N. (2012). “They are happier and having better lives than I am”: The impact of using Facebook on perceptions of others’ lives. CyberPsychology, Behavior, & Social Networking, 15, 117-121.
[3] Haferkamp, N., & Krämer, N. C. (2011). Social comparison 2.0: Examining the effects of online profiles on social-networking sites. CyberPsychology, Behavior, & Social Networking, 14, 309-314.
[4] Muise, A., Christofides, E., & Desmarais, S. (in press). “Creeping” or just information seeking? Gender differences in partner monitoring in response to jealousy on Facebook. Personal Relationships.
[5] Utz, S., & Beukeboom, C. J. (2011). The role of social network sites in romantic relationships: Effects on jealousy and relationship happiness. Journal of Computer-Mediated Communication, 16, 511-527.
Nguồn
Everybody’s Life Is Better Than Mine…on Facebook
Social comparison on social networking sites is likely to lead to unhappiness.
Published on September 3, 2013 by Jesse Fox, Ph.D. in Better Living With Technology
PsychologyToday