Vào khu “đèn đỏ” gái làng chơi phải đeo thẻ, chường mặt ra cho mọi người biết rằng mình đang làm mại dâm - cái “nghề” xấu hổ.
Lập một khu “đèn đỏ” cùng các quy định chặt chẽ bảo vệ người hành nghề mại dâm, kiểm soát được tình trạng mại dâm là ý kiến của nhiều chuyên gia, kể cả nhiều cán bộ tham gia khảo sát.
Người viết vừa làm một cuộc khảo sát bỏ túi với năm phụ nữ trước đây hành nghề mại dâm đang được tập trung tại Trung tâm Phú Nghĩa, có đến ba người ủng hộ việc mở khu “đèn đỏ” để quản lý mại dâm.
"Em sẽ được an toàn hơn"
Click vào đây để phóng to ảnh (http://chiplove.biz).
“Em biết vào khu “đèn đỏ” tức là phải đeo thẻ, chường mặt ra cho mọi người biết rằng mình đang làm mại dâm - cái “nghề” xấu hổ. Nhưng tụi em thà như thế mà mỗi lần đi làm không hồi hộp, lo sợ bị mắc bệnh, bị đánh đập, bị ăn chặn tiền… Giờ ra ngoài làm thì em không biết làm gì vì em mới học hết lớp 3. Nếu hết hạn, trung tâm cho về nhà, chắc em cũng phải “đứng đường” trở lại vì còn phải nuôi mẹ, nuôi em ăn học” - chị Phan Thị C.Y. bộc bạch.
Cần thí điểm?
Click vào đây để phóng to ảnh (http://chiplove.biz).
Năm 2009, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có khảo sát trên 4.000 cán bộ về quan điểm, phương pháp tiếp cận phòng chống mại dâm tại năm tỉnh, thành phố thuộc loại “điểm nóng”. Bất ngờ là tại Hải Phòng và TP.HCM đều có đến 50% đồng ý với khoanh vùng để quản lý. Ở các tỉnh còn lại, con số này là từ 20% đến 30%. Tại TP.HCM, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã khảo sát 50 cán bộ, 58% ý kiến tán thành thí điểm quản lý mại dâm.
Click vào đây để phóng to ảnh (http://chiplove.biz).
Viện Xã hội - Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh gần đây đã có một cuộc khảo sát trên gần 500 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Có đến 26% bày tỏ sự không tin tưởng và hoàn toàn không tin tưởng vào sự thành công của công tác phòng chống mại dâm ở nước ta.
Hầu hết những người đồng ý việc khoanh vùng cho rằng cách làm này có thể đáp ứng nhu cầu tình dục ngoài hôn nhân của một bộ phận dân cư. Quan trọng hơn nữa là kiểm soát bệnh tật đối với người mua bán dâm và bảo vệ phụ nữ bán dâm khỏi bị bạo lực. Bên cạnh đó, chính quyền sẽ có điều kiện để xử lý triệt để các hoạt động mại dâm ngoài khu vực khoanh vùng.
Click vào đây để phóng to ảnh (http://chiplove.biz).
Ngược lại, những người còn phân vân hoặc không tán đồng cho mở khu “đèn đỏ” do lo ngại sẽ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, dễ để lại hậu quả xấu - thói quen mua bán tình dục, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ…
PGS-TS NGUYỄN CHÍ DŨNG, Viện Xã hội - Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh:
Chống nhưng cứ thử nghiệm
Trước đây chúng ta cấm và đã làm được. Tại sao? Đó là do khi ấy hệ thống chính trị và quản lý xã hội chặt chẽ, tự do cá nhân bị hạn chế, yếu tố cộng đồng chặt chẽ, gia đình được xây dựng trên cơ sở gia đình truyền thống, quan điểm tình yêu hôn nhân theo môtíp cũ. Các đoàn thể tương đối mạnh để kiểm soát hành vi của hội viên. Một điểm quan trọng là cán bộ khá gương mẫu. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, tất cả đều lỏng lẻo, mối quan tâm của các thành viên gia đình ít đi, cán bộ thiếu gương mẫu… khiến ta chống chỗ nọ lại bị phình chỗ kia.
Chống mại dâm thì phải thực hiện ở ba lĩnh vực: chống cung, chống cầu và giảm tác hại. Người hành nghề mại dâm đa phần là nghèo, thất học, không nghề… Phải giải quyết sao để họ không hành nghề này nữa? Cầu thì có hai loại: chính đáng (vợ hoặc chồng chết, ly hôn…) và không chính đáng. Giữa hai cái cầu đó, cầu không chính đáng nhiều hơn. Vậy ta nên để hay là dẹp đi? Kế đến là giải pháp giảm hại như phòng chống bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS… Phải đánh giá được hết các vấn đề này thì mới xem xét là nên làm thế nào.
Theo tôi, kiên quyết chống mại dâm vẫn là ưu tiên nhưng bên cạnh đó ta vẫn cần phải thử nghiệm khu “đèn đỏ”. Trong khu ấy, chính quyền không can thiệp, bắt bớ mà cho nó một khuôn khổ hoạt động, buộc những người trong vùng đó đăng ký hoạt động, họ được khám bệnh, chữa bệnh, tư vấn giảm bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Ông NGUYỄN VĂN MINH, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM:
Làm thử khoảng năm năm
Ngoài việc khảo sát rộng để đẩy mạnh dạy nghề, giải quyết việc làm cho người làm mại dâm, ta nên chọn một địa bàn để thí điểm khoanh vùng khu “đèn đỏ”. Trong vùng đó, có quy hoạch rõ ràng karaoke, vũ trường, bar, mát-xa, những vùng khác thì cấm tuyệt đối. Anh không thể lấy cớ quyền tự do gì cả bởi tôi đã có khu vực cho anh đến để thỏa mãn nhu cầu thì những vùng khác tôi sẽ cấm để xây dựng chuẩn mực khác. Đồng thời, khi ấy chính quyền cần có các quy định cho người mại dâm như khám bệnh, lo bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quy định tuổi nào nghỉ để về quê lập nghiệp. Nếu làm được như thế, ta vừa xây dựng một chuẩn mực về thành phố văn minh mà đồng thời lại có chỗ đáp ứng quy luật cung cầu, vừa quản lý được an ninh trật tự xã hội, vừa kiểm soát được bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS. Ta sẽ đạt được mục đích cao cả nhất là bảo vệ quyền lợi của người bán dâm. Hiện nay, người bán dâm thường phải qua những tay chăn dắt, cò, má mì, họ đã nghèo, phải đi bán thân mà còn bị chặn đầu này đầu nọ trong khi bệnh tật thì tự họ phải gánh.
Thời gian thí điểm khoảng năm năm. Thật ra việc cho thí điểm khoanh vùng hoạt động mại dâm không phải là giải pháp triệt để, sẽ có những tồn tại nhất định nhưng chúng ta còn kiểm soát được chứ không nghiêm trọng như hiện nay. Lực lượng của chúng ta đâu đủ mà canh hoài khắp các địa bàn!