Đã 3 ngày trôi qua, vụ việc nam thanh niên gây tai nạn, đưa nạn nhân đi cấp cứu bị đánh chết ngay tại khu cấp cứu bệnh viện khiến cộng đồng chưa hết bàng hoàng. Người bị đánh chết là anh Nguyễn Hữu Duyên (22 tuổi). Ngày 23/6, anh Duyên điều khiển xe máy trên đường 6B (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM), thì đâm phải bé bé Tâm, con của chị Nguyễn Thị Quyển ở gần đó. Anh Duyên đưa bé Tâm đi cấp cứu, bác sĩ kết luận bé Tâm bị trầy xước. Trong khi chờ tại khu cấp cứu, anh Duyên bất ngờ bị một nhóm thanh niên nhận là người nhà nạn nhân đánh đập đến gãy cổ. Anh Duyên qua đời ngày 26/6 vì thương tích quá nặng.
Khu bệnh viện nơi Duyên bị nhóm người đánh đập dã man khi đưa mẹ con nạn nhân đến nơi cấp cứu. Ảnh: NLĐ |
Không ít ý kiến cho rằng, việc làm của anh Duyên xứng đáng được xem là một hành động nghĩa hiệp, khi ngay lập tức đưa người bị nạn đến bệnh viện dù chưa xác định lỗi thuộc về ai. Cộng đồng cũng quyết liệt lên án hành động đánh đập tàn bạo của nhóm người nọ. Đây không chỉ là hành vi thể hiện sự hung hãn, côn đồ một cách đơn thuần, mà đã trở thành biểu hiện của sự nhẫn tâm, vô cảm, hành hạ người khác cho hả cơn giận.
“Đọc vụ này mà giận đến run người. Tai nạn là điều không ai muốn. Người nhà mình chẳng may bị người khác đụng, nhưng người ta có ý thức chở vào bệnh viện thì tại sao còn đánh đập bạn ấy?”, Nguyễn Ly, ĐH KHXH&NV TP HCM bức xúc nói. Nhiều cư dân mạng đồng thời kể ra những trường hợp chịu oan ức như anh Duyên không phải là hiếm.
Cộng đồng tranh cãi kịch liệt về hành vi đánh người dã man. Ảnh chụp màn hình. |
Trước những vụ việc đánh người liên tiếp bất kể lý do, nhiều bạn cho rằng, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vô cảm khi chứng kiến người gặp nạn. “Một bộ phận vô văn hóa, hung hăng như thế nên bây giờ nhiều bạn ngày càng bàng quan. Có đụng xe thì bỏ chạy vì nếu ở lại thì cũng bị đánh. Người đi đường càng không dám cứu vì sợ bị chuốc vạ vào thân. Người tốt giờ chỉ muốn tự ẩn mình mà thôi…”, bạn Ant rút ra kết luận bi quan.
Liên hệ với vụ đánh chết trộm chó ở Nghệ An cách đây không lâu, cư dân mạng phân tích, hai sự việc giống nhau ở một điểm: đều nói lên hiện tượng vô cảm ăn sâu trong nhiều người. “Trộm chó hay đánh người gây tai nạn chỉ là cái cớ, vấn đề là cái tính say máu, hả hê hành hạ kẻ không tự vệ được, cái hèn không dám can thiệp khi chuyện xấu xảy ra trước mắt đã thành thói quen hành xử của một bộ phận rồi”, nick Avalanche viết.
Nhiều bạn trẻ liên hệ thói vô cảm trong vụ đánh chết trộm chó cách đây không lâu. Ảnh chụp màn hình. |
Nguyên Phong, sinh viên năm nhất, ĐH Bách khoa kể: “Mình đi đường thì gặp một chú bị ngã. Mình dừng lại nhưng không hiểu sao chỉ đứng nhìn xem chú có sao không, thay vì chạy lại giúp. Khi chú tự đứng lên được, mình mới đi tiếp. Bố mẹ biết chuyện trách mình rất nhiều. Nhưng mình nghĩ bố mẹ nuôi con mười mấy năm trời, vì một chuyện không đâu mà thiệt mạng. Sau đó thì sao, người ta đem ít đồng đến bồi thường? Ai trách gì thì phải hỏi ngược lại, lỡ kết cục như anh Duyên thì phải làm sao?”.
Chia sẻ trên nhận được không ít sự đồng tình về việc “phải lo thân mình trước đã”. “Mình quan niệm rất rõ ràng, tránh xa, không tò mò các vụ đánh nhau, tai nạn… Đi ra đường phải kiềm chế, nếu lỡ đụng chuyện thì phải nhỏ nhẹ xin lỗi. Mình rất thực tế nên sống đúng với những gì mình tin tưởng, không quan tâm đến bàn tán của mọi người xung quanh, bởi có gì xảy ra mình là người lãnh hậu quả chứ không phải họ”, bạn Khánh Ly, quận 7 chia sẻ.
Teen cũng đặt ra băn khoăn, liệu có nên cứu người tai nạn để chuốc vạ vào thân? Ảnh: Internet |
Nhiều teen cũng tán đồng quan điểm hãy cứu người ngay khi có điều kiện và cứu đúng cách. “Mình vẫn giữ quan điểm, sẽ không bỏ mặc nạn nhân nếu và cố gắng hết sức để tránh hiểu lầm. Chuyện xui rủi thì hiếm hoi lắm mới gặp, còn lương tâm rất dễ bị “hóa đá” nếu cứ tiếp tục cho phép mình vô cảm, thờ ơ như thế”, Ngọc Như, sinh viên ĐH KHXH&NV giãi bày.
Làm gì để không bị liên lụy khi cứu người - Trường hợp nạn nhân bị thương nhẹ, các bạn nên gọi thêm nhiều người đến làm chứng và cùng đưa nạn nhân đến bệnh viện, không nên đi một mình. - Gọi điện thoại cho cơ quan công an gần đó, cố gắng thông báo tình hình một cách rõ ràng, ngắn gọn nhất có thể. - Trường hợp nạn nhân bị thương nặng, bất tỉnh, các bạn có thể đứng cách xa khu vực xảy ra tại nạn và gọi điện thoại cấp cứu 115. Trước khi quyết định hành động nên quan sát diễn biến hiện trường để tránh bị hiểu lầm. - Không nên sơ cứu nạn nhân nếu bạn không có chuyên môn. Trong nhiều trường hợp, nếu xê dịch nạn nhân không đúng cách sẽ gây nguy hiểm thêm. - Khi đưa nạn nhân vào bệnh viện, cố gắng trình bày chi tiết sự việc với những người có trách nhiệm. Xong bổn phận của mình, các bạn nên rời bệnh viện càng sớm càng tốt. |
Gây tai nạn chết người, tôi có được phép bỏ đi? Luật Giao thông đường bộ quy định, trong trường hợp gây tai nạn dẫn đến chết người, người gây tại nạn được phép rời khỏi hiện trường để tránh những phản ứng quá khích, đồng thời đến cơ quan chức năng trình báo trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau khi gây tai nạn. Không cứu người nguy hiểm tính mạng, tôi có phạm luật? Điều 102 Luật Hình sự năm 1999 quy định: 1. Người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: - Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm. - Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp. - Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |