> VOV lên tiếng về vụ 2 nhà báo bị hành hung ở Văn Giang[/size]Trao đổi với báo chí chiều 9/5, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh cho biết, Bí thư và Chủ tịch tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo giữa tuần tới tổ chức cuộc làm việc nghe thông tin nhiều bên (nhà báo bị đánh, cơ quan chủ quản và lực lượng công an). "Tỉnh sẽ xử lý nghiêm nếu cán bộ, chiến sĩ hay dân quân đánh người. Sau khi làm rõ, tỉnh sẽ công bố thông tin, báo cáo Bộ Công an…"
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, với tường trình từ một phía của nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long thì "chưa thể khẳng định" được đó là hai người trong clip lan truyền trên mạng. Để xử lý cán bộ thì theo ông phải cần "đầy đủ nhân chứng, vật chứng và quan trọng nhất là băng gốc" quay cảnh được cho là có hai nhà báo VOV bị hành hung, "thậm chí tìm ra cả người quay".
Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ tại khu vực xảy ra vụ đánh người tường trình chi tiết. "Chưa thể khẳng định người bị đánh trong clip là hai nhà báo nhưng rõ ràng hình ảnh công an đánh người là quá phản cảm", ông Thanh bình luận.
Ông Thanh cho biết, hiện, 19 người bị tạm giữ sau vụ cưỡng chế tại xã Xuân Quan (Văn Giang) đã được cho về, trong đó 3 người bị khởi tố về hành vi “chống người thi hành công vụ”.
Cũng trong ngày 9/5, Văn phòng Chủ tịch nước và đại diện Hội Nhà báo đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên liên quan tới vụ việc. Hội Nhà báo đề nghị lãnh đạo tỉnh làm rõ thông tin về hai nhà báo Đài tiếng nói Việt Nam bị lực lượng cưỡng chế đánh gây thương tích, còng tay, áp giải, tạm giữ ngày 24/4 vừa qua. Theo Trưởng ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) Hà Kim Chi, đây là vụ việc mà “dư luận, báo giới trong và ngoài nước rất quan tâm".
Chánh văn phòng tỉnh Hưng Yên cho rằng, chưa thể khẳng định người bị đánh trong clip là hai nhà báo của Đài tiếng nói Việt Nam. Ảnh chụp từ clip. |
Tới xã Xuân Quan, hai nhà báo đi vào Nhà văn hóa thôn (đang trong giai đoạn hoàn thiện), cách đường có người dân tụ tập khoảng 30m, liền kề nghĩa trang liệt sĩ là nơi giáp ranh giữa khu dân cư với cánh đồng đang bị cưỡng chế. "Tôi lấy máy ảnh đứng trên tường bao sân của nhà văn hóa đang xây dở chụp 2 kiểu ảnh. Lúc này, một nhóm cảnh sát từ trong nghĩa trang trèo qua tường rào, tiến về phía nhà văn hóa", anh Long kể.
Nhà báo Hán Phi Long. Ảnh: NLĐ. |
Nhà báo Hán Phi Long cho biết, khi bị xốc nách lôi ra chỗ khác, một người đã giật máy ảnh trên tay. Nhiều người sắc phục công an và người không mặc sắc phục "dùng dùi cui vụt vào mặt khiến máu chảy ra nhiều".
Cùng lúc này, một số người xem vụ cưỡng chế đứng gần đó hô hoán. Nhà báo Năm chạy lại và bị một số người cũng xô tới đánh. Theo nhà báo Long, sau khi được một số người dân đưa vào một vườn cây gần đó tạm lánh, nhà báo Long được đưa ngay vào trạm xá y tế để băng bó. Lúc này, ông Long mới biết đồng nghiệp của mình bị đưa đến công an huyện và VKS cùng cấp để lấy lời khai.
Chiều tối 24/4, ông Năm, ông Long đã về đến tòa soạn. Nhà báo Long cho biết, đã phải nghỉ 2 tuần việc để điều trị vết thương và ổn định tinh thần.