Teen 24h 2009-06-04 03:06:14

Con nhà giàu đi học ;;) ;;) ;;)


D., nhóm trưởng của nhóm nữ "đại gia" trường M.C. chỉ cặp kè với dân thượng lưu trong trường. Tiêu chuẩn để vào hội của D. không hề đơn giản, đồng hồ Gucci: 600 USD; laptop Sony Vaio: 2.250 USD; xe Piago LX 150: 6.000 USD; điện thoại: 800 USD; bộ nữ trang: 2.000 USD; một thẻ ATM không dưới 15 triệu đồng, xách cặp chéo L.V, giày mũi nhọn kiểu dáng mới nhất của Prada hay Paul Smith.
Nhân viên bán hàng tại các khu mua sắm thời trang cao cấp ở TP HCM như Diamond Plaza, Zen Plaza, Thương xá Tax… kể lại rằng, họ không ít lần bị "ngộp" với những hóa đơn của các “thượng đế” tuổi teen, có cái trị giá đến hơn 10 triệu đồng chỉ dành để mua quần áo, mỹ phẩm. Tại các trường học, xuất hiện những “đại gia chốn học đường”, tiêu tiền như nước, tạo thành những bang, hội "quý tộc". Không ít những cô cậu "đốt tiền nấu trứng", chỉ để chứng tỏ "đẳng cấp" 9X của mình. Chuyện tiêu tiền vô tội vạ của những “đại gia chốn học đường” cũng gây không ít hệ lụy…

Lấy “số” và “đẳng cấp đại gia

H., học sinh Trường Dân lập quốc tế X, vốn là con của một ông chủ salon ôtô, cậu còn được bạn bè đặt cho biệt danh H. "Hi-tech", bởi, chưa có một phương tiện kỹ thuật số đắt tiền nào không qua tay H., thời điểm "nghèo" nhất gia tài của H. cũng có hơn 5 con Laptop, 7 Mobile đời mới O2 XDA Flame, N95, N8800, Vertu, Sharp 905.







Chơi thân với H. là D. và H.L, một "công tử" con cưng của đại gia ngành xây dựng, và một đại gia ngành kinh doanh bất động sản. Đây là bộ ba "tiểu đại gia" nổi tiếng trường quốc tế này. Có lần, H. cầm cái N95 đập nát tứ tung trước mặt bạn bè sau khi bị thầy giáo dạy Toán chỉ trích vì quay bài trong giờ kiểm tra. Sau đó, H. tuyên bố một câu xanh rờn: "Bể cái này mua cái khác. Tiền thiếu gì mà lo!".

Ở trường này, nhắc đến H. là đám học trò nghĩ ngay một tay "sát" điện thoại, đập điện thoại di động như một thú vui. Bị gia đình nói nặng, giận bạn gái, đến giận… thầy giáo, H. cũng đập điện thoại.

Cùng nhóm với H., nhưng D. lại chứng tỏ "đẳng cấp" của mình theo một cách chơi khác, đang dùng con Mobiado hàng hiệu giá 1.400USD, nghe tin dân chơi công nghệ đang tụ tập quanh con Vertu nạm kim cương giá hơn 2.000 USD. Bỏ cả học, D. rủ H. và H.L. đến và tham gia đấu giá mua kỳ được. Chẳng mảy may tiếc rẻ, con Mobiado được đẩy nhanh chóng, tính sơ sơ, D. lỗ 600USD và bù thêm 1.500USD nữa. Nhưng có lần, trong lúc cao hứng, một đứa bạn bảo rằng, nếu là con Vertu thật thì có thể giậm mạnh chân lên mà vẫn chẳng hề hấn gì. Chẳng màng cái giá 35 triệu cao ngất ngưởng, D. giậm chân thật lực lên “con dế” này để chứng minh. Sau khi giậm liên tiếp hơn 5 lần mà máy vẫn nguyên vẹn, nghe gọi tốt, D. càng được đám bạn trong nhóm nể trọng…

Còn H.L., chốn thường đến của cô học trò này vào những ngày cuối tuần là vũ trường P.Đ. Có lần, các đàn anh ngớ người ra khi thấy H..L chìa ra ba thẻ giữ rượu, tất cả là phiếu giữ rượu loại “Blue” (2 chai này trong vũ trường ngốn gần chục triệu đồng) để mời bạn bè. Có lần, H.L. "đỏ đen" cùng chúng bạn, vì cười giễu là không có đủ 40 nghìn đồng cho 1 ván bài cào, H.L. đã dằn mặt bằng cách dùng kéo cắt đôi tờ 500 nghìn và phán vào mặt bạn mình: "Tiền tao đốt mày cũng được chứ đừng giở cái giọng đó với tao!".

Thầy P., giáo viên của một trường quốc tế kể câu chuyện rằng, để cho con chịu học và bỏ game, gia đình của T. đã năn nỉ, dùng nhiều cách nhưng vô vọng, kể cả hăm dọa. Cuối cùng, T. ra điều kiện, nếu muốn T. học, bố mẹ phải chi 250 triệu đồng để T. tậu một bộ giáp chiến trong game Võ Lâm Truyền Kỳ, nếu không, T. sẽ bỏ học. Quá kinh hãi trước lời hăm dọa của quý tử, gia đình T đành bấm bụng bỏ ra chừng ấy tiền cho T. sắm giáp, tiếp tục cuộc chinh chiến trong thế giới ảo…

Không chỉ nam sinh, chuyện nữ sinh "đại gia" tiêu tiền cũng không ít chuyện đáng nói, có lần, thầy P. vô tình nhận được "hóa đơn" thanh toán cuối năm học của một nữ sinh đã ghi sẵn gửi về cho bố mẹ: tiền tổ chức sinh nhật 10 triệu đồng; tiền khao xe mới: 50.000 đồng/bạn (lớp 52 bạn); tiền đi sinh hoạt ngoại khóa với nhà trường: 4 triệu đồng; tiền học thêm Anh văn: 6 triệu đồng…

Trước cổng Trường dân lập M.C. một buổi sáng, một chiếc xe Lexus đen bóng đỗ xịch, bước ra khỏi xe là cô gái trong chiếc áo dài trắng, mái tóc được cắt layer theo style, vai mang chiếc túi Louis Vuitton, chân đi giày cao gót để lộ những móng chân đầy hoa văn tinh xảo, tay cầm Nokia N95, đây là D., nhóm trưởng của nhóm nữ "đại gia" trường M.C.

Có lần, cầm xấp tiền gần 10 triệu đồng, D. hào phóng chia cho đám bạn mỗi đứa vài tờ mua quần áo. D. không chỉ mỉa mai những đứa bạn trong lớp thuộc dạng bình dân và cho rằng, chúng không có "đẳng cấp" để chơi chung với mình. Thường thì cô nàng chỉ cặp kè với dân thượng lưu trong trường.

Tiêu chuẩn để vào hội của D. không hề đơn giản, đồng hồ Gucci: 600 USD; laptop Sony Vaio: 2.250 USD; xe Piago LX 150: 6.000 USD; điện thoại: 800 USD; bộ nữ trang: 2.000 USD; một thẻ ATM không dưới 15 triệu đồng, xách cặp chéo L.V, giày mũi nhọn kiểu dáng mới nhất của Prada hay Paul Smith.

Ngay khi vào lớp 10, D. đã tổ chức sinh nhật của mình rất hoành tráng tại một vũ trường nổi tiếng dành cho tuổi "mực tím". Đận ấy, D. chi ra không dưới 50 triệu. "Đẳng cấp" của D. cũng được khẳng định từ đó.

Hiển nhiên, những 9X có cùng "đẳng cấp" với nhau thì mới có thể "ngồi chung bàn" với nhau được… Nói như M.H., học sinh lớp 11 Trường L.Q.Đ., thì: "Sĩ số lớp khoảng 30 thì có đến 7-8 bạn có phong cách xài tiền hoang phí. Các bạn sắm đồ hiệu để tạo "đẳng cấp" cho mình"…

Chuyện ở “Đia”

Tọa lạc tại vị trí đắc địa, nằm giữa trung tâm thành phố, với khu vui chơi giải trí, các loại hình phục vụ: Bowling, rạp chiếu phim, khu quầy hàng trò chơi, trung tâm thương mại Diamond Plaza, ngôn ngữ của teen gọi tắt là Đia, đã trở thành điểm đến của hầu hết các "đại gia" giàu có chốn học đường, được coi như nơi hội tụ của teen Sài thành - sành điệu. Thời gian đầu, đây là một điểm vui chơi lành mạnh của teen: chơi game, giải trí và thưởng thức KFC. Tuy nhiên, gần đây, các teen "đại gia" khắp thành phố đổ về, qua rồi cái thời khoe hàng hiệu, khoe Hi-tech, dần dần, các teen nghĩ ra đủ thứ "chiêu" độc đáo, không thiếu phần quái đản để thể hiện "đẳng cấp" của riêng mình.


Những “đại gia học đường” ở Diamond Plaza.


Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi có mặt tại Đia để thực mục sở thị "đẳng cấp" của đại gia chốn học đường. Ngay tầng 1, chúng tôi đã thấy xuất hiện một nhóm khoảng 10 cô cậu; con trai thì mặc đồ giống con gái, con gái thì lại mặc y hệt con trai… Chưa kịp bất ngờ với nhóm này thì nhóm khác đã xuất hiện trong tiếng reo hò cổ vũ của cả bọn. Một "anh chàng" diện quần ống ôm sát đùi, áo xẻ vai nhảy từ trong thang máy ra với mái tóc bảy màu trông rất quái. Vừa đi anh chàng vừa uốn éo. Tiếng la hét, cổ vũ của những thành viên chuyển giới trong nhóm càng làm cho anh chàng phấn khích và đứng tại chỗ uốn éo hai ba vòng sau đó.

Trong những bộ phục trang hàng hiệu, kiểu tóc, cách trang điểm không rõ… giới tính, hàng trăm teen dưới 15 tuổi lắc lư, nhảy múa loạn xạ. Lên thang cuốn, cậu bé mặc áo thun vàng nhìn một nhóm khác "chảnh": "Bữa nay "chị" cho mấy "má" nhóm của trường AC biết thế nào là đẳng cấp!". Dứt câu, 8 cậu choai choai liền hoan hô nhiệt liệt. Cậu áo thun trắng nói: "Hôm nay "chị Ba" mới tậu bộ đầm đỏ, nhuộm màu tóc rất "độc", còn nữa, bộ lông mi cũng không đụng hàng". Lên đến lầu 4, nhóm choai choai kéo nhau vào… toilet, trong khi các nhóm khác lượn lờ, móc điện thoại đắt tiền ra… khoe!

Cửa thang máy từ từ mở ra; mùi hỗn hợp: keo xịt tóc, son phấn, nước hoa sực nức. Những gương mặt trát bự phấn bước ra. Cậu áo thun vàng thành "cô" đầm trắng, quần "ngố" phồng, guốc cao gót, tóc nhuộm hồng pha xanh. Một cậu mập nhất dán giấy một bên má, gắn đôi bông tai to như quả lắc đồng hồ, váy đen kéo tuột một bên, dây xệ xuống cánh tay. Hai cô gái được trau chuốt một cách tỉ mỉ từ khuôn mặt đến trang phục sao cho hợp thời nhất, còn hai chàng trai lại "nữ hóa kịch trần". Những nam sinh ăn mặc theo xu hướng này trở nên "điệu đà, duyên dáng và xinh gái hơn". Càng quái càng được chú ý nên nhiều em mặc sức "sáng tạo". Các em nữ, có em nhìn mặt còn rất nhỏ mà gương mặt đánh phấn tô son đậm như đi hát bội, thậm chí đến các bạn nam cũng đánh phấn, kẻ mắt, bông tai xủng xoẻng.

Thời gian gần đây, Đia lại còn nổi tiếng về nhiều vụ choảng nhau chảy máu đầu của các 9x. N.L. (nữ sinh trường L.) trước đây cũng hay lên tầng 4 chơi bowling, Noel vừa rồi đã bị một nữ đầu gấu ra tay đánh dằn mặt và cắt tóc vì dám từ chối mối tình chị em.

Một lần tình cờ mẹ của P. đi mua sắm xong dạo trên lầu 4 bắt gặp con gái mình đang ngồi trên đùi của một anh chàng mặc đồ của võ sĩ, trên tay còn cầm thanh kiếm như trong các truyện tranh Nhật Bản, đã lập tức lôi P. về nhà và cấm không cho bén mảng đến Đia, kể cả đi mua sắm. Nhưng đình đám nhất, vẫn là chuyện một kiều nữ tên C.C., học lớp 10 trường P. đã tự cầm dao lam rạch vào tay mình khi chứng kiến cảnh người yêu cũ đang âu yếm quá mức với một cô gái khác…

Đia - có lẽ là một thế giới không thể tượng tượng được đối với người lớn!

Lời kết
Tương lai của Hoàng Hoa (quận 5) đã khép lại ở tuổi 18 khi nhận bản án 5 năm tù giam vì tội lừa đảo, chiếm đoạt, trộm cắp tài sản. Ba mất, mẹ buôn gánh bán bưng, nhưng Hoa ăn chơi lêu lổng và tiêu xài vô độ. Để có tiền diện hàng hiệu và chi xài với bạn trai, Hoa hết trộm cắp tài sản của gia đình, họ hàng đem bán đến lừa đảo học sinh, sinh viên. Hoa tự xưng là cộng tác viên của một tờ báo dành cho tuổi teen để hẹn hò, phỏng vấn và rủ các bạn đi shopping. Lợi dụng sơ hở của họ, Hoa chôm nữ trang, tiền, điện thoại, xe máy… Tại phiên tòa, vị thẩm phán xót xa: "Giá như gia đình ngăn chặn mối nguy hại này từ bé…". Hy vọng, đây là bài học nhãn tiền cho những học sinh tiêu tiền như nước…

Nói về Đia, cách đây không lâu, chị H. gọi điện cho một trung tâm tư vấn tâm lý, kể rằng, từ khi phát hiện con trai chị có mặt ở Diamond Plaza, chị không ngủ được. Chồng thường đi công tác xa. Anh chị có một mình nó, không để cháu thiếu thứ gì.

Gần đây chị thường bị mất tiền nhưng không nghĩ con lấy. Chị lục tủ đồ của nó, thấy trên 10 bộ đồ kỳ dị, phấn son, chì kẻ, gấu bông… Nó "khai" rằng, những thứ đó được mua qua mạng, hơn 500.000đ một bộ. Chị H. còn kể về trường hợp của chị L.T.P. (39 tuổi, là giảng viên một trường ĐH ở TP HCM), mẹ của T.H.D.., bạn cùng nhóm với L. - con trai chị H. Chị P. gần như phát… hoảng khi biết sự thật về con mình. Chị đã phải đến tìm một bác sĩ tâm lý…



“Dân chơi” nhìn từ phía sau.


Theo khảo sát bỏ túi của một tổ chức xã hội học với trên 100 mẫu dành cho các bạn tuổi teen (từ 13-18 tuổi) tập trung ở một số trường học được giới 9X TP HCM cho là trường "con nhà giàu", xài sang như các trường dân lập quốc tế, Trường Lê Quý Đôn, Marie Curie… có đến 36% em được ba mẹ cho 3-5 triệu đồng/tháng chỉ để tiêu vặt. Thật đáng suy nghĩ khi có đến 25% em có mức xài vặt mỗi ngày lên đến 500.000 đồng.

Trong bài viết này, chúng tôi mạn phép không nhắc đến chuyện học hành của đám "đại gia chốn học đường”, bởi các em không dành nhiều thời gian cho việc… học. Thi rớt thì thi lại, thi lại thì cố gắng đi xin điểm. Trong suy nghĩ của các “tiểu đại gia” này cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng… rất nhiều tiền.

Tương lai của những “tiểu đại gia” không phải là “mài đũng quần” trên giảng đường đại học ở Việt Nam, mà là sẽ du học ở một đất nước nào đó mà cha mẹ đã định sẵn ngay khi các em chập chững bước vào trung học. Trường học, định nghĩa ngắn gọn, chỉ là nơi để “tiểu đại gia” thể hiện "đẳng cấp" giàu có của mình…
Theo CAND
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)