Có bị cáo biết mình bị HIV nhưng vẫn cố tình mang thai nhằm thoát án nặng.
Tính nhân đạo của pháp luật thể hiện không áp dụng hình phạt tử hình cũng như thi hành án tử hình với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. Lợi dụng chính sách này, nhiều nữ bị cáo đã có bầu bằng mọi giá để thoát án tử dù biết hậu quả sẽ rất nặng nề.
Lợi dụng lúc tại ngoại
Mới đây nhất là trường hợp của bị cáo Lê Thị Hoài Thanh, biết mình bị nhiễm HIV nhưng vẫn mang thai để thoát án tử, bất chấp số phận tương lai của đứa trẻ sẽ được sinh ra.
Ngày 12-1, TAND TP.HCM đã tuyên xử vắng mặt Thanh tù chung thân, phạt tiền 30 triệu đồng về tội mua bán trái phép chất ma túy. Sở dĩ bị cáo không thể có mặt trong phiên xử này vì sắp sinh con trong trại giam, không thể đến tòa.
Trước đó, trong khi được tạm hoãn chấp hành bản án 16 năm tù do TAND tỉnh Nghệ An phạt về tội mua bán trái phép ma túy để nuôi con nhỏ, Thanh chủ động có bầu, tiếp tục phạm tội. Đầu năm 2009, Thanh mang gần 1 kg heroin từ Nghệ An vào TP.HCM bán. Nhưng khi mang hàng đến một quán cà phê ở quận Tân Phú thì bị công an bắt quả tang. Lúc này, Thanh đang mang thai khoảng hai tháng dù biết mình đã bị nhiễm HIV.
Theo TAND TP.HCM, số lượng heroin Thanh buôn bán đặc biệt lớn, cộng với bản án cũ chưa thi hành nên tội danh thuộc trường hợp có tình tiết tăng nặng là tái phạm nguy hiểm. Lẽ ra Thanh bị phạt án tử nhưng do bị cáo đang có bầu, lại đang nuôi con nhỏ nên được chuyển sang tù chung thân.
Dính bầu khi bị truy nã, tạm giam
Đầu năm 2007, TAND tỉnh Lạng Sơn xử bị cáo Lê Thị Huyền và một đồng phạm về tội mua bán trái phép 677 g heroin. Huyền đứng trong vành móng ngựa khi mang thai được bảy tháng mà bị cáo “dính” trong lúc bị truy nã.
Trước đó, Huyền bị TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt bảy năm tù cũng về tội buôn bán ma túy nhưng được hoãn thi hành án tù vì đang nuôi con nhỏ. Lúc này Huyền lại phạm tội và bỏ trốn khi cơ quan điều tra truy bắt. Để thoát án nặng Huyền đã nghĩ ra cách có… bầu. Điều đáng nói là cái bầu này không phải Huyền có với chồng (vì đang ở tù) mà với một người khác.
Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, TAND tỉnh Lạng Sơn đã tuyên phạt Huyền 20 năm tù, cộng bản án bảy năm tù trước đó chưa thi hành, tổng cộng bị cáo phải chịu hình phạt chung là 27 năm tù.
Cùng thủ đoạn với Huyền nhưng bị cáo Trần Thị Hương lại độc chiêu hơn khi “tự có bầu” trong khi ở trại tạm giam.
Đầu năm 2007, TAND TP.HCM đã giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân cho Hương do đang có con nhỏ về tội mua bán gần 9 kg heroin.
Trước đó, do phạm tội nghiêm trọng nên Hương bị biệt giam tại Trại tạm giam Chí Hòa. Thế nhưng bảy tháng sau, bị can đột nhiên có bầu và giữa năm 2006 thì sinh được một bé trai trong trại. Hương khai nhận đã xin tinh trùng của một bị án khác ở buồng giam kế bên. Bị án này đã đựng tinh trùng vào một lọ thuốc và đưa qua lỗ thông gió để Hương tự thụ tinh nhân tạo…
Được cán bộ giúp sức
Vụ án này trước đây đã làm xôn xao dư luận và từng được Pháp Luật TP.HCM liên tiếp đưa tin. Tử tù Nguyễn Thị Oanh (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) bị TAND tỉnh Hòa Bình kết án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Án có hiệu lực pháp luật và Oanh đang bị biệt giam. Tuy nhiên, Oanh đã bất ngờ mang thai trong khi chờ ngày thi hành án. Sau đó, tháng 3-2007, TAND tỉnh Hòa Bình quyết định theo ý kiến của chánh án TAND Tối cao, chuyển hình phạt tử hình xuống còn tù chung thân cho Oanh. Cùng lúc bị án này sinh được một bé trai.
Liền sau đó, Công an tỉnh Hòa Bình đã điều tra và kết luận hai cán bộ trại giam là Thượng úy Nguyễn Thuyên, cán bộ quản giáo và Bùi Văn Quyết, chiến sĩ công an nghĩa vụ, đã nhiều lần mở cửa buồng giam cho Oanh và một bị án nam khác “quan hệ” với nhau. Trước đó, Oanh đã từng xin tinh trùng của một phạm nhân nam khác để có bầu nhằm thoát án tử nhưng không thành.
Hai cán bộ trại giam đã bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lần lượt bị phạt năm năm tù, ba năm sáu tháng tù. Tại tòa, Thuyên khai nhận em gái của Oanh nhiều lần đến nhà riêng đưa quà tổng cộng 1,5 triệu đồng cho Thuyên, còn Quyết không được lợi gì.
Thật tội cho những đứa trẻ
"Đó là thái độ ứng xử không văn minh với chính sách nhân đạo của nhà nước. Có thể là họ bất cần đời. Họ ý thức được trước rằng hành vi phạm tội của mình là không thể thoát cái chết nên cứ tội này chồng tội kia rồi tự cho mình cái quyền bất phục thiện dù xã hội chưa chắc đã ruồng bỏ họ. Tội nghiệp nhất là những đứa trẻ bị những bà mẹ nhẫn tâm làm công cụ để lợi dụng. Không biết tương lai của chúng thế nào khi ngay là một bào thai đã phải đối mặt với bản án HIV lơ lửng. Xã hội cần phải đối mạnh mẽ những hành vi này."
Luật sư LƯU VĂN TÁM, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu
Siết kỷ luật cán bộ giúp sức
"Thật khó để đưa ra những biện pháp hạn chế bởi chúng ta không thể khống chế được mưu đồ của những nữ bị cáo đó. Dù gì thì đây cũng là quyền của họ, không ai cấm cản được và cũng không thể quản lý, kiểm soát những chuyện tế nhị như vậy ngay cả bị can được tại ngoại… Chỉ với những trường hợp bị can, bị cáo được cán bộ trại giam giúp sức để có bầu thì chúng ta mới ngăn chặn được bằng cách siết kỷ luật và xử lý nghiêm cán bộ liên quan."
Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
Dù không muốn vẫn phải “sống chung”
"Biết rằng làm như vậy là bị can lợi dụng tính nhân đạo trong pháp luật hình sự của nhà nước nhưng chúng ta buộc phải “sống chung”. Bởi nói gì thì nói, hành vi ấy vẫn đúng pháp luật và đã thuộc diện nhà nước đưa vào chính sách đặc biệt. Tôi cho rằng những hành vi cố tình ấy ai cũng biết đó là đối phó, là gian xảo, ai cũng lên án vì nó không có tính nhân văn nhưng đành chịu thôi. Đây cũng là một hiện tượng nhức nhối mấy năm trở lại đây mà ngành tố tụng chúng ta chưa có cách gỡ. Chúng ta cũng chỉ biết hy vọng sự tự ý thức, trách nhiệm của công dân với xã hội sẽ cao hơn để không phải chứng kiến thêm những đứa trẻ bất hạnh ra đời trong trại giam, nhà tạm giữ."