- Theo ông, án oan bắt nguồn từ nguyên nhân nào?
- Không thể tuyệt đối hóa việc xử đúng 100% các vụ án. Vấn đề bây giờ là tố tụng công khai, minh bạch, cần được đảm bảo trên thực tế, nhất là vào giai đoạn điều tra, truy tố, tạm giữ.
Tôi lấy ví dụ, “vụ án vườn mít” rất phức tạp, nhiều cơ quan có liên quan. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát… phải xem tất cả các giai đoạn của tố tụng xem có vi phạm gì không. Đó là lỗi của tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố, nhất là xét xử.
Lâu nay người ta cứ nói án tại hồ sơ, tôi cho không phải. Án tại hồ sơ là anh phải đối chiếu với những tài liệu có trong hồ sơ và những cái thẩm vấn tại phiên tòa, ít nhất phải thông qua hoạt động thẩm vấn, đối chiếu những tình tiết khi phỏng vấn có ăn khớp với tình tiết ở hồ sơ hay không. Điều đó hết sức quan trọng. Người ta nói đó là niềm tin nội tâm của thẩm phán, nó liên quan đến xem xét đánh giá chứng cứ.
- 8 năm qua, chúng ta thực hiện cải cách tư pháp. Vậy từ đó đến nay tỷ lệ án oan đi theo chiều hướng nào?
- Ngày càng giảm. Các vụ án hình sự ngày xưa tỷ lệ oan sai không phải nhỏ. Những năm gần đây án sai sửa có, nhưng án oan thì rất ít, cân đối giữa tránh lọt, tránh oan cơ bản tốt.
Đặc biệt từ khi ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại cho hoạt động tố tụng, lại xuất hiện chiều hướng các cơ quan tố tụng quá thận trọng. Thận trọng là tốt vì nó liên quan đến quyền cơ bản của công dân. Nhưng quá thận trọng thì lại xảy ra tình huống bỏ lọt tội phạm. Tức là phải chắc chắn rồi mới áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền ngày 6/11. Ảnh: N.Hưng. |
- Theo kết quả giám sát gần nhất của Ủy ban Tư pháp, tỷ lệ oan sai là bao nhiêu?
- Rất thấp. Tôi không nhớ con số cụ thể, nhưng chỉ không phẩy mấy phần trăm gì đó. Án phải sửa về hình sự là ít nhất trong các loại án.
Với những vụ người ta kêu oan thì phải xem xét một cách rất thận trọng. Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp giám sát rất nhiều. Ví dụ ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, Ủy ban Tư pháp đã giám sát 75 vụ, đều được các cơ quan tư pháp chấp nhận kháng nghị để xét xử lại. Đó là chuyện bình thường.
- Từ vụ án ông Chấn, ông nghĩ sao về đánh giá "năng lực của cơ quan điều tra hiện còn hạn chế khi trọng cung hơn trọng chứng"?
- Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Khóa trước chúng tôi làm việc với Cục điều tra Liên bang Mỹ, FBI, thì thấy án an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta điều tra rất giỏi, vì công cuộc phòng chống tội phạm của ta dựa vào nhân dân.
Tuy nhiên, ở đâu đó năng lực còn thiếu kinh nghiệm, đặc biệt với thế hệ chuyển giao, được đào tạo nhiều hơn nhưng kinh nghiệm lại thiếu, nên đánh giá chứng cứ không tổng quát được.
- Trong vụ ông Chấn, trách nhiệm các cơ quan liên quan sẽ được xác định thế nào?
- Tất cả các cấp đều phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Trách nhiệm liên quan đến hai yếu tố: quá tự tin và cẩu thả. Anh cho rằng anh có kinh nghiệm xét xử và các tình tiết đó anh phán quyết như thế là đúng rồi. Trước đây có những thẩm phán rất giỏi, vô cùng tin vào khả năng của mình. Còn ở vụ này, năng lực yếu và trách nhiệm chưa cao.
Năng lực ở đây là năng lực về quá trình xét xử, quá trình đánh giá chứng cứ, niềm tin là quá yếu. Bởi vì, nó như bài văn, mọi việc phải logic, thống nhất, đặc biệt trong xét xử, hệ thống nguồn chứng cứ, đánh giá chứng cứ phải khớp với nhau. Rất nhiều vụ án, chỉ một cái nhỏ thôi không khớp cũng phải điều tra lật lại từ đầu. Không lật lại mà cố tình cho qua sẽ gây ra oan sai.
- Có ý kiến cho rằng, vụ án này đang kéo lùi kết quả của quá trình cải cách tư pháp. Ông nghĩ sao?
- Những oan sai, nói như Bộ trưởng Bộ Công an là điều rất đáng tiếc. Nhưng kết quả của quá trình cải cách tư pháp phải nhìn trên tổng thể. Không thể lấy cái cá thể mà đánh giá cả quá trình. Nhờ tiến trình cải cách, ngày hôm nay ai cũng thấy tư pháp đã dân chủ hơn, công khai hơn, minh bạch hơn, chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền con người hơn.
Đâu đó còn có những vụ việc vi phạm là do những cá nhân trong quá trình đánh giá chứng cứ chưa làm tròn trách nhiệm.
- Theo ông, bài học kinh nghiệm lớn nhất ở vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn là gì?
- Đó là những thiết chế kiểm soát. Với điều tra viên thì thiết chế đầu tiên là ông thủ trưởng cơ quan điều tra, phải thường xuyên xem xét đánh giá các hoạt động của điều tra viên. Bên cạnh đó, thiết chế viện kiểm sát cần thường xuyên kiểm soát các hoạt động tư pháp của điều tra viên và của thủ trưởng cơ quan điều tra.
Quá trình thực hành công tố thì người này lại có sự kiểm soát lại. Tức là tất cả những thiết chế kiểm soát lẫn nhau phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Buông lỏng là dẫn đến những sơ suất đáng tiếc.
Đại biểu Bùi Thị An: "Giá phải trả vụ Nguyễn Thanh Chấn quá đắt" Vụ án Nguyễn Thanh Chấn cho tôi cảm giác rất lạ, vừa vui vừa buồn. Vui vì người bị oan bước đầu được giải, buồn vì chúng ta có đầy đủ các cơ quan tư pháp mà để cho người dân phải ngồi tù oan 10 năm. Cái giá phải trả ở đây quá đắt. Tiền không thể bồi thường được một gia đình, một dòng họ. Không ai hình dung vài trăm triệu đồng có thể an ủi một con người phải ngồi tù 10 năm. Tôi nghĩ phải đưa những người đã điều tra sai, xử sai ngồi tù một năm để họ thấm thía và nâng cao trách nhiệm, trở thành người cầm cân nảy mực chính xác. Phải có chế tài xử phạt người xử sai thích đáng, thích hợp để không còn người gây ra hệ lụy sai lầm, mới tránh tình trạng người dân kêu oan bao nhiêu năm mà không được. Ngành nào cũng cần phẩm chất, đạo đức, ngành tư pháp còn cần hơn vì liên quan đến con người, mỗi vụ án có thể để lại nỗi đau nhiều năm, day dứt với nhiều người. Do vậy, con người làm trong ngành này phải như "Bao Công" và việc kiểm tra giám sát rất quan trọng. Vụ việc vừa qua có thể do lãnh đạo các cơ quan này không giám sát thường xuyên. |
Nguyễn Hưng - Đoàn Loan ghi
vnexpress.net