HPI được xây dựng căn cứ 3 tiêu chí: mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình khi mới sinh và dấu chân sinh thái.
Chỉ số HPI được công bố lần đầu tiên năm 2006 và lần thứ 2 vào năm 2009. Việt Nam đã liên tục được thăng bậc tại các lần xếp hạng, từ vị trí 12 năm 2006 lên vị trí thứ 5 năm 2009 và vị trí thứ 2 năm 2012, với điểm đạt được lần lượt là 61,2; 66,5 và 60,4 (trên thang điểm 100).
Bảng xếp hạng 10 quốc gia có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới. |
Trong topten của bảng xếp hạng năm nay, trừ Việt Nam, các nước còn lại đều thuộc khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
Theo ông Saamah Abdallah, chuyên gia phân tích của NEF, tại Mỹ Latinh vẫn còn cảnh nghèo khổ và bất công về kinh tế, thế nhưng có một yếu tố khác không bao giờ được xuất hiện trong các chỉ số kinh tế: đó là vốn xã hội, giá trị của mối quan hệ con người với con người và của những sáng kiến cộng đồng, điều cho phép các nước này có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng.
Trong một thông cáo, NIF khẳng định kết quả chỉ số HPI năm nay cho thấy con người vẫn chưa được sống trong một hành tinh hạnh phúc. Sở dĩ các nước thu nhập cao có điểm số thấp là do có dấu ấn về sinh thái. Còn các quốc gia có thu nhập kém ở châu Phi bị xếp hạng chỉ số HPI thấp bởi mức độ hài lòng cuộc sống và tuổi thọ của người dân không cao.
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ở vị trí thứ 14, Thái Lan thứ 20, Philippines thứ 25, Lào thứ 37, Myanmar thứ 61, Malaysia thứ 84, Campuchia thứ 85, Singapore thứ 90.
Trong số các nước lớn ở châu Á, Ấn Độ xếp thứ 32, Trung Quốc ở vị trí 60 và Hàn Quốc 63. Trong nhóm G8, Anh có thứ bậc cao nhất (41), đứng trên Nhật (45), Đức (46), Pháp (50), Italy (51), Canađa (65), Mỹ (105) và Nga (122).
Theo ông Nic Marks, người sáng lập chỉ số trên, HPI đo những gì thực sự quan trọng, đó là cuộc sống thọ, hạnh phúc trong hiện tại và tiềm năng cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.
Kết quả xếp hạng căn cứ HPI cho thấy con người vẫn có thể sống thọ và hạnh phúc nhưng ít tác động đến môi trường.
Theo một số chuyên gia, đánh giá mức độ hạnh phúc theo HPI tích cực và hiệu quả hơn so với đánh giá căn cứ vào chỉ số GDP bình quân đầu người và HDI (chỉ số phát triển con người), bởi HPI nhấn mạnh tới yếu tố tuổi thọ, mức độ thỏa mãn với cuộc sống của người dân và khai thác tài nguyên bền vững, tức là một sự hạnh phúc bền vững, thay vì chú trọng tới khía cạnh giàu có về kinh tế.
Đây là lần thứ 2 Costa Rica dẫn đầu bảng xếp hạng. Trong lần xếp hạng đầu tiên, quốc gia Trung Mỹ này đứng thứ 3, sau Vanuatu và Colombia.