Một cô gái Việt Nam xinh đẹp đang đấu tranh dũng cảm chống bọn buôn thân xác phụ nữ trên đất Campuchia, cũng như cô đã từng chống chọi với nhiều đòn tra tấn tàn bạo để bảo vệ phẩm giá khi rơi vào “động quỷ”.
Hai bé gái Việt Nam, nạn nhân của tệ buôn bán trẻ em làm nô lệ tình dục tại làng Svay Pak, Campuchia - Ảnh: Reuters
Bài viết trên báo New York Times (Mỹ). Cảnh các cô gái mặt mũi còn non choẹt lả lơi chèo kéo khách làng chơi là chuyện thường thấy ở một số nước đang phát triển vốn có hệ thống pháp lý lỏng lẻo. Nụ cười của họ khiến các ông Tây tưởng rằng những thiếu nữ này tự nguyện bước vào con đường buôn hương bán phấn.
Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn khác hẳn, phía sau những nụ cười đó là sự ẩn giấu của một tội ác ghê sợ. Nếu các ông khách Tây này gặp Sina Vann, người từng có quá khứ bị buộc làm nô lệ tình dục, họ sẽ biết hành động của họ đã tiếp tay cho tội ác này.
Theo báo New York Times, Vann là người Việt Nam, nhưng cô lại có tên Campuchia sau khi bị bọn buôn người chuốc thuốc mê và bán sang Phnom Penh hồi mới 13 tuổi. Vann chỉ nhớ rằng khi thức dậy, cô phát hiện mình trong tình trạng không mảnh vải che thân nằm cạnh một gã đàn ông không rõ quốc tịch, người bỏ tiền mua trinh tiết của cô.
Sau đó, cô bị nhốt trên tầng lầu cao trong một khách sạn đẹp đẽ, bán dâm cho khách làng chơi người nước ngoài và những gã đàn ông Campuchia giàu có. Sau những trận đòn thừa sống thiếu chết, Vann buộc phải học được cách luôn nở nụ cười tươi tắn và thực hiện những động tác khêu gợi trước khách hàng. “Câu tiếng Campuchia đầu tiên mà tôi học được là em muốn ngủ với anh”, Vann nói, và câu tiếng Anh đầu tiên mà cô nói còn kinh khủng hơn nhiều.
Trong hầu hết trường hợp, Vann buộc phải sử dụng mọi mánh khóe quyến rũ đàn ông như cô đã được dạy vì nếu không được khách chọn, cô sẽ lại bị đánh đập tàn tệ. Nếu các cô gái tỏ ra quen đòn roi và kháng cự lại bọn tay chân của chủ chứa, họ lập tức bị lôi xuống phòng tra tấn dưới tầng hầm. Và Vann đã nếm mùi nơi này. “Nhiều nhà thổ có những phòng tra tấn như vậy.
Sina Vann
Chúng được xây dưới tầng hầm để ngăn tiếng gào thét đau đớn của các cô gái”, Vann rùng mình nhớ lại. Nhiều “động” chọn cách tra tấn là sốc điện. Những kẻ mất hết tính người trói chặt Vann lại, dội nước lên người cô và dí những sợi dây điện có điện thế 220 volt vào thân thể cô. Cú giật điện sẽ khiến cô gái đau khủng khiếp, nhiều lúc tháo hết những thứ trong ruột già và bọng đái ra ngoài, thậm chí đôi lúc còn làm nạn nhân bất tỉnh nhân sự.
Theo Vann, trò tra tấn bằng điện giật rất phù hợp với “ngành kinh doanh thân xác phụ nữ” vì nó gây ra những cơn đau không gì so sánh nổi nhưng chẳng để lại vết tích trên thân thể cô gái, tránh làm mất giá khi ngã giá với khách.
Sau những trận đòn dã man và các cú giật điện, kẻ cứng đầu sẽ bị nhốt vào một quan tài bằng gỗ chứa đầy kiến dữ trong tình trạng khỏa thân. Cỗ quan tài được thiết kế đặc biệt để khóa chặt người cô gái, khiến cô không thể dùng tay gạt đi lũ kiến hung hãn. Cô gái đau đớn trong cảnh tối tăm, nghẹt thở, thân thể bị hàng trăm ngàn con kiến xâu xé. Vann còn nhớ chỉ riêng đôi mắt của cô là không bị kiến ăn vì nước mắt cô cứ tuôn trào, làm trôi tuột những con côn trùng đang đói mồi. Thiếu nữ tội nghiệp này đã bị nhốt trong quan tài từ 1 đến 2 ngày sau mỗi lần dám có thái độ chống đối, và cô cho biết chuyện tra tấn như vậy xảy ra rất thường xuyên.
Sau nhiều ngày khổ sở trong “động quỷ”, Vann đã được cảnh sát giải thoát. Ánh sáng mặt trời đầu tiên sau nhiều năm bị nhốt chặt trong động chứa đã khiến cô lóa mắt trong khoảnh khắc khi vừa bước chân khỏi khách sạn. Chiến dịch giải thoát nói trên do Somaly Mam tổ chức. Người phụ nữ Campuchia này đã từng bị bán qua nhiều nhà thổ nhưng cô đã tự mình trốn thoát, nỗ lực học tập và hiện đứng đầu một tổ chức chống lại nạn buôn bán phụ nữ.
Sau khi được giải cứu, Vann bắt đầu đi học lại và dần dần trở thành một trong những phụ tá đắc lực của Mam. Họ có chung chí hướng, đấu tranh chống lại bọn “quỷ dữ” và giải thoát các cô gái tội nghiệp khác, dù luôn phải đối mặt với những lời đe dọa thường trực từ giới chủ nhà thổ. Để đối phó với Mam, bọn chúng đã bắt cóc và hành hung đứa con gái mới 14 tuổi của cô. Và theo phóng viên New York Times, con gái của một nhà hoạt động chống buôn người khác cũng đã bị mất tích.
Nhà báo Gail Collins của tờ New York Times nhận xét buôn bán tình dục là một biến tướng của nạn nô lệ trong thế kỷ 21. Một trong những điểm khác biệt với kiếp nô lệ hồi thế kỷ 19 là nhiều nô lệ thời hiện đại sẽ chết vì căn bệnh AIDS khi còn rất trẻ. Somaly Mam và Sina Vann thuộc trong số những người dũng cảm, liều cả mạng sống để giúp những cô gái đồng cảnh ngộ vẫn đang còn bị giam giữ trong cảnh địa ngục, và họ có lòng tin cũng như kinh nghiệm để dẫn dắt cuộc chiến khó khăn này.
Theo Thanh Niên