Teen 24h 2009-04-20 04:25:06

Chuyện xếp hàng ở Việt Nam :P




Mấy hôm nay báo TT đăng liên tục một loạt bài về chuyên văn hoá xếp hàng. Tất cả bắt nguồn từ một cô người Hàn Quốc lên tiếng. Có lẽ những vấn đề đáng xấu hổ ở Việt Nam phải có người nước ngoài lên tiếng thì người trong nước mới giật mình nhìn lại. Chuyện xếp hàng này tui từng viết cách đây nửa năm nhân dịp các thầy cô giáo tương lai chà đạp nhau chen lấn để được trở thành giáo viên. Thôi thì ủng hộ báo TT đăng lên đây lại!

1. LHP Sundance 2008, Park City, Utah, Mỹ. Những người không kịp mua vé trên mạng để xem các bộ phim được trình chiếu tại LHP lớn nhất nước Mỹ này phải xếp hàng chờ cơ hội mua vé tại cửa rạp. Ai đến trước lấy số trước, nhưng phải quay lại trước giờ chiếu ít nhất một tiếng và tiếp tục xếp hàng chờ đợi. Họ là những người mê điện ảnh, là sinh viên, là diễn viên, là nhà làm phim, là bạn bè của những nhà làm phim độc lập có phim chiếu tại LHP. Không ai phàn nàn. Họ đứng trò chuyện với nhau về những bộ phim vừa xem, làm quen với nhau để chia sẻ nhau những thông tin bổ ích.
2. Buổi chiếu đầu tiên của Dark Knight, Los Angeles, California, Mỹ. Phải đến nửa đêm mới là xuất chiếu đầu tiên, nhưng 9g tối, đã có một hàng dài khán giả xếp hàng rồng rắn chờ đợi. Kẻ đứng, người ngồi, người trò chuyện, người đọc báo. Người mặc trang phục công sở, kẻ hoá trang thành thằng hề. Những ông già, những cô gái trẻ tóc sơn xịt đủ màu, những cậu thanh niên choai choai khuyên đeo từ tai đến mũi, những gã hộ pháp với hình xăm ấn tượng trên tay. Khi cửa rạp mở, họ tuần tự theo hàng tiến vào rạp. Không có cảnh chen lấn, xô đẩy. Không chỉ ở trước các cửa rạp chiếu phim, mà ở bất kỳ nơi công cộng nào tôi đến trên nước Mỹ, người ta cũng phải xếp hàng. Dù đó là siêu thị, là nhà hàng, là khu vui chơi, là văn phòng nhà nước.
3. Ngày nộp hồ sơ tuyển giáo viên ở Sở giáo dục và đào tạo, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. Hàng ngàn bạn trẻ háo hức trở thành giáo viên tương lai của nước nhà chen lấn nhau trong bầu không khí hỗn loạn. Có cả những người bị chèn ép đến ngất xỉu. Có cả những người nôn ói vì mệt mỏi. Có nhiều người giày dép đứt cả vì bị giẫm đạp. Nhiều người khác bị mất ví, mất điện thoại vì kẻ xấu lợi dụng tình trạng lộn xộn để kiếm chác. “Nhiều cháu bé đi theo cha mẹ đến điểm nộp hồ sơ khóc thét lên vì sợ hãi” – phóng viên của VnExpress tường thuật.
4. Chuyện gì đang xảy ra với văn hoá ứng xử nơi công cộng của chúng ta hôm nay? Cách đây 10 – 15 năm, khi còn là đứa trẻ, tôi còn nhớ mình phải xếp hàng mua vé xem phim ở rạp Măng Non trên đường Đồng Khởi. Tôi còn nhớ trên truyền hình, trong chương trình Những Bông Hoa Nhỏ, Hướng Dương đóng vai cô mèo chen lấn khi đến rạp xem phim và bị cười chê. Còn hôm nay, có mỉa mai không khi những người muốn thành giáo viên đến xếp hàng cũng không hề biết?
5. Về VN có một chuyện làm tui thấy khó chịu nhất là cái sự bon chen của nhiều người Việt Nam. Cái bon chen luôn sợ mình thua thiệt, sợ mình kém hơn người khác, sợ mình đến sau, nên người ta bắt đầu chen lấn. Tui đi làm giấy tờ, ở đâu cũng có cảnh chen lấn. Chen vào trước mặt người khác, lấn vào đẩy người khác ra. Đi máy bay là thấy rõ nhất: khi máy bay sắp dừng sau khi hạ cánh, dù đã được thông báo là hành khách ngồi yên tại chỗ, không cởi dây an toàn cho đến khi máy bay dừng hẳn và đèn hiệu thắt dây an toàn tắt thì mới mở dây an toàn, không sử dụng điện thoại di động khi máy bay chưa dừng hẳn. Thế nhưng, dễ dàng nhận biết ai là người Việt Nam: họ vội vàng cởi dây an toàn và đứng dậy lấy hành lý trong khi máy bay vẫn đang chạy, họ mở điện thoại di động và gọi khắp nơi, khi bị tiếp viên nhắc nhở thì có người sửng cồ khó chịu, có người dấm dúi cúi xuống núp để nói chuyện, thấy cảnh đó tôi thấy sao nhân cách của họ thấp kém đến vậy. Hồi kỳ tui đi Thái Lan, cái cảnh tượng hàng trăm người Việt trên máy bay đồng loạt đứng dậy trong khi máy bay vẫn đang chạy khiến tiếp viên hàng không của Lufthansa hoảng hồn phải đề nghị họ ngồi xuống, nhưng những người Việt Nam không biết chút tiếng Anh đó ngơ ngác không biết vì sao lại bị la, bị mời về chỗ đã bực bội, đến nỗi tiếp viên lên tiếng hỏi có ai biết tiếng Việt để giúp họ thông báo yêu cầu hành khách về chỗ ngồi.

Mà rồi xuống máy bay sớm hơn dăm ba phút, tất cả những con người đó cũng phải đứng chờ lấy hành lý ký gửi mà thôi.

Đó là chuyện trên máy bay, ai đi máy bay mới thấy.

Còn ra đường, đứng ở vạch đèn xanh đèn đỏ mới thấy người Việt Nam mình năng động lắm. Họ không kiên nhẫn chờ nổi đèn chuyển màu. Họ lấn lên vạch. Họ bấm còi inh ỏi. Họ muốn nhanh hơn vài giây trong cuộc đời ngắn ngủi của họ. Thời gian vài giây đó quý báu hơn lòng tự trọng.

Bạn có thể nói chắc tại tui đi Mỹ về nên bắt đầu lên giọng. Chuyện này tui đồng ý 50%. Vì hồi xưa, tui chỉ cảm thấy khó chịu một chút thôi. Nhưng mà tui thấy ở một nước như nước Mỹ, người ta sống, làm việc hối hả hơn người Việt Nam, nhưng người ta xếp hàng ở mọi nơi. Đó là một điều căn bản tối thiểu của lòng tự trọng và tôn trọng người khác. Đi sang Mỹ rồi, quay về nhà, thấy những cảnh ấy, tui chướng tai gai mắt hơn trước đây rất nhiều.

Nói về chuyện sống và làm việc hối hả. Chắc không ở đâu trên thế giới này có nhiều người ra đường cafe tán dóc và ngồi đồng, nhiều trẻ con dán mắt vào game online và chat, nhưng lười nhác đọc sách, tìm hiểu kiến thức như ở Việt Nam. Tui cũng thích đi cafe tán dóc, tui cũng thích ngồi mơ mộng viễn vông, tui cũng thích chat và ngồi viết blog, nhưng may quá, ít ra tui còn có cái thú đọc sách xem phim. Nhiều người còn chẳng đọc sách, chẳng xem phim, chẳng làm gì hơn. Trong khi đó tui tới nhà bạn tui ở Mỹ, sách phim chất đống, mà đâu phải mua về làm kiểng, họ đọc, họ xem, họ vào thư viện nghiên cứu, họ biết nhiều, hiểu nhiều.

Bởi vậy, không như cái ‘tinh thần’ chen lấn, tức muốn mọi việc giải quyết được nhanh hơn, rằng mình bận rộn, rằng mình cần xong trước, thực tế các làm việc của người Việt nhìn chung rất lề mề. Những thứ nhỏ nhặt thì người ta luôn tranh giành nhưng những vấn đề vĩ mô thì không. Ra đường ai cũng muốn hơn người phóng thật nhanh, đến đèn đỏ cũng cố vượt qua, không vượt qua thì cũng dừng lấn vạch rồi cứ rồ ga lên như thể rất gấp, nhưng khi đến công ty rồi thì thong thả đi vào, thong thả ra quán cafe ngồi tán dóc, thong thả mở máy lên làm việc, thong thả giải quyết, chuyện gì cũng thong thả cả. Giá mà họ cũng làm việc với tinh thần khẩn trương như khi chen lấn thì đỡ biết mấy.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)