Chuyện lạ 2009-07-17 00:59:09

Chuyện về một hậu duệ của công tử Bạc Liêu


Nào ai ngờ một trong những “cậu ấm” của công tử Bạc Liêu - nức tiếng một thời về sự giàu có và phong lưu, đang vật lộn kiếm sống bằng nghề xe ôm ngay tại TPHCM. Gần 10 năm nay, vị hậu duệ ấy sống lang bạt trong những căn phòng trọ đi thuê.





Ở tuổi xế chiều, điều mong mỏi lớn nhất của “cậu ấm” ấy - ông Trần Trinh Đức, là có được một căn nhà để thờ phụng tổ tiên trên chính mảnh đất quê hương.

Thời huy hoàng của “cậu ấm”

Liên lạc mãi, chúng tôi mới tranh thủ gặp được ông Đức lúc ông nghỉ trưa tại phòng trọ trong một con hẻm trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q. Bình Thạnh, TPHCM).

Lục lại ký ức về quá khứ phong lưu, ông Đức kể, cha ông - ông Trần Trinh Huy (thường được gọi là “công tử Bạc Liêu”, “Hắc công tử”) có đến 4 vợ chính thức. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Hai là vợ thứ 2, trước ông Đức bà còn sinh được 2 người con là Trần Thị Thảo và Trần Trinh Nhơn. Cha ông còn nhiều người con khác, là: Hiếu, Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ. Tất cả đều sống tứ tán, người ở nước ngoài, người ở TPHCM, Vũng Tàu…


Công tử Bạc Liêu - người một thời nổi tiếng với các giai thoại "đốt tiền", tiêu tiền như nước. (Ảnh: Huỳnh Hải)



Ngồi kể chuyện với chúng tôi, ông Đức trầm tư nhắc lại một thời huy hoàng xưa. Quê quán, gia tộc và tài sản gia đình phần lớn ở Bạc Liêu, nên cha ông thường đưa ông về thăm và có thời gian khá lâu ông sống tại chính Dinh thự của gia đình (nay là Khách sạn Công tử Bạc Liêu). Còn ở Sài Gòn, ông sống tại biệt thự tại số 117 Nguyễn Du, về sau chuyển qua ở biệt thự trên đường Nhất Linh (nay là đường Nguyễn Huy Tưởng, Q.Gò Vấp).

Ông Đức không rõ cha ông có máy bay từ khi nào nhưng mỗi lúc anh em ông về quê hay đi chơi đều được đưa đón trên chiếc Ford - Mercury vốn dành cho giới thượng lưu trên thế giới thời đó.

Ông Đức bảo rằng, không biết có phải ảnh hưởng tính phong lưu của cha hay không nên tính ông cũng rất ham vui. Thời ấy, không chỗ vui chơi nào ở Sài Gòn ông không biết và tối nào ông cũng đi nhảy đầm.

Năm 1973, cha ông mất, gia đình bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Sau Giải phóng, anh em trong nhà thống nhất bán căn nhà ở đường Nhất Linh và chia mỗi người một phần. Riêng ông thì chuyển về nhà vợ ở đường Huỳnh Tịnh Của (Q.3) và sống bằng nghề buôn bán.

Tha phương chạy ăn từng bữa

Sau khi được kế thừa một phần tài sản của cha, cuộc sống gia đình ông Đức cũng rất khá giả, có thời gian còn mở cả nhà hàng. Nhưng rồi đứa con gái duy nhất của ông sa vào bài bạc và mắc nợ. Tất cả tài sản trong nhà đều lần lượt “đội nón ra đi” nhưng vẫn không đủ trả hết các món nợ. Cô con gái cũng đâm ra ngớ ngẩn và mắc tâm thần phân liệt phải chạy thuốc mỗi ngày. Năm 1998, trừ đứa con trai lớn, gia đình còn lại 3 người phải dắt díu sang tận Campuchia để lánh nợ.

Ở đất khách, ông làm đủ nghề để kiếm sống, nhưng lâu nhất là bán giày da cũ. “Mỗi ngày tôi thu mua giày cũ về tân trang lại bán ở chợ Nam Vang (Phnom Penh), ban đầu còn tạm được nhưng về sau không sống nổi và một phần nhớ quê nên 2 năm sau lại túm đùm kéo nhau về lại Sài Gòn”, ông Đức kể.

Cũng từ đây, gia đình ông bắt đầu chuỗi ngày sống cảnh nhà thuê. Căn phòng trọ hiện nay là địa điểm cả nhà ông thuê lâu nhất.

Sa cơ lỡ vận, cùng đường, ông quay ra hành nghề xe ôm, thường đứng đón khách ngay tại ngã tư Pasteur - Điện Biên Phủ hơn 6 năm nay. Bước vào tuổi 61, nhưng ông là lao động chính nuôi 3 miệng ăn với thu nhập mỗi ngày khoảng 80-100 nghìn đồng. Căn phòng nhỏ chứa 4 người nhà ông (ông Đức, vợ, mẹ vợ và con gái) ở lúc trước giá thuê 800 nghìn/tháng thì giờ đây cũng tăng lên 1 triệu đồng. Ông ngao ngán: “Ngoài tiền điện nước, tiền ăn còn thêm tiền thuốc thang, nhiều lúc tính không khéo cũng thiếu trước hụt sau”.

Ông còn người con trai, cũng không nghề nghiệp ổn định nhưng ở trọ riêng. Ông Đức bảo: “Giờ chạy xe của tôi từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, rồi từ 3 giờ chiều đến tận 12 giờ khuya. Mải chạy ăn không có cả thời gian thăm con, dù biết nó trọ cũng đâu gần đây”.

Khi hỏi về những anh em cùng cha với ông, ông Đức lắc đầu: “Cũng không rõ nữa vì mỗi người mỗi nơi”. Anh em ông thuộc nhiều dòng mẹ nên cũng không thuận hòa lắm, còn đến giỗ thì mỗi người cúng riêng.

Chỉ mong có chốn thờ tự cha mẹ

Ông Đức ngậm ngùi: “Sống cảnh nhà thuê chật hẹp, muốn một chỗ để thờ phụng, nhang khói mẹ cha cũng không có. Hiện di ảnh cha và mẹ tôi đành gửi trong chùa ở đường Huỳnh Văn Bánh, nhiều lúc tranh thủ cũng chỉ vào thắp nén nhang xong lại về”. Ông bảo, nhiều lúc muốn về quê hương Bạc Liêu nhưng bận kiếm sống rồi ít tiền nên nhiều năm nay ông chưa về được.


Dinh thự Công tử Bạc Liêu bây giờ là Nhà hàng - Khách sạn do Tỉnh ủy Bạc Liêu quản lý. (Ảnh: Huỳnh Hải)



Ông Đức cũng tâm sự rằng, người càng lớn tuổi càng muốn gần gũi quê hương vì không đâu bằng sống êm đềm nơi quê cha đất tổ. Lần về quê gần đây nhất của ông là hồi đầu tháng 12 này để nộp đơn xin cấp nhà. Trông cảnh cũ, lòng ông thêm thôi thúc ước muốn được trở về quê sinh sống, thờ phụng tổ tiên.

Khi hỏi về quyết định xin cấp nhà của ông, ông Đức cho biết ý định đó có từ lâu rồi, nhưng ông không có thời gian và cũng không biết thủ tục giấy tờ. “May là mấy tháng trước có người khách biết chuyện, tận tình hướng dẫn thủ tục đơn từ nên giờ mới thực hiện được nguyện vọng đó”, ông Đức nói.

Được biết, họ hàng của ông Trần Trinh Đức hiện ở Bạc Liêu vẫn còn nhiều người. Ông Phan Kim Khánh (cháu của Công tử Bạc Liêu, em con cô cậu với ông Đức) cho biết: “Khi ông Đức về và có ý gặp các cơ quan ban ngành tỉnh để gởi đơn xin nhà, tôi cũng đã nhiệt tình hướng dẫn ông Đức đến những nơi liên quan. Riêng tôi, rất ủng hộ và rất vui mừng nếu ông Đức chuyển về Bạc Liêu để ở và thực hiện việc thờ phụng ông bà”.


Sẽ làm phim về hậu duệ công tử Bạc Liêu
Ông Trần Trinh Đức - con trai của công tử Bạc Liêu đã xác nhận thông tin trên.


[justify]Ông Đức cho biết cách đây vài ngày, một đạo diễn Việt kiều Pháp đặt vấn đề với ông việc làm phim về hậu duệ của công tử bạc Liêu. Đạo diễn này đề nghị ông Đức chuẩn bị các tư liệu liên quan đến cuộc đời ông từ nhỏ đến lớn để bộ phim có thể bấm máy vào tháng 3-2009. Mục đích của bộ phim này là làm từ thiện. Trước đó, ông Đức đã bày tỏ nguyện vọng xin nhà ở quê hương Bạc Liêu để có chỗ thờ tự cha mình trong một bài báo.

[/justify]
[justify]

Ông Trần Trinh Đức đang chờ khách.


[/justify]
[justify]
Ông Trần Trinh Đức hiện tại đang hành nghề chạy xe ôm tại TP HCM và phải thuê nhà, nuôi vợ đang bệnh, mẹ vợ già yếu và con gái có biểu hiện tâm thần.

[justify]Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900-1973, còn có tên khác là Ba Huy) là một tay chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Ông là người đã đi sang Pháp du học và cũng là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân và sân bay tư nhân.
[/justify]
[justify]Trần Trinh Huy là con trai ông Trần Trinh Trạch, tức Hội Đồng Trạch một người xuất thân là thư ký làng, nhờ cưới được cô Tư, con gái của ông bá hộ Phan Văn Bì, người có đất ruông nhiều nhất trong tỉnh Bạc Liêu nên được người đời gọi là "Vua lúa gạo Nam Kỳ".[/justify]
[justify]Ba Huy có bốn người vợ và rất nhiều nhân tình. Người vợ đầu là người Pháp, trong thời gian Ba Huy đi học ở Paris. Về nước ông cưới một người vợ ở Bạc Liêu là Ngô Thị Đen. Bà này ở với Ba Huy sinh được người con gái là cô Hai Lưỡng. Sau cô Hai Lưỡng qua Pháp sống. Từ năm 1945, Ba Huy lên Sài Gòn ở hẳn. Ông lấy thêm một bà nữa và sinh được ba người con: Nghĩa, Nhơn, và Đức.[/justify]
[justify]Ngoài ra, Ba Huy còn rất nhiều con với các nhân tình. Tuy những người đó không phải vợ chính thức nhưng con cái của họ đều được Trần gia thừa nhận. Ba Huy mất năm 1973 ở Sài Gòn và được đưa về an táng trong phần mộ gia đình tại ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.[/justify]

Tổng hợp từ Internet

[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)