Tin tức - pháp luật 2009-01-27 10:05:44

Chuyện về kẻ cướp vàng "khét tiếng" Nam Định


Cường là một trong 4 tên gây ra vụ cướp tiệm vàng 250 Hoàng Văn Thụ, TP Nam Định khi xưa làm 4 cảnh sát bị thương, gây chấn động dư luận. Một buổi chiều đầu xuân 2009, hắn bộc bạch về mình.
Cường là một trong 4 tên gây ra vụ cướp tiệm vàng 250 Hoàng Văn Thụ, TP Nam Định khi xưa làm 4 cảnh sát bị thương, gây chấn động dư luận. Một buổi chiều đầu xuân 2009, hắn bộc bạch về mình.

Đi cướp từ thuở học trò

Có lẽ lâu lắm rồi mới có người muốn nghe hắn thổ lộ tâm tư nên Nguyễn Mạnh Cường, 35 tuổi ra vẻ hào hứng lắm. Khuôn mặt thoắt vui, thoắt buồn của tên cướp như “sống” cùng những ngày mà cậu ta từng thề “đào sâu, chôn chặt”.

“Nhà em trước đây giàu lắm, tuy không thể nói là nhất nhì Thái Bình nhưng là gia đình danh giá, bố mẹ, thậm chí cả ông đều là người có trình độ, có chức tước trong xã hội. Em là con cả, đằng sau là một em trai và một em gái nhưng bố mẹ chẳng bắt làm gì cả. Mỗi khi mẹ bắt bọn em làm một việc gì đó, bố lại bảo: “Kệ chúng nó, mình ngày xưa khổ rồi, giờ cho chúng nó sướng”. Quay sang chúng em, bố bảo: “Chúng mày thích gì cứ làm, cốt sao là học giỏi”.

Vì ngang bướng, vì tính thích chơi trội và vì nhiều lý do khác nên Cường không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của bố mẹ là thương con và muốn con cái được thoải mái chứ chẳng ai khuyến khích chúng làm điều sai trái. Cũng vì nông nổi, cạn nghĩ nên Cường giao du với nhóm bạn xấu và kết quả là liên tiếp gây ra những vụ đánh lộn, trấn lột tài sản của các học sinh nhưng lần nào cũng “thoát tội” vì được bố bảo lãnh.

Kể lại chuyện xưa, Cường luôn cúi mặt như cố quên đi quá khứ.


Như cái cây không được uốn nắn kịp thời, Cường ngày càng lao nhanh xuống dốc. Năm 1990, khi đang học lớp 11, Cường cùng Phạm Thanh Quang, Trần Sỹ Chương mang súng định vào nhà một người mới ở nước ngoài về, “xin đểu” thì bị tổ tuần tra Công an phường Quang Trung, thị xã Thái Bình bắt quả tang. Với khẩu súng ngắn, găng tay cao su, mặt nạ ấy, lần này Cường và nhóm bạn không thoát tội nhưng trong thời gian chờ xét xử, ba tên được tại ngoại.

Tối 9/3/1991, sau khi “kiếm” được hai quả lựu đạn và một khẩu súng, Cường, Quang, Chương và Bình rủ nhau sang Nam Định gây án. Mục tiêu là tiệm vàng 250 Hoàng Văn Thụ mà chúng đã tăm tia từ mấy hôm trước. Theo chỉ đạo của Quang, Cường đứng ngoài cảnh giới, Quang cầm súng ngắn, lựu đạn vào trước còn Bình cầm túi đựng dây dù, khẩu trang và một ít quả chanh dùng để nhét vào miệng nạn nhân; Chương cầm lựu đạn đứng ngoài cửa yểm trợ. Khoảng 21h30, cả nhóm thực hiện đúng như kịch bản đã định nhưng không may lúc Quang xông vào tiệm vàng này thì tổ cảnh sát cũng đang có mặt.

Nhớ đến đây, Cường bảo: “lúc đó em đang đứng ngoài bỗng nghe thấy tiếng súng nổ rồi có tay ai đẩy phía sau hô chạy, thế là co giò chạy. Đến đường Hoàng Hữu Nam, nghe đằng sau có tiếng nổ lớn rồi tiếng đạn bắn chát chúa, em chẳng còn hồn vía nào, cứ thế chạy bán sống bán chết về nhà. Chờ thông tin của đồng bọn không thấy, biết là có chuyện, em vơ quần áo ra đường 10 định đón xe bỏ trốn thì bị bắt”.

Khi được hỏi gia đình có thiếu thốn đâu mà đi cướp, Cường bảo: “Tại thấy thằng Quang tâm sự là chị gái nó chung tiền buôn bán, bị lừa mất nên cả bọn bảo nhau “làm” một việc gì đó, quyên tiền cho chị gái nó. Nhìn thấy súng, tự dưng em cũng "ngứa" tay”.

19 tháng chờ ngày thi hành án

Bị kết án tử hình những ngày trong trại tạm giam công an tỉnh Nam Định với Cường là một khoảng thời gian không thể nào quên. Cường kể: “Ngày ra tòa, biết chỉ có Chương là trốn thoát còn Quang bị bắn chết tại chỗ, em đoán chắc mình cũng chung số phận, chỉ có điều chưa biết ngày nào thôi. Cứ nghĩ dẫu sao nhà mình vẫn còn một thằng “nối dõi” nên em nên còn sống ngày nào là em "quậy phá" ngày ấy.

Nói là thế nhưng những khi đêm xuống, em cũng thấy ân hận bởi khi nghe tin em bị bắt, mẹ em đang trực ở bệnh viện đã ngất lịm và nằm liệt một chỗ từ đó đến giờ. Bố em vì xấu hổ đã không thể tiếp tục công việc đang đảm nhiệm. Đứa em gái đang học ở trường múa, không trụ nổi trước ánh mắt của bạn bè đã bỏ học về nhà. Chuyện đã thế này nên em nghĩ phải khác trước, dù có chết cũng là tên tội phạm thành khẩn.

Vậy là em xin khai lại, khai những gì còn giấu diếm và đệ đơn xin được ân xá. Em nghĩ tội mình to lắm, chắc chẳng được giảm án đâu nên lúc nào cũng chuẩn bị sẵn tinh thần cho ngày ra đi. Sáng nào em cũng dậy thật sớm, mặc quần áo chỉnh tề vì chẳng biết sẽ phải “ra đi” lúc nào.

Mờ sáng ngày 10/12/1992, nghe tiếng chìa khóa lách cách nơi cửa buồng giam, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ nhiều tháng rồi, em vẫn thấy mồ hôi chảy dọc sống lưng. Một cơn gió mùa đông ùa vào phòng theo cánh cửa mở, em cố giữ giọng bình thản mặc dù hai chân run lẩy bẩy: “Cho tôi xin đi tắm rửa rồi đi đâu thì đi”.

Nói thế thôi chứ tâm trạng em lúc đó đâu còn nghĩ đến chuyện tắm rửa nữa. Người ta đưa cho em thùng nước, bộ quần áo mới, em thay đồ mà chẳng biết nước trong thùng lạnh hay nóng. Đến lúc ra ngoài, thấy người cán bộ giở tờ giấy ra đọc, đầu óc em lúc đó cứ quay cuồng cho tới khi có người bảo: “Sống rồi, không biết à”, mới chợt bừng tỉnh.

Hóa ra đó là Quyết định ân xá của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, miễn tội chết cho em. Mừng đến nỗi chẳng biết khóc hay cười, suốt chặng đường lên trại Nam Hà hôm đó, em cứ nghĩ đời mình vẫn còn son lắm.

Và ước mơ của ngày trở về

Ứa nước mắt khi nhớ lại chuyện xưa, Cường bảo: “Từ ngày được cơ hội sống, dù là chưa biết khi nào mới trở về với gia đình, em vẫn rất mừng vì dẫu sao vẫn còn cơ hội”.

Trở về đội, Cường lại mải miết khâu bóng, chờ ngày mãn hạn.


Từ ngày lên trại Nam Hà, chỉ có em trai Cường lên thăm anh. Nhìn thân hình còm cõi, xanh bủng của em trai, Cường chột dạ nhưng lần nào gặng hỏi, nó cũng bảo tại tạng người như vậy chứ kinh tế gia đình không khó khăn lắm.

“Năm 1998, bố em đột ngột lên thăm, thông báo em trai đã bị nhiễm HIV vì nghiện. Hóa ra bấy lâu nay nó giấu gia đình, đi bán lẻ ma túy để có tiền thăm nuôi anh trai và nhiễm “ết”, giờ cuộc sống chỉ còn tính từng ngày”. Trước khi ra về, bố em bảo: “Cảnh nhà nó thế, anh giờ lớn rồi, tự lo thân đi, bố không thể quan tâm được nữa”.

Câu nói của bố khiến Cường nghĩ nhiều và cảm thấy có “trách nhiệm” hơn. Cường bảo kể từ hôm đó luôn nung nấu suy nghĩ: “Phải trở về nhà và chỉ có con đường duy nhất đúng là cải tạo tốt mới”.

Với suy nghĩ phải có nghề mới tồn tại được khi ra trại, đang ở đội trồng rau, Cường xin sang học nghề may rồi khâu bóng và trụ lại ở đó đến bây giờ. Cường khoe mỗi ngày đã khâu được 1,5 quả, vừa đủ hoàn thành kế hoạch và chỉ còn 22 tháng nữa thôi là được trở về. 20 năm tù là cả một quãng đường rất dài, giúp người ta làm được nhiều việc. Với một kẻ ngang tàng, lỳ lợm như Cường thì khoảng thời gian ấy đã giúp anh ta nhận ra chân giá trị của cuộc sống.

Theo Báo Đất Việt
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)