[justify]Câu chuyện mà tôi được nghe về gia đình ông Chu Văn Đề và bà Ngô Thị Soạn chỉ có một “nhân vật chính” trải lòng, bởi ông đã nằm liệt giường, cấm khẩu hai năm nay. Nhưng điều đó cộng thêm ánh mắt ánh lên tình yêu của bà khi bồi hồi nhớ lại “chuyện hai người” càng làm tôi thêm chắc chắn rằng: Đó là một trong những chuyện tình đẹp nhất làng phong Quả Cảm (Bắc Ninh).[/justify]
[justify]“Nỗi đau đớn, bất hạnh đã kéo chúng tôi xích lại gần nhau…”[/justify]
[justify]Bà Soạn đã mở lời như thế khi bồi hồi nhớ lại quá khứ. Bà bảo, chính nỗi đau khổ tận cùng đã giúp hai con người bất hạnh xích lại gần nhau, cảm thông và khởi nguồn cho tình cảm gắn kết hai người hơn 40 năm qua.[/justify]
[justify]Bà kể, bà vốn quê gốc là ở Hà Nội, nhưng đến năm 8 tuổi, bố mất bà theo mẹ về quê ngoại ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Một thời gian ngắn sau thì mẹ tái giá, bà về ở với cậu. Nhưng nỗi bất hạnh của cô bé gái ấy chưa dừng ở đó, năm 12 tuổi bà phát hiện một điều “khủng khiếp”: bà mắc bệnh phong. Căn bệnh mà thời bấy giờ, người ta kỳ thị và chỉ cần nghe đến tên thôi đã xa lánh. Bà ví von, nó bị kỳ thị, xa lánh như một thứ dịch bệnh lây lan.[/justify]
[justify]Sống trong sự ghẻ lạnh của chính người thân bà tìm đến trại phong như tìm đến một nơi trú chân cuối cùng để tránh xa sự kỳ thị của dư luận. Năm ấy bà 15 tuổi.[/justify]
[justify]
"Ông ấy vẫn nói chuyện với tôi" - ảnh Trang Thu |
[justify]Ông hơn bà 13 tuổi, vào trại phong trước bà 7 năm. Vào một buổi chiều nghỉ ngơi sau giờ lao động, hai người vô tình… bắt gặp nhau. Một cách rất tự nhiên, họ ngồi kể cho nhau nghe câu chuyện đời mình. Thời gian ngắn ngủi nhưng bỗng chốc biến hai con người từ lạ như thành quen tự bao giờ.[/justify]
[justify]Ông kể, quê ở Việt Yên, Bắc Giang, đã có một đời vợ. Nhưng người vợ khi thấy ông lâm bệnh đã dứt áo đi lấy chồng, bỏ lại người chồng tàn tật và đứa con trai đỏ hỏn, mới 17 tháng tuổi. Kể đến đây, giọng bà bỗng trầm xuống: “Nghe xong câu chuyện của ông ấy. Tôi đã rớm nước mắt và thương vô cùng. Không những đồng cảm vì cùng mang trong mình căn bệnh quái ác mà tôi còn thương đứa trẻ thiếu vắng tình yêu thương của người mẹ”.[/justify]
[justify]Dần dà, tự sự cảm thông, giữa họ nảy sinh thứ tình cảm như bao đôi trai gái bình thường khác: tình yêu. Nhưng trớ trêu thay, đó lại là thứ tình cảm “bị cấm đoán” ở cái nơi mà người ta vẫn gọi đùa là “tận cùng của khổ đau”. Bà Soạn kể, thời bấy giờ trai gái trong trại gặp nhau và yêu nhau là điều cấm kỵ. Nhất là buổi tối, khi tiếng kẻng vang lên, người nào phải về phòng người ấy.[/justify]
[justify]Thế là, câu chuyện tình yêu của hai người tiếp tục với những cuộc “hẹn hò bí mật”. Những “ám hiệu” cho phút giây gặp gỡ chóng vánh… cũng lãng mạn như bất cứ đôi lứa chốn thôn quê nào. “Ngồi cạnh nhau còn run bắn, chạm mắt nhau là đỏ mặt”, chỉ thế thôi cũng đủ cho hai người biết rằng họ “không thể thiếu nhau”. Họ lặng lẽ về quê làm giấy đăng ký kết hôn có sự chứng kiến và đồng thuận của cả hai gia đình, rồi lại lặng lẽ trở lại trại phong.[/justify]
[justify]Thế rồi, bà quan tâm săn sóc con chồng lặng lẽ như thế được 5 năm, khi “không giấu được cái bụng lù lù”, ông bà đem giấy đăng ký kết hôn trình lãnh đạo bệnh viện. Khó khăn lắm hai người mới được chấp nhận “dọn về một nhà” và sinh con tại đây. Năm 1973, một bé gái kháu khỉnh, kết quả của câu chuyện đẹp được dệt nên bởi hiện thực khắc nghiệt, đã ra đời.[/justify]
[justify]Thời gian nuôi con cũng rất vất vả. Hai vợ chồng với 20.000 đồng tiền trợ cấp và 20kg gạo một tháng. Thế nhưng, những thiếu thốn ấy không làm niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng giảm đi. “Người ta không muốn cho người trong trại lấy nhau vì sợ sinh con cũng mắc bệnh phong. Nhưng khi cháu sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác, vợ chồng tôi hạnh phúc đến rơi nước mắt”, bà xúc động kể lại.[/justify]
[justify]“Tôi hạnh phúc…”[/justify]
[justify]Ông Đề đã phải nằm liệt giường cấm khẩu, bất động hai năm nay. Giờ một tay bà chăm nom vun vén cho cả gia đình nhỏ. Ngày ngày bà chăm bón vườn chuối, nuôi mấy con gà… để có tiền trang trải cuộc sống và chăm chồng bệnh. “400 nghìn tiền trợ cấp hàng tháng còn không đủ tiền thuốc thang cho ông ấy”, bà thở dài. Nhưng ở trại phong này ai cũng tấm tắc khen bà chăm chồng chu đáo lắm.[/justify]
[justify]Tôi hỏi, vất vả có khi nào bà hối hận vì đã lấy ông không. Bà lắc đầu mỉm cười: “Khi lấy nhau ông ý cũng bị bệnh nặng hơn người (phong ăn cụt hai tay - PV). Nhưng tôi yêu và tôn trọng ông ấy vì cái tính hiền lành và hòa nhã. 40 năm ông ấy chưa từng nặng lời với tôi”. Rồi bà khoe, ông vẫn “nói chuyện” với bà được. “Nói chuyện bằng mắt ấy. Tôi nói gì ông ấy cũng hiểu hết”, bà cười.[/justify]
[justify]Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi có người phụ nữ chừng 40 tuổi đến thăm. Bà tự hào giới thiệu đó là con gái bà. “Nó có hai con rồi, một đứa đang học ĐH, một đứa học lớp 8. Vợ chồng nó và các cháu vẫn thường xuyên tới thăm hai vợ chồng tôi”, bà hỉ hả.[/justify]
[justify]Tôi hỏi câu cuối: “Bà có hạnh phúc không?”. Không suy nghĩ, bà Soạn trả lời: “Tôi hạnh phúc!”.[/justify]
[justify]Tôi xin phép ra về. Lúc này căn nhà nhỏ bé, chưa đầy 12m2, không còn thoang thoảng mùi ẩm mốc và gây gây của người bệnh lâu ngày như cảm nhận của tôi khi bước vào. Vì tôi biết rằng, có một ngọn lửa nồng ấm hơn tất thảy: ngọn lửa của tình yêu. Tôi cũng đoán rằng, câu chuyện về họ là một trong những câu chuyện tình cảm động mà người ta vẫn kể cho nhau nghe, để chứng minh rằng ngay cả ở những nơi tưởng chừng như tăm tối, thứ tình cảm đẹp đẽ nhất vẫn đâm chồi.[/justify]