Ngày 23/7, anh Tian lên chuyến tàu cao tốc D301 từ quê nhà ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, lên Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến làm việc. Trên toa tàu số 15, Tian và vợ đang nói chuyện về gia đình. Hai con của anh đang chơi đùa cùng nhau. Lúc đó, chỉ còn khoảng hai giờ đồng hồ nữa là họ sẽ đến ga Nam Phúc Châu.
Khi anh đứng dậy, cố gắng duỗi chân ra cho đỡ mỏi thì đột nhiên bị ngã xuống và cảm thấy đau ở lưng. Anh nghe thấy tiếng bọn trẻ khóc và lập tức nhận ra rằng đoàn tàu đã va vào một thứ gì đó. "Tôi cảm thấy như ai đó ném tôi vào tường". Điện tắt phụt và anh không thể nhìn thấy vợ con mình đâu mà chỉ nghe tiếng gào thét của mọi người xung quanh: "Tàu của chúng ta đâm vào một đoàn tàu khác".
Hiện trường vụ va chạm giữa hai đoàn tàu cao tốc của Trung Quốc hôm 23/7. Ảnh: xinhua |
"Chúng tôi cũng không rõ chuyện gì đã xảy ra, chúng tôi chỉ biết rằng mình vấp ngã suốt dọc đường ray. Sau đó, chúng tôi nghe thấy tiếng một số toa tàu bị rơi và đâm xuống đất".
Tian kể rằng anh cũng nhìn thấy một vài hành khách người đầy máu và không thể di chuyển, bị các túi hành lý chèn lên người. Anh và gia đình cùng những người sống sót đã đi lại dọc đường ray nhiều lần cho đến khi tìm thấy con dốc dẫn xuống một trang trại phía dưới cầu vượt. Khi đặt chân xuống được mặt đất, Tian thở phào thấy mọi người đều ổn.
"Vợ tôi không sao nhưng bọn trẻ có một vài vết bầm nhẹ và không ngừng khóc vì sợ hãi", Tian kể. Anh quyết định để vợ đưa hai con lên một chuyến tàu khác về nhà trước. Tian được đưa đến bệnh viện Nhân Dân số 3 ở Ôn Châu để kiểm tra lưng nhưng rất may, không có vết thương nào nghiêm trọng. Tian bắt tàu từ ga Nam Ôn Châu về Phúc Châu vào sáng hôm sau.
Bạn bè và người thân liên tục gọi điện hỏi han tình hình của anh. "Ơn trời là tôi còn sống. Có thể tôi sẽ là một trong những nạn nhân xấu số nếu đi trên chuyến tàu kia", Tian nói.
Các nhân viên cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thi thể các nạn nhân và những người còn sống sót giữa đống đổ nát của vụ tai nạn. Ảnh: xinhua |
Vụ tai nạn thảm khốc làm dấy lên những nghi ngờ về độ an toàn của hệ thống tàu cao tốc ở Trung Quốc. Tai nạn xảy ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi đoàn tàu được cho là nhanh nhất thế giới nối Bắc Kinh với Thượng Hải, có chi phí xây dựng 33 tỷ USD, được đưa vào sử dụng và đến nay đã gặp vài sự cố mất điện.
Theo Xinhua, năm 2007, cơ quan đường sắt Trung Quốc tuyên bố đã phát triển thành công một hệ thống tự động có thể đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các chuyến tàu cao tốc trên cùng một đường ray. Với hệ thống này, thông tin về vị trí của đoàn tàu đầu tiên sẽ được gửi lên máy tính ở toa điều khiển và sau đó gửi đến các đoàn tàu khác nhằm ngăn chặn các vụ va chạm từ phía sau. Tuy nhiên, không hiểu sao hệ thống tự động này đã không phát huy tác dụng trong vụ tai nạn vừa qua.
Ông Zhao Jian, giáo sư trường Đại học Giao thông Bắc Kinh, nói rằng vụ tai nạn sẽ làm giảm lượng khách đi tàu cao tốc trong thời gian tới. Đây cũng là lúc để Trung Quốc xem xét lại việc phát triển đường sắt, trong đó có việc đánh giá sự cần thiết của một số lượng lớn tàu cao tốc như hiện nay và vấn đề đảm bảo an toàn khi lưu thông chúng. Các hành khách cũng đặt câu hỏi về các cửa sổ đóng kín trên con tàu cao tốc trên khi nhiều người sống sót nỗ lực phá cửa để thoát ra nhưng không thành công.
………………………………… 3blingeye3 3blingeye3 3blingeye3