Ông đến và lao vào làm những công việc như người nhà tang chủ, đến khi đưa tiễn linh hồn người chết ra đồng ông mới trở về nhà. Người ta hay gọi ông là “Người trời” hay “ông Ninh đám ma”…
Ngày 29/3, Ông Ân Văn Ninh có mặt trước đám tang của một người dân ở thị trấn Chũ – Lục Ngạn, nơi cách xa nhà ông 8 km. |
Nhiều khi gia đình của nhà người chết còn chưa kịp báo tin cho con cháu trong dòng họ, vậy mà ông Ninh đã xuất hiện. Bởi thế, trước kia nhiều gia đình có người nhà mất vào nửa đêm, khi thấy ông đến đã phát hoảng. Ông Ninh có dáng người gầy, dong dỏng cao, khuôn mặt tôi tối, quần áo mặc lúc nào cũng cóc két bụi bẩn.
Mặc dù bản thân ông Ninh với những gia đình có người chết chẳng hề quen biết, nhưng khi đến ông lại lao vào giúp đỡ những công việc của nhà đám như họ hàng thân thích của họ. Khi thì pha chè mời khách, lúc lại lau dọn bàn ghế, đặc biệt là khi đưa tang, ông Ninh thường nhận việc dong xe đạp kèm trống hoặc đánh nhạc “tùng” “beng” để đưa tiễn những linh hồn.
Ông Ninh sinh năm 1952. Thời trai trẻ, cũng giống bao thanh niên theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc ông xung phong lên đường nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc. Ông từng chiến đấu trên các chiến trường ở Đà Nẵng, Đường 9 Nam Lào… Đến đầu năm 1975 thì ông được xuất ngũ bởi tình trạng sức khoẻ yếu. Trở về địa phương, năm 1976, ông Ninh xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Ruông. Ăn ở với nhau mấy chục năm ông bà sinh được 4 người con, thì đứa lớn bị ảnh hưởng chất độc Da cam/dioxin.
Ông Ninh đám ma kể về quá trình bỏ nghề nông nghiệp sang làm nghề đưa tiễn những linh hồn. |
Ông Ninh không thể giải thích được tại sao mình lại có khả năng nhận biết được người sắp chết như vậy. Ông kể: thủa nhỏ ông đã bị mẹ đẻ của ông cảnh báo trước là mày sau này sẽ bị “trời đầy” đấy. Rồi đến ngày 10/10/2003, ông đang cầy ruộng thì nghe thấy tiếng kèn trống đám ma ở thôn Phúc Thành – Quý Sơn, người ông tự nhiên rạo rực lên, ông bỏ cả cầy và trâu ở ruộng để chạy đến chỗ nhà có đám… . Từ khi ấy ông hầu như chẳng làm ăn được gì nữa. Trong đầu lúc nào cũng chỉ vẫn vơ suy nghĩ đến việc đưa tiễn những linh hồn.
Thời gian đầu mới làm việc này, ông Ninh phải trèo lên cây xoài cao trong vườn để nghe tiếng kèn, tiếng trống đám ma. Làm được một hai năm sau thì chẳng cần phải trèo lên cao nữa, ông chỉ cần nằm vểnh tai lên nghe và sử dụng mũi để ngửi hơi người mới chết cách xa nhà ông khoảng 10 km đổ lại là thấy. Còn bây giờ thì khi nào ở nhà, ông thấy tim mình đập thình thịch, linh tính báo có người sắp phải từ biệc cõi trần, phạm vi trong vòng bán kính cách xa nhà ông 15 km là ông biết và chắc chắn là đúng. Có những đợt, ông Ninh đi miết 3 – 4 ngày mới trở về nhà, hết đám nhà này lại sang đám khác. Ở đám ma, chẳng khi nào người ta thấy ông ngủ. Ông cứ lầm lũi làm hết việc này đến việc khác.
Thời gian đầu thấy ông đi thế, vợ con cũng can ngăn nhưng giữ ông ở nhà không cho đi, lại thấy ông đau ốm nên đành phải chịu. Ai chưa từng tiếp xúc với ông Ninh, cứ nghĩ ông bị tâm thần, nhưng không, khi nói chuyện mới biết ông hoàn toàn minh mẫn. Ông bảo trời đưa đẩy tôi làm cái việc này, tôi nghĩ đây cũng là việc làm phúc.
Cho đến nay, ông Ninh cũng chẳng nhớ là mình đã đưa tiễn được mấy trăm “linh hồn” rồi. Chỉ biết rằng khi nào có người ở địa phương mất là không thể thiếu được mặt ông. Ông cảm thấy lòng mình thanh thản khi làm việc này. Công việc nhà đám xong xuôi, gia chủ thường biết ý biếu ông chai rượu và ít thịt làm quà, vậy là ông tâm đắc lắm… Còn những người dân ở vùng sơn cước Lục Ngạn ai ai cũng phải nể phục khả năng biết trước nơi nào người sắp mất của ông. Họ gọi ông là “Người nhà trời”, “Người cõi âm” hay “ông Ninh đám ma”… . Và ông sẽ còn tiếp tục làm cái nghề này cho đến khi nào chân ông không còn bước đi được nữa.
Đức Thọ