Đại úy Nịnh Đình Đông, Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an huyện Lục Nam, người được cử đầu tiên vào đội bảo vệ cùng với Trung úy Nguyễn Văn Cường, kể chuyện: Khi người nhà tìm ra và bế cháu Bích đi cấp cứu, phát hiện cháu bị mất bàn tay nên đã cùng với lực lượng Công an huyện quay lại hiện trường tìm kiếm. Và họ đã phát hiện bàn tay của cháu Bích bị rơi ở góc nhà. Lúc đó, các anh đã gọi điện thoại xin tư vấn thì được hướng dẫn cách bảo quản bàn tay của cháu Bích, đó là dùng dung dịch bảo quản bàn tay, sau đó cho vào túi nilon sạch để bảo quản trong đá lạnh. Các anh đã hướng dẫn người nhà đi mua đá, mượn thùng đựng về, sau đó ướp bàn tay của cháu Bích vào, đưa đi cấp cứu. Anh Đông và anh Giang được lệnh đi theo xe cấp cứu bảo vệ cháu Bích.
Ngay sau khi sơ cứu tại Bệnh viện Bắc Giang, cháu Bích được chuyển thẳng lên cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức. Lúc đưa cháu lên đến Bệnh viện Việt - Đức là hơn 11h ngày 24/8. May thay, theo các bác sỹ cho biết, do bảo quản đúng cách nên cánh tay của cháu vẫn có thể nối được.
Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 11 tiếng, với sự tận tâm của các y, bác sỹ, sự tiến bộ của y học, cánh tay của cháu Bích đã được nối thành công. Anh Đông và anh Giang kể rằng, lúc đó, ở bên ngoài phòng cấp cứu, họ cũng nóng ruột như lửa đốt. Thương cháu bé rơi vào hoàn cảnh đớn đau, họ càng căm giận cái ác và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sau này, chúng tôi mới được nghe một câu chuyện khá vui về ca trực đầu tiên này. Vì đi gấp theo xe cấp cứu nên các anh chỉ có một bộ quần áo trên người (dính bẩn) và không mang theo tiền nhiều. Gọi điện về báo cáo lãnh đạo thì ngại vì họ biết mọi người đang rất bận.
Chẳng còn cách nào, họ đành "vay nóng" tiền của người nhà cháu Bích để mua tạm quần áo và chi dùng. Hôm sau, họ mới nhờ được bạn bè đến đưa tiền trả lại nguyên vẹn và bằng được cho người nhà cháu Bích, dù mọi người đều từ chối lấy lại.
Phóng viên gặp các đồng chí trong tổ bảo vệ cháu Bích. |
Từ khi bắt được hung thủ Lê Văn Luyện, công việc bảo vệ của các anh đỡ áp lực hơn. Phòng điều trị cho cháu được giữ bí mật, chỉ có các y, bác sỹ có nhiệm vụ chăm sóc cho cháu và tổ bảo vệ của Công an huyện Lục Nam được có mặt bên cháu. Các anh phải túc trực 24/24h, đêm hai người phải chia ca ra, ngủ được khoảng 3 tiếng thì lại dậy, thay cho người kia. 5 ngày đêm mà đôi mắt của hai anh trũng sâu, nước da mai mái. Nhưng Thượng úy Nam bảo, mỗi khi nhìn và nghĩ đến hoàn cảnh của cháu Bích, mình lại gắng vượt lên sự mệt mỏi để hoàn thành nhiệm vụ. Cả anh Nam và anh Dũng đều coi Bích như con cháu mình, những lúc rảnh, các anh lại trò chuyện với cháu.
Anh Dũng kể rằng, cháu Bích tuy mới 8 tuổi nhưng là cô bé cực kỳ nghị lực. Cháu hầu như không khóc vì đau đớn. Cháu bảo với các cô y tá là cháu thích được ở bệnh viện, vì có lẽ ở đây cháu có được cảm giác an toàn sau biến cố quá lớn của gia đình. Khi các cô y tá bảo: "Bích ở đây lâu dài thì không được, phải chuyển sang khoa khác điều trị" thì cháu đề nghị ngay được gặp cấp trên của bệnh viện để xin ở lại.
Hiện cháu Bích vẫn chưa biết về việc bố mẹ và em gái đã bị sát hại. Khi cháu hỏi: "Bố mẹ cháu đâu, sao không sang thăm cháu?", mọi người đành nói bố mẹ cháu cũng bị thương, nhưng đang được điều trị ở bệnh viện khác. Hôm rồi, cháu lại đòi về nhà để bế em, mọi người phải nói đã có bà, các bác bế giúp rồi cháu mới thôi. Nhưng không hiểu vì sao, 4 đêm trở lại đây, đang ngủ, cháu cứ thảng thốt giật mình và khóc nức nở. Các y bác sỹ, các chú Công an phải vào dỗ một lúc cháu mới ngủ lại được. Không biết có phải cháu đã linh cảm những điều không lành xảy ra với gia đình hay những ký ức kinh hoàng về vụ cướp đã quay trở lại ám ảnh giấc ngủ của cháu.
Nhiều người biết tin về vụ cướp tiệm vàng đã rất quan tâm đến số phận cháu Ngọc Bích. Nhiều phóng viên muốn đến lấy tin, một số người cảm thương số phận cháu cũng tìm đến bệnh viện thăm hỏi… Theo yêu cầu của Ban chuyên án, các cán bộ bảo vệ cháu Bích đã dùng mọi biện pháp để ngăn chặn, không cho bất cứ một ai được vào khu vực điều trị cho cháu.
Thiếu úy Dũng kể rằng, ngay chiều 4/9, (thời điểm này một số ít người nhà, thân cận với cháu Bích đã được vào thăm), có một người đàn ông nhiều tuổi, đến tự xưng là ông ngoại của cháu Bích, nhà ở Tân Yên (Bắc Giang) xin vào thăm cháu. Tuy nhiên, với linh tính và nghiệp vụ của mình, anh Dũng đã phát hiện người đàn ông này mạo danh ông ngoại cháu (bởi ông ngoại cháu Bích đã mất). Lý do người đàn ông này muốn tận mắt vào thăm cháu Bích là do… đọc báo, biết tin và muốn được chia sẻ với cháu.
Trưa 5/9, sau khi lãnh đạo Công an huyện Lục Nam đến làm việc và bàn giao việc bảo vệ, trông nom cháu Bích cho người nhà và Bệnh viện Việt - Đức, tổ bảo vệ cháu Bích đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về Bắc Giang. Những ngày bảo vệ và chăm sóc cho cháu đã khiến các anh có tình cảm rất đặc biệt, vừa yêu thương, vừa xót xa, vừa cảm phục nghị lực của cô bé. Các anh chỉ biết cầu mong, một ngày nào đó, nếu biết tin dữ về gia đình mình, cháu sẽ vững vàng vượt qua đau thương để tiếp tục sống thay cho cả gia đình…
Theo các bác sỹ, trong trường hợp bị chặt đứt bàn tay như của cháu Bích (hoặc các bộ phận nào đó trên cơ thể), những người xung quanh khi phát hiện nạn nhân, cần bảo quản bộ phận bị đứt lìa như sau: Dùng nước muối Natri 0,9% đóng chai (hoặc nếu không có thì pha nước muối loãng, sạch theo tỷ lệ 9g muối trong 1 lít nước) rửa sạch bộ phận bị chặt đứt, cho vào túi nilon sạch (có thể ngâm trong nước sạch, hoặc nước muối). Sau đó, ngâm túi nilon đựng bộ phận bị chặt đứt vào đá lạnh. Điều quan trọng nhất là phải nhanh chóng đưa nạn nhân và bộ phận bị đứt lìa đã được bảo quản đến cơ sở y tế có chức năng nối ghép. Theo chúng tôi được biết, bàn tay cháu Bích được bảo quản và cấp cứu kịp thời cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng trong việc giúp các bác sỹ của Bệnh viện Việt - Đức nối thành công tay cho cháu. Hiện tay cháu đã cử động được và dự liệu trong một thời gian ngắn nữa, cháu có thể bắt đầu hoạt động bình thường được. |