Câu chuyện được gói gọn trong 8 bức ảnh về sự thay đổi của bà ngoại trong vòng một năm với tiêu đề “Tết này nhất định cháu về nhà” liên tục được chia sẻ trên các trang mạng xã hội ngay khi xuất hiện trên chuyên mục ảnh “Những khoảnh khắc quý giá nhất”, một trong những trang ảnh lớn của mạng xã hội Trung Quốc.
"Mới năm ngoái thôi, bà cháu mình vẫn nắm tay nhau chặt đến thế, vậy mà năm nay đến đi bộ bà cũng bước không nổi nữa rồi…"
"Như chưa bao giờ xa cách, mới buổi sáng ngày đó, bà như trẻ con nũng nịu bảo cháu mua bánh cuốn, cháu còn mua thêm cả chai fanta mà bà thích, vậy mà giờ đây, bà chỉ có thể ăn toàn đồ ăn loãng và nước, đến thìa cầm còn không chắc nữa. Bà ngoại, bà có thể từ từ thêm chút nữa, đợi cháu vững vàng hơn để dựa dẫm, có được không?"
Với lời ngỏ, cũng là lời muốn nói của cô với bà ngoại: “Vẫn là nơi ấy, nhưng bà ngoại không còn là bà ngoại của ngày ấy nữa… Bà đã hứa sẽ sống đến lúc cháu lấy chồng sinh con, vậy nên bà phải sống thật tốt, sống thật khỏe… 2014, chúng ta cùng nhau cố gắng, hiếu thuận đâu chờ đợi ai.”, tác giả Hoàng Thi Kì, sống tại thành phố Thâm Quyến như tự cổ vũ, trấn an mình trước tình trạng “một ngày trôi qua là bớt đi một ngày” của bà.
"Bà ngoại à, nếu như ông nhìn thấy bà như thế này, chắc hẳn ông sẽ lại trách bà : "bà nó à, sao lại bất cẩn quá thế!" cho mà xem."
"Bà ơi, câu đối dán trên cửa nhạt hết màu rồi kìa, bà có nhớ không, năm ngoái bà đã nói năm nay chúng ta dán lại cơ mà…"
Trong 8 bức ảnh ghép là hình ảnh của bà ngoại do Thi Kì chụp khi đang du học ở nước ngoài về nhà ăn tết đầu năm 2013 và những hình ảnh của những ngày đầu năm 2014 vừa qua khi cô đã tốt nghiệp về Thâm Quyến làm việc. Theo lời kể của cô, đầu năm ngoái, bà cô vẫn rất khỏe mạnh, hoạt bát, vẫn không nỡ ngủ vì Thi Kì của bà về nên thức trọn đêm tâm sự với cháu gái. Thế mà cho đến tháng 8, sau một trận đột quỵ, bà không chỉ già yếu hẳn mà còn không tự đi được nữa, phải ngồi xe lăn và mắc chứng “đãng trí tuổi già”.
"Cháu đã từng hứa với bà sẽ thường xuyên cùng bà đi bộ, bà ơi, bà có thể mau mau đứng dậy để cháu được đi cùng bà có được không?"
Bằng lời lẽ tự sự, Thi Kì kể lại những tháng ngày ấu thơ được sống bên bà, về những ngày đầu đi mẫu giáo, cô không ăn uống, không nói chuyện với bất kì ai cho đến khi bà mang ghế ngồi ở cửa lớp “kèm” cô hàng tháng trời. Hay như mới năm ngoái khi cô trở về, vẫn nụ cười ấm áp, bà vội vàng đi nấu những món ăn cô yêu thích. Vậy mà hiện tại, lòng cô lại đau nhói mỗi khi bà lơ đễnh không nhận ra cô.
"Ngày trước, mỗi lần cháu về bà lại vội vàng đi nấu cơm cho cháu ăn, bây giờ đây, cứ cách 5 phút, bà lại lục lọi những chiếc quần dài, nói rằng có gì đó đưa cho cháu nhưng cô giúp việc nói, chẳng có gì đâu, là bà lẫn rồi.".
"Bây giờ, cứ nói đến giữa chừng bà lại dừng lại, ngước mắt nhìn trời. Cháu ở bên cạnh, ngoài ngăn nước mắt rơi thì chỉ mong mau chóng được gặp lại ánh mắt sáng rực ngày nào.".
"Thật ra chọc cho bà cười là biệt tài của cháu, chỉ cần cháu nhăn mặt, nheo mắt là bà cười sảng khoái thôi nhưng giờ đây, khi cháu nhìn bà rất lâu, bằng tất cả sự cố gắng, bà gượng gạo nở một nụ cười, lúc ấy, cháu hiểu rằng, bà đang không nhận ra cháu nữa…".
Vì bận công việc ở Thâm Quyến mà không thực hiện được mong muốn ở bên bà hằng ngày nơi quê nhà Sán Đầu nên Thi Kì không khỏi bứt rứt. Cô chia sẻ: “Tôi sẽ dành hết thời gian nghỉ Tết năm nay để ở bên cạnh bà. Tâm nguyện lớn nhất của bà là tôi tìm được một người đàn ông tốt, yêu thương mình, có lẽ, tôi sẽ phải tìm ai đó đóng giả thôi cũng được để làm bà vui lòng.”.
Tấm hình kỉ niệm của bà ngoại và Thi Kì được chụp năm 1988.
Hình ảnh cô gái 26 tuổi Hoàng Thi Kì.