Lương y Phạm Như Tá hướng dẫn: theo y học cổ truyền thì mía có vị ngọt, tính mát, có những công dụng như: thanh nhiệt ( làm mát cơ thể), điều hòa chức năng dạ dày, nhuận trường, giải rượu, sinh tân dịch (tạo nước cho cơ thể), chữa sốt cao, trị kiết lỵ, trị ho (do nhiệt), bổ tâm tỳ… Xưa nay y học cổ truyền thường dùng mía để điều trị các chứng khô miệng lưỡi, tân dịch thiếu, táo bón, rối loạn tiêu hóa, nôn ói, tiểu tiện khó, sốt cao…
Dưới đây là những bài thuốc được y học cổ truyền, và dân gian hay dùng để trị một số bệnh:
- Với những chị em trong giai đoạn mang thai, cơ thể có tình trạng phù ( phù nhẹ) thì có thể dùng một ít thân mía rửa sạch, lóc bỏ vỏ đem nấu nước uống trong ngày, có thể uống nhiều lần trong ngày.
- Với phụ nữ mang thai hay bị nôn ói do ốm nghén thì dùng một ít thân mía, rửa sạch, lóc bỏ vỏ ép lấy nước rồi cho vào một tí gừng tươi, khuấy đều để dùng.
- Trường hợp trẻ em hay ra mồ hôi trộm thì nên cho trẻ dùng nước mía thường xuyên.
- Nếu bị tình trạng tiểu gắt, đau buốt nhẹ, có thể dùng một ít thân mía, rửa sạch, lóc bỏ vỏ, rồi cho vào ấm nấu cùng với một ít lá mã đề tươi. Nấu chín, lấy nước uống trong ngày. Còn nếu bị tình trạng khó tiểu thì có thể dùng một ít thân mía, một ít râu bắp và một ít xa tiền thảo, đem nấu lấy nước uống trong ngày.
Ngoài ra, dân gian còn dùng mía vào một số bài thuốc khác như: củ gừng tươi rửa sạch, đập dập lấy một ít nước rồi đem gia vào ly nước mía nguyên chất, trộn đều để dùng cho những người bị viêm dạ dày; người bị táo bón ngoài việc ăn uống nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước còn có thể dùng phương pháp lấy nước mía trộn với một ít mật ong và uống vào lúc bụng đói, uống 2 lần trong ngày.
Trích từ www.khoemoingay.vn