Theo chân những người bán cá, mắm cái cá cơm đi về miền nông thôn, đi về miền ngược để phục vụ cho những người dân nơi đây. Hoành tráng và quy mô là những ghe bầu đầy mắm cá cơm ngang dọc theo con nước trên những dòng sông phục vụ cho các chợ quê.
Còn phổ biến thì các mẹ với đôi bầu mắm trên vai lặn lội khắp các làng quê ngõ xóm đem mắm đến tận nhà bán, đôi khi, hết tiền người dân quê có thể đổi bằng lúa gạo hoặc sản phẩm cây trái trong vườn.
Mắm cái cá cơm nấu rau lang có hương vị vô cùng đặc trưng. Ảnh: N.V.Học
Không nhắc đến những người làm mắm cái chuyên nghiệp để tiêu thụ ở chợ, chị em phụ nữ miền biển, đa phần ai cũng có thể làm được món này để cho gia đình dùng.
Làm mắm cá cơm không khó, nhưng để có những hũ mắm ngon thì phải theo công thức ba chén cá, một chén muối sống (hay còn gọi là muối hột).
Cá cơm rửa sạch qua nước lạnh để ráo trước khi trộn đều với muối và một ít ớt màu bột để sau này mắm có màu hồng nhạt dễ nhìn. Sau khi cho cá vào hũ (nếu được hũ nung bằng đất thì tốt), đậy kín lại và bịt chặt miệng hũ, không cho không khí lọt vào nhằm để mắm mau chín.
Một thời gian sau, khi mở nắp hũ ra, nghe thoang thoảng mùi thơm, lúc đó có thể đem ra dùng. Mắm cái cá cơm nấu với rau lang thì sẽ cho một nồi canh ngọt thơm với hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Để có một tô mắm ngon dùng trong bữa ăn, khi chế biến phải giã ớt tỏi, đặc biệt là ớt xanh, thêm một ít bột ngọt, ít đường, vắt vài giọt chanh tươi. Để làm nên sự phong phú đa dạng cho loại mắm này, có thể cho vào một ít trái cà pháo, có khi một vài lát thơm hoặc một ít dưa gang phơi khô, tùy kheo khẩu vị của từng người. Không chỉ thế, mắm cái cá cơm còn là loại nước chấm ngon khó tả khi dùng kèm với bánh tráng cuộn thịt heo hay với cá nục hấp.
Vào những ngày đông tháng giá, nước lũ tràn về, không họp chợ được, cả nhà ngồi quây quần bên nồi cơm còn bốc khói với tô mắm cái cá cơm và một rổ rau thập cẩm hái từ vườn thì bữa ăn đạm bạc ấy sẽ ngon miệng vô cùng…
[/justify]
Theo Nguyễn Văn Học (ihay)