Công việc đầu tiên được giao là dọn dẹp hàng quán, nhưng chỉ ít ngày chị bị chủ quán ép tiếp khách và kể từ đó cuộc đời chị đã gắn liền với những căn phòng tối om, hôi hám và tủi nhục…
Năm 2003, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, hai vợ chồng Hùng - Hạnh bàn nhau vay mượn để Hạnh đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Hạnh chăm chỉ làm thêm giờ kiếm tiền gửi về nuôi chồng, nuôi con ăn học.
Tháng 4/2004, do không có việc làm, Hạnh phải về nước. Vừa bước xuống bến xe Vinh, chưa kịp hàn huyên sau những ngày xa cách, cô đã bị chồng cùng một người lạ mặt đón và đưa thẳng đến một nhà hàng tại bãi biển Xuân Thành (Nghệ An) “làm việc” để kiếm tiền trả nợ…
Năm 1997, hạnh phúc lứa đôi đến với cô gái duyên dáng, đằm thắm Nguyễn Thị Hạnh (SN 1977). Từ vùng trung du Thanh Chương, Hạnh theo chồng là Trần Ngọc Hùng (1966) về Nam Đàn (Nghệ An) xây dựng tổ ấm. Năm 1999, một bé trai kháu khỉnh ra đời. Cuộc sống gia đình cô trong những tháng năm đó tuy khó khăn vất vả nhưng luôn mặn nồng, trong nhà lúc nào cũng rộn tiếng cười, tiếng bi bô con trẻ.
Thêm người mà chưa thêm của, ngoài “hai trái tim vàng” hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn có 1 sào ruộng để cày cấy. Tay trắng, Hùng động viên, thuyết phục vợ vay mượn đi xuất khẩu lao động nhằm thay đổi cuộc sống. Thương con còn quá bé dại, Hạnh mãi lấn cấn không yên… Để có tiền đi xuất khẩu lao động, vợ chồng đã vay mượn ngân hàng một khoản tiền không nhỏ. Năm 2003, Hạnh sang Đài Loan làm việc theo hợp đồng lao động 3 năm với Công ty Cung ứng xuất khẩu lao động và chuyên gia Napeco Nghệ An.
Xác định mình là “đầu tàu” của cả gia đình, Hạnh chăm chỉ làm trong, làm ngoài, hàng tháng đều đặn gửi tiền về trả nợ, nuôi chồng, nuôi con ăn học và mua sắm trong gia đình. Đùng một cái, công ty bên Đài Loan không có việc làm, Công ty Napeco cũng không có một lời giải thích nào đối với chị. Đến 4/2004 chị và một số người khác được trả về nước. Chiều 28/4/2004, Hạnh bị chồng và một người đàn ông lạ mặt đón tại bến xe Vinh.
Sau gần một năm xa cách, nghĩ đến được gặp chồng và thằng cu bé bỏng, Hạnh vui mừng khôn xiết. Nhưng đáp lại tình cảm của vợ, người chồng lạnh lùng không cho chị về thăm con mà đưa thẳng chị sang quán mại dâm ở bãi biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tại đây Hùng đã bán vợ cho nhà hàng để tiếp khách: “Mi đi lao động bên Đài Loan 3 năm nhưng mới đi chưa đầy một năm mà về thì phải đi làm cho đến 3 năm mới được về, với lại tiền nợ cũ chưa trả xong. Mi không làm là mất nhà mất cửa”. Trước sự nhẫn tâm của người chồng, Hạnh như chết lặng, đau đớn khôn cùng.
Cô rũ rượi, quỳ lạy, van xin chồng nghĩ tình nghĩa vợ chồng, đến đứa con, nhưng không có kết quả. Ngày về đến quê hương cũng là ngày Hạnh phải bước chân vào “hành trình” cày ải thân xác mình để “trả nợ”. Công việc đầu tiên được giao là dọn dẹp hàng quán, nhưng chỉ ít ngày chị bị chủ quán ép tiếp khách và kể từ đó cuộc đời chị đã gắn liền với những căn phòng tối om, hôi hám và tủi nhục…Tiếng khóc Hạnh nức nở kéo dài theo câu chuyện đời mình kể về một người chồng nỡ bán vợ vào “động quỷ”.
Đều đặn hàng tháng, Hùng đến quán ăn uống, lấy hết tiền “bán thân xác” của chị với lí do để trả nợ. Nhiều lúc Hạnh van xin chồng cho về thăm con nhưng tình mẫu tử thiêng liêng bị vùi dập bởi những nắm đấm, đòn roi kèm lời đe doạ “Mi không xứng đáng là mẹ của nó!?”. Đến tháng 9/2004, Hùng sang bãi biển đón cô về thăm nhà và cho “ tạm nghỉ phép” chăm con. Về đến nhà, Hạnh ngày nào cũng bị đánh đập chì chiết. Cô chỉ biết ru rú ở nhà ôm con khóc, cắn răng chịu không dám nói cùng ai. Hết một tháng, Hùng lại tiếp tục đưa vợ sang quán cũ để tiếp tục bán mình nuôi chồng.
Tết năm 2005, cô tìm cách về nhà ăn Tết. Hạnh không còn một niềm tin nào vào tình nghĩa vợ chồng và hạnh phúc gia đình song còn đó đứa con…. Nhưng vừa về đến nhà, Hùng thấy mặt vợ lại nhảy vào đánh đập và đuổi đi. Sáng mồng 2 Tết năm đó, sau khi uống rượu xong, Hùng tiếp tục “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”: “Mi cút ra khỏi nhà, làm gì thì làm, mỗi tháng phải đưa 2 triệu trả nợ. Không có là tau bỏ đói nó”, Hùng vừa nói vừa vứt quần áo cô ra khỏi nhà, một tay tát tai đứa con đang khóc đòi mẹ.
Hạnh vào miền Nam làm thuê cho một công ty giày da xuất khẩu. Nhịn ăn nhịn mặc, tiết kiệm tất cả mọi chi phí sinh hoạt, hàng tháng Hạnh lại gửi tiền về nuôi con. Đến tháng 3/2008, chị được anh chị bên ngoại đưa về nhà để đoàn tụ gia đình, với chồng con. Về đến đầu ngõ, Hạnh lại bị chồng cầm đòn gánh đánh ngay trước mặt anh chị mình. Kể từ đó Hạnh không về nhà nữa mà ở bên ngoại làm ruộng cùng cha mẹ đẻ. Mới hôm rồi Hạnh nhận được tin Hùng vừa cưới một cô gái cùng làng trong khi hai vợ chồng cô chưa ra tòa li dị…
Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô