[size=6]Bộ Quốc phòng và Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội ủng hộ phương án cho phép thanh niên được đóng tiền thay vì đi bộ đội.[/size]
Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho hay, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã bàn bạc, ủng hộ phương án cho phép thanh niên được đóng tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự.
"Ngoài các hình thức nghĩa vụ thay thế như: Nghĩa vụ có thời hạn trong công an nhân dân, dân quân tự vệ, nghĩa vụ khác họ cũng có thể đóng góp bằng tiền, bằng sức. Tôi ủng hộ việc có thể đóng tiền hoặc làm một việc gì đó", tướng Nhã nói.
Mặc dù vẫn có những ý kiến khác nhau, nhưng tướng Nhã cho biết ban soạn thảo sẽ đưa vào quy định rõ trong Luật NVQS do Bộ Quốc phòng xây dựng.
Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.
Trước những lo ngại thực tế, nhiều thanh niên sẽ thích đóng tiền để không phải đi nghĩa vụ, như vậy tình trạng thiếu quân số rất có thể sẽ xảy ra, tướng Nhã cũng giải thích rõ:
Mỗi năm có hàng triệu thanh niên đủ tiêu chuẩn đi NVQS nhưng chỉ một phần nhỏ nhập ngũ. Như vậy, những người không đi sẽ cho nợ hoặc phải làm công việc khác để bảo đảm công bằng giữa công dân với nhau.
Thừa nhận có tiêu cực thi thoảng xảy ra trong quá trình tuyển chọn nhập ngũ, nhưng tướng Nhã cho biết, hiện tượng này không đáng kể.
Hơn nữa, Việt Nam là nước đông dân nên không thể đến tuổi là đi hết nghĩa vụ mà phải tính toán xem số còn lại phải làm gì.
Bày tỏ lo ngại trước quy định mới này, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, cho rằng: “Để bảo đảm công bằng, phải đưa ra các tiêu chuẩn về sức khỏe, như lúc cần ít thì đưa ra yêu cầu về sức khỏe cao lên. Nếu cho phép đóng tiền để không phải thực hiện NVQS thì sẽ nảy sinh việc những gia đình muốn con cái ở nhà thi, học tiếp hoặc đi làm kiếm tiền và không muốn đi bộ đội sẽ sẵn sàng đóng tiền, dù nhiều năm liền. Còn con nhà nghèo thường ăn uống kham khổ, sức khỏe yếu thì lại phải đi bộ đội” - ông Chiến lo ngại.
Quy định này dường như đi ngược với chủ trương tại Thông tư 13 do Bộ Quốc phòng và Bộ GD&ĐT ban hành trước đó.
Thông tư 13 ban hành quy định, trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và Giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Thiện Minh, vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc phòng - Bộ GD-ĐT, khẳng định: "Trong cùng một thời điểm nếu nhận được giấy báo nhập học và lệnh nhập ngũ thì phải chấp hành lệnh nhập ngũ. Trong trường hợp nhận lệnh nhập ngũ sau khi đã đăng ký học thì người nhận lệnh vẫn có quyền xung phong thực hiện lệnh nhập ngũ trước và được bảo lưu kết quả.
Trường hợp đã đăng ký nhập học rồi mới nhận lệnh, nhà trường có trách nhiệm báo cáo đơn vị tuyển quân và chính quyền địa phương là thí sinh này đã làm thủ tục nhập học rồi đề nghị học xong mới thực hiện lệnh nhập ngũ.
Nếu giấy báo nhập học và giấy báo nhập ngũ cùng một ngày thì lệnh nhập ngũ có hiệu lực cao hơn, kể cả sau đó", ông Minh cho hay.
(Theo Baodatviet)