“Mika, Kakốp, Manlơ…” những đứa trẻ trên đảo Trường Sa Lớn đồng thanh gọi tên ba chú chó nghiệp vụ BĐBP, át cả tiếng còi tàu rền vang và tiếng sóng biển vỗ ầm vào bờ đá. Vài đứa trong đám trẻ nghẹn ngào gạt giọt nước mắt lưu luyến chia tay những “người bạn đặc biệt” chuẩn bị rời đảo. Con Mika bỗng tru lên một tiếng đáp lại. Chiếc tàu Hải quân từ từ rời cầu cảng, đưa các huấn luyện viên cảnh khuyển và những “học trò” của mình trở về đất liền, kết thúc chuyến công tác nơi hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
[justify][/justify]
Tổ chó nghiệp vụ BĐBP phối hợp tuần tra, quan sát. Ảnh: Khắc Biên. |
[justify][justify]Chúng tôi gặp đội công tác tại Trường Sa của trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ BĐBP ngay ngày đầu tiên đoàn trở về đơn vị sau chuyến công tác dài hơn một năm trên đảo. Thượng úy Vũ Khắc Biên, Đội trưởng đội công tác cho biết: Mika, Kakốp, Manlơ giờ đã trở thành những “chiến binh” đa năng, tác chiến hiệu quả cả dưới nước lẫn trên bờ. Cả ba vốn là những chú chó nghiệp vụ đặc biệt tinh khôn, đã lập nhiều chiến công trong đấu tranh chống tội phạm ma túy và tìm kiếm cứu nạn trên đất liền.[/justify][/justify]
[justify]Đặc biệt, cuối năm 2009, cả ba tham gia phá một chuyên án lớn của BĐBP tại Sơn La và trực tiếp tóm gọn hai đối tượng có vũ khí nóng, thu 24 bánh ma túy và 400 viên ma túy tổng hợp. “Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm đưa chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa” là một nhiệm vụ khá đột xuất được Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) giao cho trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ BĐBP vào tháng 2-2010. Nhà trường chỉ có vẻn vẹn một tháng để chuẩn bị. Mika, Kakốp và Manlơ là những ứng viên vượt qua vòng tuyển chọn khắt khe cho nhiệm vụ đặc biệt này.[/justify]
[justify]Chủ của chúng - ba Thiếu úy trẻ Bùi Đại Triều, Nguyễn Văn Định, Dương Văn Anh cũng là những huấn luyện viên (HLV) xuất sắc, sức khỏe dẻo dai, có khả năng thích ứng với nhiệm vụ tại biển, đảo. “Do chó nghiệp vụ được huấn luyện địa hình trên cạn, nên nhà trường phải gấp rút xây dựng các bài tập làm quen với môi trường nước tại Suối Hai, Ba Vì. Chúng đã được luyện tập đi xuồng vượt sóng nhân tạo, truy lùng, khống chế đối tượng trên mặt nước… với cường độ rất cao” - Trung tá Lê Hồng, Trưởng khoa Huấn luyện chó chiến đấu chia sẻ. Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng này đã giúp Mika, Kakốp và Manlơ đều khỏe mạnh, tỉnh táo, không hề bị say sóng trên hành trình hơn hai ngày đêm trên biển.[/justify]
[justify][justify]Những ngày đầu lên đảo, đội công tác không khỏi bỡ ngỡ, mặc dù trước đó, họ đã tìm đọc nhiều tài liệu, sách, báo về đảo Trường Sa. Các anh đã nhanh chóng tìm hiểu đặc điểm địa hình, khí hậu trên đảo để xây dựng giáo án luyện tập. Biết bao khó khăn trước mắt thử thách những chàng lính trẻ biên phòng. Là một người dạn dày trong huấn luyện chó nghiệp vụ, Đội trưởng Vũ Khắc Biên không khỏi giật mình khi thấy độ ẩm và nồng độ muối trong không khí quá cao ở Trường Sa. “Tôi đứng ở đầu gió và dùng lưỡi liếm vào mu bàn tay: Mặn chát. Hơi mặn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến độ nhạy khứu giác ở chó. Hơn nữa, với địa hình đặc biệt trên đảo, nguồn hơi và dấu vết để lại không bền” - Biên nói về những thử thách ban đầu.[/justify][/justify]
HLV và chó nghiệp vụ luyện tập trên đảo. Ảnh Khắc Biên. |
[justify]
Tuy nhiên, với sự kiên trì, sáng tạo vốn có của HLV cảnh khuyển, các anh đã từng bước luyện cho đàn chó cưng thích nghi với môi trường tác chiến mới. Chúng đã dần hình thành được phản xạ với các nội dung huấn luyện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Khả năng quan sát, phát hiện, truy theo dấu vết đối tượng của chó nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Khả năng lùng sục của chúng đã được thành lập vững chắc, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trong mọi điều kiện hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là trong đêm tối. “Ban đầu, đàn chó còn sợ sóng, nhưng chỉ sau một thời gian huấn luyện liên tục, chúng đã có thể bơi vượt cả những con sóng lớn với tốc độ nhanh hơn người để truy bắt đối tượng. Còn khi chạy trên bãi cát, tốc độ của chúng gấp 4 lần người chạy nước rút” – Thiếu úy Bùi Đại Triều chia sẻ. Triều còn cho biết, con Manlơ của anh rất thích chơi đùa với sóng. Nhiều lần đi tuần tra dọc mép nước, gặp những con sóng bất ngờ cao gần chục mét, cả HLV và đàn chó ướt sũng, nhưng chúng vẫn sủa ầm lên sung sướng như những đứa trẻ.
[/justify]
[justify]“Đội chó nghiệp vụ BĐBP đã trở thành những chiến sỹ hải quân đặc biệt thực thụ” – Thượng tá Nguyễn Hữu Lục, Đảo trưởng đảo Trường Sa nói vui. Ban chỉ huy đảo đã đánh giá rất cao quá trình huấn luyện của đội và khả năng của chó nghiệp vụ trong truy vết, chống người nhái, biệt kích đột nhập vào đảo trong mọi điều kiện khác nhau. Đặc biệt, đàn chó có thể mở rộng phạm vi truy lùng trên các địa hình khác nhau, quãng đường truy vết với mức độ phức tạp khác nhau nhưng vẫn đạt hiệu quả trong thời gian ngắn, không sót lọt đối tượng. Và Mika, Kakốp, Manlơ được anh em trên đảo ví như “mắt thần” trên biển Đông. Ban chỉ huy đảo cũng đã đề nghị Bộ Quốc phòng, BTL BĐBP tiếp tục sử dụng chó nghiệp vụ BĐBP tham gia bảo vệ đảo trong thời gian tới.[/justify]
[justify][justify]Trưởng thành hơn từ Trường Sa[/justify][/justify]
[justify][justify]“Chúng tôi đã trưởng thành rất nhiều sau chuyến công tác tại Trường Sa” – Thượng úy Biên cho biết. Điều kiện công tác, địa bàn đóng quân của BĐBP trên đất liền rất vất vả, khó khăn, nhưng cuộc sống, chiến đấu của những người chiến sỹ nơi đảo xa còn thiếu thốn, khắc nghiệt gấp nhiều lần. Những người lính đảo đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, họ chịu đựng biết bao thiếu thốn, cả tinh thần và vật chất.[/justify][/justify]
[justify]Trong thời gian công tác, anh em trong tổ đã nghẹn ngào chứng kiến tấm gương hy sinh trong khi làm nhiệm vụ của anh Hoàng Văn Nghĩa, cán bộ khí tượng thủy văn và chiến sỹ hải quân Nguyễn Văn Tuấn. Cả hai đều bị tai nạn và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Thiếu úy Nguyễn Văn Định thổ lộ: “Tôi học hỏi được nhiều điều từ cán bộ, chiến sỹ trên đảo, từ tinh thần trách nhiệm với công việc, ý thức địch tình cao, luôn sẵn sàng chiến đấu, không quản ngại hy sinh vì chủ quyền biển đảo… Không ai bảo ai, chúng tôi cũng luôn khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của đảo, không một lần bỏ gác, chẳng bao giờ từ chối bất cứ một nhiệm vụ gì khi được phân công…”. Tổ công tác đã trở thành người lính đảo thực thụ, cùng chia sẻ vui buồn, khó khăn của quân dân trên đảo, cùng nhau đoàn kết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.[/justify]
Chuẩn bị một bài tập phối hợp chống biệt kích xâm nhập. Ảnh: Khắc Biên. |
[justify][justify]Xúc động nhất vẫn là mỗi khi có đoàn công tác ra thăm đảo. Đó cũng là những trải nghiệm của tổ công tác BĐBP về tình cảm của biết bao người Việt Nam đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng, đối với những người chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió. Các anh sẽ không bao giờ quên những tình cảm mà đoàn công tác của Tổng cục Chính trị ra Trường Sa, trong đó có đại diện Hội Phụ nữ và Đoàn Nghệ thuật BĐBP. Trong đoàn, ai nấy đều cố gắng tận dụng thời gian để thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ trên đảo, đặc biệt là tổ công tác BĐBP. Những món quà nhỏ nhưng thật ý nghĩa, những lời động viên chân tình, mộc mạc nhưng trào dâng niềm xúc động.[/justify][/justify]
[justify]Khi ra cầu cảng chia tay đoàn, Thiếu úy Triều đã cảm động trào nước mắt khi các nghệ sỹ đoàn Nghệ thuật BĐBP tự tay đội mũ tai bèo (dùng để biểu diễn) cho 5 chiến sỹ biên phòng vì thương anh em… bị nắng. Một ca sỹ đã lên tàu rồi vẫn cố gọi lớn: “Biên phòng ơi, biên phòng ơi” để trao tặng khẩu phần sữa và hoa quả của chị. Có lần, đoàn văn công của tỉnh Nam Định ra thăm đảo đã khiến hầu hết cán bộ, chiến sỹ trên đảo nghẹn ngào khi các nghệ sỹ khóc sướt mướt vì mới biểu diễn được vài tiết mục thì có lệnh phải rời đảo ngay, do một cơn giông đang kéo đến, nếu chậm trễ, tàu sẽ không thể rời đảo. Lần đó, một nhà sư đi cùng đoàn cũng lên hát tặng bài “Gửi em ở cuối sông Hồng” - bài hát mà các chiến sỹ biên phòng yêu thích…[/justify]
[justify][justify]Hơn một năm công tác tại Trường Sa, biển đảo Trường Sa đã ngấm vào da thịt những người lính biên phòng và đàn chó nghiệp vụ, giúp họ vững tin để sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.[/justify][/justify]