Một cảnh trong vở Tình duyên thuở trước - Ảnh: GIA TIẾN |
Cơ duyên bất ngờ
Tình duyên thuở trước là câu chuyện hoài niệm về những giá trị văn hóa cũ xưa. Một bà già ăn trầu và nhổ bã trầu liệu có khiến cháu rể người nước ngoài cảm thấy ghê?… Tình yêu chân thành liệu sẽ vượt qua được những rào cản dư luận “chị dâu - em chồng”? Tình yêu trong sáng liệu có vượt qua được những biên giới về ngôn ngữ, văn hóa Đông Tây? Những tôn ti trật tự, tình cảm mẹ con, bà cháu trong nếp sống của gia đình Việt làm sao để giữ cho trọn vẹn?… Tất cả đều là những thông điệp của vở kịch này. Vở công diễn tại sân khấu Hoàng Thái Thanh từ ngày 9-1-2010. |
Sau khi tốt nghiệp ngành điện ảnh tại Paris, để thử thách chính mình anh muốn đi xa, một nơi nào đó như VN chẳng hạn. VN trong suy nghĩ lúc đó của Guillaume là một vùng đất rất xa, rất lạ, rất ít thông tin ngoài hai điều: chiến tranh và đạo diễn Trần Anh Hùng! Nhưng cũng vì thế mà VN thật bí ẩn và còn nhiều điều để khám phá.
Điện ảnh VN còn nhiều điều phải làm, nhiều điều để cho một người trẻ như anh thử sức. Nghĩ vậy và quyết định làm vậy, một ngày cách đây hơn ba năm anh chàng đã có mặt ở Sài Gòn và bắt đầu cuộc sống ở nhà thuê, ăn cơm bụi. Hiện Guillaume là giảng viên môn quay phim, viết kịch bản và vẽ story board tại Trường Arena Multimedia, đồng thời phụ trách môn điện ảnh tại một trường tiểu học Pháp ngữ ở TP.HCM.
Cơ duyên trở thành nhân vật trong vở kịch trên sân khấu Việt của Guillaume cũng rất đặc biệt. Số là vở Tình duyên thuở trước vốn được đạo diễn Ái Như dựng lại từ kịch bản cũ Trầu cau của tác giả Thanh Hoàng mà chị từng dựng cách đây 13 năm. Trong bản dựng trước, nhân vật Pierre - chàng trai nước ngoài - chỉ xuất hiện qua lời kể của những nhân vật khác. Nhưng lần này Ái Như quyết tâm phải cho Pierre xuất hiện đàng hoàng, dù đất diễn không nhiều nhưng sẽ là điểm nhấn độc đáo và thú vị cho toàn vở.
Và Guillaume đã không làm nữ đạo diễn nổi tiếng khó tính này thất vọng. Thậm chí đôi khi anh chàng còn… khó tính hơn cả đạo diễn khi cứ liên tục đưa ra những câu hỏi về vai diễn. Vì sao phải diễn như thế này? Vì sao Pierre phải trốn sau cửa sổ? Vì sao Pierre phải bỏ áo vào quần? Vì sao Pierre thấy cái chổi lông gà thì sững lại?… Những câu hỏi này không làm Ái Như khó chịu, mà ngược lại chị còn cảm thấy vui trước sự nghiêm túc đi tìm nhân vật của một diễn viên, dù là vai lớn hay nhỏ - điều rất hiếm thấy ở các diễn viên trẻ bây giờ.
Với Guillaume, dù đã có chút ít kinh nghiệm khi tham gia đóng kịch ở Pháp, nhưng lần này được diễn trên sân khấu Việt, nói tiếng Việt, anh cũng không khỏi cảm thấy hồi hộp. Run nhất là lúc chờ đến lượt mình ra diễn, khoảng cách từ cánh gà và sân khấu ngoài kia chỉ là vài bước chân nhưng gần như là hai thế giới khác nhau, bởi bước ra đó đã trở thành một con người khác, mang một cuộc đời khác.
Ảnh: Gia Tiến |
Ở VN, “đặc điểm nhận diện” của Guillaume mà bạn bè anh ai cũng biết là mê cải lương như mê… người yêu. Đi đâu, gặp ai, làm gì anh cũng có thể nói về cải lương say sưa như nói về người yêu. Anh bảo lần đầu tiên nghe cải lương trên đài, tuy không biết là loại nhạc gì nhưng đã gần như bị cuốn vào thứ giai điệu kỳ lạ đó.
Đến khi sang VN anh mới biết đó là cải lương và hết sức ngạc nhiên khi thấy tất cả thanh âm, điệu thức đều hoàn toàn khác với nguyên lý cơ bản của âm nhạc phương Tây, nhưng lại có thể tạo nên những câu hát vừa bình dân, vừa triết lý, vừa chứa đựng cả tâm hồn của con người phương Nam. Để tiếp cận gần hơn với tình yêu của mình, Guillaume chăm chỉ học tiếng Việt để có thể hiểu phần nào ngôn ngữ cải lương, học đàn theo lối ngũ cung, học cách hát các bài bản.
Không dừng lại ở đó, Guillaume còn đang nuôi dưỡng sự quyết tâm và tự tin để thực hiện một bộ phim cải lương với nội dung về một câu chuyện cổ tích VN. Trong đó, cải lương sẽ được thể hiện qua những góc quay nghệ thuật của điện ảnh, những khung hình hiện đại và sống động. Trong căn gác trọ của mình ở khu Chợ Lớn, anh chàng có hẳn một không gian để nghe cải lương gồm một chiếc radio cũ, một chiếc võng, một chiếc quạt mo để chiều chiều nằm đong đưa mà nghe rồi lẩm nhẩm hát theo.
Ngoài dự án với “người yêu” cải lương, Guillaume cũng đang có một “dự án” lớn nhất cuộc đời: làm rể VN. Anh chàng sẽ mặc áo dài khăn đóng trong một đám cưới diễn ra vài tuần tới với một cô dâu Việt nhỏ xinh. Anh cao hứng hát mấy câu “Tết, tết, tết, tết đến rồi”, vì tết này anh sẽ có vợ và được ăn… bánh tét chiên.
Cao cao, ốm ốm, sở hữu gương mặt “quý tộc” cùng nụ cười dễ mến, Guillaume Faugere rất dễ lấy thiện cảm của người trò chuyện. Câu đầu tiên khi gặp người mới quen, anh cẩn thận: “Tên tôi đọc là “Ghi-dôm” nha, hay gọi bằng tên VN là Phúc Duy cho dễ cũng được!”. Ờ thì “Ghi-dôm” hay Phúc Duy đều là tên của một anh chàng 8X quốc tịch Pháp luôn nghĩ “kiếp trước mình là người