Trẻ có thể bị sốt phát ban ít nhất là một lần, hoặc nhiều lần tùy theo tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh. Bệnh sốt phát ban lây lan qua đường hô hấp và nước bọt như 2 người dùng chung một cốc uống nước hay do ho, hắt hơi làm cho virus bắn vào không khí… nên bệnh có khả năng phát tán nhanh. Với những trẻ em có sức đề kháng thấp càng dễ bị lây nhiễm bệnh.
Cách điều trị và phòng ngừa bệnh sốt phát ban
Để điều trị bệnh sốt phát ban cho trẻ, cha mẹ cần chú ý những điều sau:
- Để trẻ được nghỉ ngơi ở nhà để tránh không lây bệnh cho những người xung quanh.
- Vệ sinh thân thể trẻ hàng ngày bằng cách lau rửa người nhanh bằng nước muối ấm. Cha mẹ không nên kiêng nước cho trẻ vì nếu không vệ sinh sạch sẽ càng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm khiến bệnh của trẻ nặng hơn.
- Giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ ra nơi có nhiều gió và không khí lạnh.
- Bổ sung dưỡng chất từ các vitamin C như cho trẻ uống nước cam, chanh…để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm khăn mát hoặc cho uống thuốc hạ sốt (nếu cần).
Đặc biệt với trường hợp bội nhiễm cần phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ vì có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Nếu bệnh nhân bị sốt phát ban có dấu hiệu sốt cao, co giật cần sớm đưa vào bệnh viện để kịp thời chữa trị.
Để tránh bị sốt phát ban, cha mẹ nên lưu ý ngoài việc bổ sung dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức khỏe, cần giữ cho trẻ tránh tiếp xúc với người bị bệnh, tránh tới nơi đông người hoặc những nơi có mầm bệnh…
Tiêm vắc xin phòng bệnh 3 trong một sởi-quai bị- Rubella khi trẻ được 12 tháng - 15 tháng tuổi và tiêm nhắc liều thứ 2 khi trẻ được 4-6 tuổi cũng là biện pháp để hạn chế khả năng trẻ bị sốt phát ban do virus sởi và rubella gây ra.
Nguồn: Nhà thuốc Nghĩa Hưng