Những nhà phát minh dưới đây được coi là "cha đẻ" của phần mềm máy tính, máy bay, radio… Mặc dù vậy, họ lại bị lịch sử lãng quên do không phải là những nhà phát minh đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh tới công chúng.
1. Ada Lovelace - phần mềm máy tính đầu tiên
Khi nhắc đến các phần mềm máy tính, chắc hẳn người đầu tiên mà mọi người nghĩ đến là Bill Gates. Nhưng trên thực tế, Ada Lovelace được cho là viết chương trình máy tính đầu tiên, vào năm 1843.
Trong quá trình giúp người bạn Charles Babbage dịch bài thuyết trình về "động cơ phân tích", tính toán logarit và phương trình lượng giác sang tiếng Pháp, bà đã viết một loạt các thuật toán của riêng mình.
Nó bao gồm cả tính toán số Bernoulli mà bà nhận ra sẽ cung cấp chức năng phù hợp cho động cơ. Đó là thuật toán đầu tiên sử dụng các số Bernoulli đặc biệt mà có thể được coi là chương trình máy tính đầu tiên.
Tuy nhiên, Babbage lại là một kẻ lập dị, từ chối hợp tác với bất kỳ ai nên những ý tưởng về "động cơ phân tích" không được hoàn thành. Điều đó cũng có nghĩa, những thuật toán về máy tính đầu tiên của Ada Lovelace cũng bị lãng quên.
Lovelace sau đó bị ung thư và qua đời vào năm 1852 khi mới 36 tuổi. Mãi đến thập niên 1950, khi các tác phẩm của Lovelace được tái bản, nhiều nhà khoa học đã vô cùng kinh ngạc trước kiến thức của bà về máy tính.
2. Giovanni Caselli - máy fax
Giống với các thế hệ máy fax ngày nay, nhưng với phiên bản ban đầu của Giovanni Caselli năm 1860, người gửi phải viết hoặc vẽ nội dung muốn gửi lên một thanh thiếc bằng một loại mực đặc biệt. Sau đó, máy sẽ quét những nét mực thành tín hiệu điện và chuyển cho người nhận.
Máy fax của ông đã được các cơ quan lập pháp ở Pháp thông qua và cho phép sử dụng rộng rãi. Đặc biệt, chúng đã được sử dụng trong chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870.
Tuy nhiên, với thất bại của Pháp trong trận Sedan, sự tồn tại của chiếc máy này cũng dần biến mất. Ngày nay, chúng ta chỉ có thể tìm thấy chúng ở Bảo tàng Kỹ thuật Quốc gia Pháp.
Ngoài máy fax, ông còn khá nhiều các phát minh khác như: Thủy lôi có khả năng quay trở về khi mất mục tiêu, máy đo tốc độ xe lửa… Giovanni Caselli mất năm 1891 ở Florence, Mỹ.
3. Clement Ader - máy bay
13 năm trước khi anh em nhà Wright cho cất cánh chiếc máy bay đầu tiên của họ thì Clement Ader đã làm được điều đó trên một chiếc “máy bay” do chính ông thiết kế ra và đặt tên là Éole (thần gió).
Mặc dù trong thời gian đó cũng có khá nhiều các nhà khoa học nghiên cứu về cách chinh phục bầu trời, tuy nhiên chỉ có Ader thành công.
Năm 1890, chiếc Éole của ông đã cất cánh và đã bay được độ dài 50m, tuy nhiên chỉ bay được với độ cao… 20cm. Mặc dù vậy, đây cũng được coi là một bước tiến lớn trong quá trình phát triển khoa học kỹ thuật thời bấy giờ.
4. Henry Heyl - máy chiếu phim
Henry Heyl được coi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành công nghiệp phim ảnh thế kỷ XIX.
Tháng 2/1870 tại học viện âm nhạc Philadelphia, trước con mắt ngạc nhiên của gần 1.600 người có mặt tại đó, Henry Heyl đã trưng bày một “vật nhỏ” có hình dáng như chiếc đèn lồng với trục quay ở giữa. Các mặt của chiếc đèn lồng là một chuỗi bức ảnh liên tục.
Khi quay trục ở giữa, những bức ảnh sẽ tạo thành chuỗi chuyển động liên tục giống như một thước phim. Tất nhiên, định nghĩa “phim” thời bấy giờ là một từ hoàn toàn xa lạ nhưng đây chính là điểm đầu tiên trong quá trình phát triển ngành công nghiệp giải trí này.
Mặc dù sau đó, rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học khác như Edison, James Muybridge… đã hoàn thiện dần dần thành chiếc máy chiếu phim ngày nay, nhưng không thể phủ nhận được vai trò của Henry Heyl trong quá trình này.
5. Nathan B.Stubblefield - Radio
Trước khi Marconi và Tesle phát minh ra đài radio vài năm thì một hình thức truyền tín hiệu thông qua các thanh kim loại đã được một người nông dân có tên Nathan B.Stubblefield tìm ra năm 1892.
Tuy nhiên, phát minh của ông lúc đó mới chỉ được truyền trong một phạm vi khá nhỏ. Sau đó, ông có liên hệ với một vài nhà tài trợ khác để tiếp tục phát triển sản phẩm của mình nhưng thất bại.
Các nhà tài trợ chỉ lo đến việc "đánh bóng" tên tuổi hơn là quan tâm đến phát minh của ông. Đó chính là một lý do khiến cho Stubblefield và phát minh truyền dẫn (tiền đề cho việc tạo ra đài radio) của ông "chết yểu".