[justify]Ông bà ta đã đúc kết: “Chồng giận vợ phải bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa cả đời không khê”. Kinh nghiệm đó dường như trao cho người vợ quyền và trách nhiệm làm “hạ nhiệt” trong những cuộc xung đột.[/justify]
[justify]Anh có một kinh nghiệm. Lần đó, vợ chồng anh tranh luận dữ dội. Đang đút cơm cho con, vợ tiện tay ném thẳng cái chén xuống đất vỡ tan tành, cơm đổ tung tóe. Con bé khóc ré lên. [/justify]
[justify]Làm thế nào nhỉ? Tìm một cái gì đó ném lại cho bõ tức? Lấy đại thứ gì trong tầm tay để ném vợ? Xông tới tát cho vợ một cái? Lần đó, anh không kịp nghĩ nhiều đến vậy. [/justify]
[justify]Việc đầu tiên là tiến đến bồng đứa con ra khỏi “bãi chiến trường” và dỗ dành nó. Không hiểu sao anh không tức giận mà phản ứng như vậy. Thành ra, sau này thấy vợ mua chén dĩa, ly tách mới, anh hay trêu: “Mẹ mua thêm để có cái mà đập kìa!”. Cô nàng sượng sùng ra mặt. Cũng may, cảnh đó không diễn lại nữa.[/justify]
[justify]Khi “chồng giận” thì “vợ phải bớt lời”, khi “vợ giận” thì chồng cũng phải làm tương tự! (Ảnh minh họa)[/justify]
[justify]Nóng giận không phải là “đặc quyền” của đàn ông, của người chồng. Đúc kết từ kinh nghiệm bản thân và của những người xung quanh, anh cho là có hai loại nóng giận: một loại là nóng giận thực sự, sau khi bị kích thích mạnh (dân gian hay gọi là “nổi khùng”); loại thứ hai là nóng giận “giả tạo”, tức là có thể kiềm chế được nhưng tỏ ra như nóng giận để áp chế đối phương. [/justify]
[justify]Cả đàn ông hay đàn bà, cả chồng hay vợ đều có thể có hai kiểu nóng giận này. Dù là nóng giận thực hay giả thì cũng có những cách biểu lộ: phản ứng mạnh (mắng chửi, đập đồ, hành hung…); phản ứng nhẹ (quát nạt vài câu, hùng hổ một chút…); không phản ứng gì, biểu thị sự kiềm chế, trấn tĩnh.[/justify]
[justify]Anh không cho cách nào là tối ưu vì thực ra không phải lúc nào cũng có thể “chủ động” chọn được cách, chẳng hạn, lúc đang nóng giận thực sự thì làm sao có thể không phản ứng gì… Nhưng đôi lúc, phản ứng mạnh có thể khiến “đối phương” tự “hạ hỏa”, hoặc bản thân chỉ phản ứng nhẹ thì tình huống cũng bớt căng thẳng. Tức là, trong những tình huống cụ thể, mỗi cách có thể phát huy hiệu quả riêng.[/justify]
[justify]Trở lại câu đúc kết của ông bà ta, có thể hiểu là bản thân người đàn bà, người vợ nên là người chủ động xoa dịu trong những tình huống xung đột căng thẳng. Tức là, người vợ nên “phát huy” tính dịu dàng, chịu đựng của mình để làm nguội các tranh chấp, thậm chí còn để làm lành, hàn gắn các sứt mẻ. Nhưng như thế không có nghĩa là người chồng “có quyền” tạo ra “ngòi nổ” hay có quyền nóng giận vô cớ.[/justify]
[justify]Rõ ràng, sự nóng giận không phải là “thiên tính” hay là “quyền riêng có” của người đàn ông. Ai cũng có thể nóng giận và ai cũng có thể mất kiềm chế. Trong gia đình, ai mất kiềm chế và gây ra hậu quả thì đều nguy hiểm, không riêng gì chồng hay vợ. [/justify]
[justify]Nếu trong gia đình, người chồng đóng vai trò trụ cột thì càng phải thể hiện khả năng “điều tiết” không khí gia đình, nhất là khi có mâu thuẫn, xung đột. Tức là, khi “chồng giận” thì “vợ phải bớt lời”, khi “vợ giận” thì chồng cũng phải làm tương tự![/justify]