Giữa đêm mưa gió, đồng hồ điểm 0h30. Bỗng có tiếng chuông điện thoại reo vang, đầu kia một giọng nữ yếu ớt: “Em sợ ma quá anh ơi! Anh ơi. Em sợ…”.
Giữa một đêm mưa trung tuần tháng 7, tại phòng trực, hai chiến sĩ "ngồi thiền" trên chiếc ghế nhựa căng mắt nhìn dàn điện thoại trắng phau trải dài trên bàn gỗ. Chuông điện thoại reo vang, Trung úy Phạm Ngọc Nam nhấc máy: "A lô, Cảnh sát 113 xin nghe". Đầu dây là giọng nói yếu ớt của một cô gái với tiếng được tiếng mất như đang đối mặt với nguy hiểm chết người. Cô "báo tin": "Em sợ ma quá anh ơi! Anh ơi. Em sợ. Xe bị hư, về trễ, đường vắng, anh cho người đến giúp em được không?". Trung úy Nam hỏi: "Em đang ở đâu?". Cô trả lời: "Dạ em đang ở… huyện Bình Chánh". Trung úy Nam thở dài, đành chuyển máy xuống cho CS 113 Bình Chánh trợ giúp.
Một câu chuyện dở khóc dở cười khác: cũng tại căn phòng này, thượng sĩ Lê Công Thảo, nhận được thông tin cầu cứu liên quan đến một… bà bầu. Anh Thảo than: "Dù đó không phải là nhiệm vụ của mình nhưng chính tôi cũng lo lắng không thua kém gì người nhà của bà bầu". Khi đó Thảo nghe một giọng nữ hốt hoảng: "Anh ơi cho xe xuống ngay. Đẻ rớt, đẻ rớt rồi anh ơi…". Thượng sĩ Thảo sốt sắng: "Ở đâu, ở đâu?"… Do hoảng quá, người phụ nữ ấy đã bỏ rơi điện thoại và thượng sĩ Thảo chỉ nghe tiếng la hét, ồn ào từ đầu dây bên kia vọng lại hình như mọi người đang đưa bà bầu đến bệnh viện…
Trung tá Hoàng Lương Duyên, Đội phó trung tâm CS 113 TP HCM cho biết: "6 tháng đầu năm, trung tâm nhận được 40.201 cuộc gọi đến, trong đó có 10.261 tin chọc phá, 25.326 tin không có nội dung. Thời gian quậy phá nhiều nhất là 19-23h hằng ngày. Đáng lưu ý, tin chọc phá và không có nội dung tăng hơn 13.000 tin so với 6 tháng đầu năm 2004".
Theo ông Duyên, nhiệm vụ chính của lực lượng CS 113 là tiếp nhận giải quyết các thông tin phản ảnh về gây rối trật tự công cộng,
tai nạn giao thông (TNGT), những phản ảnh liên quan đến nguyện vọng chính đáng của người dân bức xúc… để góp phần ổn định trật tự an ninh xã hội. Thế nhưng, trong hàng vạn cuộc gọi đến CS 113 "đặc biệt có những cuộc với nội dung rất… lạ lùng”.
Một đêm, có giọng nói thất thanh của chủ nhân số điện thoại di động 0989010… gọi đến kêu cứu. Mới nghe các chiến sĩ trực ban tưởng như chuyện "động trời" chết người; té ra người này gọi đến báo: anh ta chỉ ăn cơm ở nhà hàng nhưng chủ nhà hàng đã tính thêm tiền trái cây, karaoke, tiền boa nên nhờ CS 113 xuống giải cứu. Hay dù bẽ cả mặt nhưng chủ nhân số ĐTDĐ 0903672… đành phải gọi 113 vì đi massage không có tiền “boa” nên bị chủ tiệm massage giữ lại. Hoặc chuyện "bếp núc" gia đình cũng nhờ CS 113 can thiệp: vợ đòi bỏ nhà đi, ông chồng ngụ ở quận Bình Thạnh (sử dụng số ĐTDĐ: 0903718…) đã gọi nhờ CS 113 xuống "bắt" vợ lại giùm. Sau đó, CS 113 đã hướng dẫn ra công an địa phương giải quyết nhưng người đàn ông này "kiên quyết" không chịu mà đòi CS 113 xuống, nếu vợ của anh bỏ đi thì bắt đền.
Thống kê của Trung tâm 113 cho thấy, sau 3 năm hoạt động, có hơn 200.000 cuộc gọi đến cố ý quậy phá, chửi bới, đe dọa 113, rủ 113 đánh lộn, thậm chí đòi… chém và bắn 113. Đến nay, cả chục cuốn sổ dày cộm đã ghi kín mít hàng trăm nghìn số điện thoại gọi đến quậy phá. Trong đó, có nhiều số điện thoại được liệt vào danh sách "đen" thuộc hạng "top ten" quậy phá CS 113 như: chỉ trong 1 giờ, chủ nhân số 0918769… gọi đến quậy 34 lần; chủ nhân số 0903199… gọi phá hơn 30 lần trong 4 giờ.
Ngoài ra, họ còn phải tiếp nhận hàng nghìn cuộc điện thoại "quái dị" của những người liều lĩnh, đùa giỡn thiếu ý thức làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ của cảnh sát như: trời nóng quá gọi 113 chọc chơi được không; chửi bảo ta là khủng bố bin Laden đây; "bà già" (mẹ) chết buồn quá gọi điện 113 chơi; gọi đến chửi xối xả… Hai cô gái trọ ở quận 9 gọi ĐT báo thấy một bóng người đu đưa trên cành cây nên sợ quá ngủ không được, yêu cầu mấy anh đến mau. Hay chồng nhậu xỉn về nhà vợ đóng cửa không cho vào nên gọi CS 113 giúp, mạng điện thoại quá tải gọi CS 113 phàn nàn, nhà bị cháy cũng gọi CS 113…
Ông Duyên cho biết, Trung tâm CS 113 thành phố tiếp nhận tin qua 3 "kênh" chính, gồm từ Ban Giám đốc Công an thành phố (chỉ đạo trực tiếp qua điện thoại hoặc bộ đàm), từ bộ đàm của mạng 113 và tin báo trực tiếp của dân. Đặc biệt, riêng nguồn tin từ dân báo, trung tâm chỉ tiếp nhận qua ĐTDĐ. Tại trung tâm, 10 máy điện thoại để bàn và 20 máy bộ đàm liên tục hoạt động.
"Sếp" của tổng đài "1080 bất đắc dĩ" nói: "Chúng tôi chỉ tiếp nhận tin trong nội thành, chủ yếu là từ các quận lớn qua ĐTDĐ. Còn tại các quận huyện ngoại thành, mặc định của hệ thống điện thoại bàn gọi đến 113 đã chuyển máy đến luôn 113 tại địa phương đó". Ông Duyên cho biết: "Người dân đứng ở bất kỳ địa điểm nào trong thành phố nếu gọi bằng ĐTDĐ thì cuộc gọi cũng chuyển tới chúng tôi. Dù số thuê bao của họ thuộc Hà Nội hay miền Trung. Chỉ cần bấm 113, chúng tôi sẽ phản ứng tức thời nếu tin báo chuẩn".
Để 113 đến nhanh, họ thường báo tin theo kiểu tăng mức độ nghiêm trọng của tai nạn: chưa gãy chân thì bảo gãy chân rồi, hoặc mới nằm lăn ra thì đã kêu… chết người. Tính xác thực của tin báo về TNGT đúng được 60-70%. Với tệ nạn xã hội, chính xác được 40-50%. Với tin báo cháy, tỷ lệ chuẩn xác gần được 100%. Thường thì người dân báo cháy sau khi thấy khói và họ gọi đến 113 trước 114 (cứu hỏa).
Về tình trạng bị "quậy phá", thượng sĩ Lê Công Thảo bức xúc: "Họ đùa giỡn như vậy là giết người như chơi. Nhiều vụ ẩu đả chỉ cần lực lượng công an can thiệp chậm 1-2 phút có thể xảy ra án mạng. Thế nhưng có nhiều số điện thoại gọi phá từ ngày này sang ngày nọ. Số 113 là số ưu tiên dành cho người đang gặp nguy hiểm song không hiểu sao nhiều người gọi đến khiến máy bận liên tục, gây ảnh hưởng đến người có nhu cầu thực sự".
Theo Thanh Niên, thực tế, nhiều nguồn tin do người dân báo đến rất có giá trị, có trường hợp đã giúp lực lượng CS 113 kịp thời ngăn chặn được hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí, nhiều tin báo khẩn cấp thuộc chức năng giải quyết của các ban ngành khác nhưng người dân vẫn gọi điện cầu cứu CS 113, chẳng hạn như: cháy nổ điện, tai nạn lao động, cây xanh đổ…
Coppy từ:
http://chiplove.biz - Kênh tin sock, girl xinh số 1 Vn