Như chính tên gọi của nó, lá có vị đắng đặc trưng nên có nơi còn gọi là lá mật vịt. Cây đắng vốn là loại cây rừng, thường mọc ở khe núi, ven rừng, khi trở thành thứ rau ngon, người dân đem về trồng trong vườn. Cây lá đắng gần như cho lá xanh tốt quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất trong mùa mưa. Lá đắng thon dài, tỏa ra thành chùm như lá sắn. Trong chùm ấy, chỉ những lá bánh tẻ mới đủ tiêu chuẩn nấu thành bát canh ngon.
Lá đắng trong vườn nhà. Ảnh: Phamho. |
Nấu canh lá đắng rất đơn giản. Thịt gà băm nhỏ sẽ được tẩm ướp gia vị bao gồm mẻ, mắm tôm, sả, tiêu, ớt chừng mười lăm phút. Bắc nồi lên bếp củi, cho hành tỏi vào phi thơm và đảo nhanh tay hỗn hợp trên cho ngấm gia vị. Lửa vừa bén vào, mùi thơm của mắm tôm, sả ớt đã dậy lên đầy mời gọi. Rồi cho thêm bát tiết, cứ để cho nồi canh sôi liu riu thật ngấm gia vị, chừng vài phút sau đổ vào thêm vài bát nước. Nồi canh sôi lên thì cho lá đắng đã rửa sạch và thái chỉ vào, chờ cho sôi lại chừng ba phút thì bắc ra dùng nóng.
Những người thưởng thức lần đầu sẽ có cảm giác đắng ngắt tê tê nơi cổ họng, nhiều người còn nhắm mắt, rùng mình vì chưa bao giờ ăn phải một thức nào đắng chao đảo đến như vậy. Nhưng chính vị đắng đó lại đánh thức vị giác của bạn khiến bữa ăn ngon miệng hơn.
Người Mường “nghiền” canh lá đắng, là món đặc sản thiết khách ở xa. Ảnh: dulichxuthanh.com |
Không chỉ ăn sống, lá đắng còn có thể đem phơi khô, cho vào túi nylon để nơi khô ráo, đến lúc nào cần dùng thì đem ra rửa sạch rồi nấu như mọi thứ canh rau khác. Đó không chỉ là thứ rau dùng để chế biến món ăn lạ miệng mà còn được xem như một loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh đường ruột, chống đầy hơi, tiêu mỡ và giải rượu của người Mường.
Đến bản Mường, trong tiết trời se lạnh, được quây quần bên mâm cơm chiều muộn, nhâm nhi chút rượu cay nồng và thưởng thức canh lá đắng, với đủ vị đắng, cay, ngọt, bùi… bạn sẽ thấy cuộc sống vùng cao thật thi vị biết bao.
Lê Thương