[justify]Chiều SG mưa, 4 hay 5 cô gái trạc 17, 18 đứng trước Galaxy Nguyễn Du chờ mưa ngớt hạt. Tôi để ý thấy 1 cô bé ôm mặt khóc. Các bạn thì vây quanh dỗ dành: “Thôi mà…”, “Mềm yếu quá đấy!”… Cười chọc bạn mà mắt cô nào cũng đong đầy sự đồng cảm… Bỗng thấy ngại ngùng, vì lâu nay cứ nghĩ những người trẻ giờ chỉ thích những bộ phim của minh tinh xứ Hàn, xứ Đài…hay New moon, Twilight, rồi The Last Samurai, Shooter.. hay phim ngoại kinh điển như The Hunchback of Notre Dame, Gone With the Wind… Đã lâu lắm rồi, có lẽ là sau Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10… mới có 1 Cánh đồng bất tận để lại cho người xem nhiều trăn trở…[/justify]
[justify] Thương yêu sống mãi[/justify]
[justify]Câu chuyện của Ngọc Tư lần đầu đăng dài kỳ trên Tuổi trẻ đã ám ảnh biết bao người đọc, hàng triệu lời khen, chê trên hàng ngàn diễn dàn… Có người còn cho đó là sự “phỉ báng văn hóa” bởi nó lột trần những đau thương, cùng cực của vùng đất miền Tây dịu dàng, đẹp đẽ: Nỗi đau của cô gái làng chơi từ phố dạt về quê; nỗi đau của người đàn ông vụn vỡ thương yêu, hi vọng và niềm kiêu hãnh, vụn vỡ cả khát khao với đời, với người; nỗi đau của những đứa trẻ côi cút lớn lên trong lạnh lùng, trong ám ảnh, hãi sợ… Nói về nỗi đau trong Cánh đồng bất tận chẳng bao giờ đủ, bởi cả cái không gian mênh mông ấy phủ đầy những buồn tủi, hình ảnh con thuyền tả tơi giữa mênh mông sóng nước, cậu bé mục đồng nhỏ nhoi trong bao la sóng cỏ, bao la hoa mua tím rập rờn… chẳng thể nào gọi là vui, chỉ có thể là cô đơn, quạnh quẽ, vô định…[/justify]
[justify]Vậy mà, giữa cái chốn khổ đau ấy, cô gái vốn gắn đời với tăm tối, sương đêm ấy bỗng mang hình tượng của người mẹ, người chị chan chứa yêu thương, che chở, vỗ về… Người con gái lấm lem trong bùn đời, vốn quen với sự miệt thị, đòn roi, quen với việc đi về khi trăng rạng rỡ trên đầu: “Chị… làm đĩ quen rồi. Mấy chuyện này nhằm bà gì mà mấy cưng buồn…” Vậy mà, ánh mắt cô bỗng đau đớn, tan nát khi cha của 2 đứa nhỏ quăng tiền trả sau một đêm hoan lạc, cười khẩy khi cô đi về, ống quần quệt vào cỏ ướt đẫm sương… khi cô vừa cứu đàn vịt - miếng cơm của 3 cha con ông… Tôi ám ảnh sự đợi chờ 1 câu níu giữ của Sương trước khi đi gặp lũ giả kiểm dịch, ám ảnh đôi mắt mệt nhoài, ngộn ngộn nỗi đau, ám ảnh tình yêu của cô dành cho lũ trẻ cút côi bàn tay vỗ về, dù có cha, có mẹ…[/justify]
[justify][/justify]
[justify]Giữa cánh đồng, là tâm hồn sáng trong, bao dung, thơm thảo của cô bé tên Nương. Là hình ảnh cô chăm bẵm, săn sóc cho cô gái mình cứu vớt, chăm sóc cho em và cha. Trong mắt cô bé là lòng bao dung đối với mẹ cô, người phụ nữ đã không chịu nổi cảnh nghèo, bỏ cha con cô theo người khác; sự cảm thông với những tổn thương của cô gái giang hồ; nỗi nhớ quay quắt về mẹ, về Sương, về cậu em trai chẳng về mà đi mãi… Nương đẹp đẽ trong cái dáng ngồi cam chịu trên nóc thuyền băng qua cánh đồng mênh mông mà chị em cô đặt tên là Bất tận, cánh đồng ủ ê tin buồn, đẹp đẽ trong ánh mắt vợi xa, vô định khi hồi tưởng về quá khứ, đợi chờ Điền, đợi chờ “chị” quay về… Kết thúc câu chuyện, ở cô bé là cả một sự thức tỉnh lớn lao: rằng trẻ con đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm người lớn…[/justify]
[justify]Và giữa bao la hoa mua tím rập rờn ấy, là bé Điền cam chịu, lì lợm và gồng lên mạnh mẽ, để bảo vệ những yêu thương, chở che duy nhất của đời mình, là chị Hai, là Sương… Điền giết người, rồi bỏ đi biệt. Nhưng rốt cuộc, hình ảnh cậu chẳng hề là sự “biến mất”, mà còn lại mãi là tấm lòng, là khao khát chở che của người con trai chớm tuổi trưởng thành.[/justify]
[justify]Trong cùng kiệt nỗi đau, là sự hồi sinh[/justify]
[justify]Người ta vẫn nói, rằng phủ trùm lên “cánh đồng bất tận” là những nỗi đau bất tận. Có lẽ đúng, nhưng những nỗi đau ấy chẳng đánh gục được tin yêu của con người, lại khiến người ta bừng tỉnh, xích lại gần nhau, và chờ mong, khát khao về sự đổi thay.[/justify]
[justify][/justify]
[justify]Ánh mắt Nương nhắm nghiền đau đớn, Út Võ uất hận đến cùng cực… trong cái cảnh tình khổ đau tột bậc ấy bừng lên một hình ảnh tưởng như chẳng bao giờ có: hai cha con lao vào nhau, dựa vào nhau, tìm đến nhau… Gần kết bộ phim, là sự đổi thay của một người đàn ông uất hận, chán ghét cuộc đời, giờ vui vầy với đám trẻ trên con đò chòng chành mà sớm chiều ông đưa đón trên đường về, trên đường tới lớp. Hình ảnh người lái đò, nhất là ở miền Tây luôn dịu dàng, dễ mến… Út Võ đã bỏ lại quá khứ trên cánh đồng xa lắc kia rồi. Ông trở về bám đất, bám làng, phục sinh cuộc sống tưởng rằng đã chết cùng mái nhà xưa ngùn ngụt lửa hận thù…[/justify]
[justify]Trong câu chuyện, chị Ngọc Tư chỉ cho Nương sau khoảnh khắc ngất lim, sau những đớn đau ngấm sâu trong từng thớ thịt, là sự huyền hồ về đứa con: “Thoáng nghĩ, rớt nước mắt, trời ơi, có thể mình mình sẽ sinh con. Nhưng nó chấp nhận việc ấy, dù phũ phàng (với nó, chấp nhận cũng là một thói quen)…” Còn ở bộ phim, là hình ảnh người đàn bà tên Nương, đứng giữa cánh đồng mênh mông xanh ngát, sắp tới ngày sinh nở. Cô nghĩ về đứa con bằng sự hài lòng, nụ cười tươi tắn: “Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ… Đứa bé không cha nhưng chắc chắn sẽ được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn.” Vậy là, sau những khổ đau cùng cực là sự hồi sinh. Mầm sống đang lớn lên từng ngày trong Nương, dù không cha, nhưng sẽ được yêu thương, sẽ được đến trường, không phải lênh đênh hết cánh đồng này qua cánh đồng khác như cô, như Điền, mà cái chữ mãi là giấc mơ chưa kịp lóe lên đã bặt tăm trong nước mắt…[/justify]
[justify][/justify]
[justify]Nhiều người nói Cánh đồng bất tận chẳng hay, rằng nó không lột tả được hết những cái hay, cái đẹp, cái nghệ thuật… trong trang viết của Ngọc Tư. Đúng là hình ảnh, đôi khi chẳng chuyển tải được hết cái hay của bút pháp nuột nà, xúc cảm của chị Tư được, và mỗi người thì có mỗi đánh giá khác nhau. Bộ phim rõ ràng đã rẽ câu chuyện về một hướng khác, le lói một tình yêu, niềm hi vọng, sự hồi sinh của mầm sống dù nhỏ nhoi, không còn đau đớn triền miên, bất tận như câu truyện ban đầu…[/justify]
[justify]Bộ phim cũng là sự đổi thay của điện ảnh Việt vốn đang nhàm chán, hướng khai thác cũ mèm, tầm thường, với chuyện đời sống của sao, của teen, với những cảnh khoe thịt da nhạt nhẽo, ái ân tục tĩu. Cánh đồng bất tận là sự lên ngôi của nét đẹp trong sáng, dịu dàng, ắp đầy thương yêu của Nương. Nét đẹp của cô gái trẻ chẳng phải được thấy qua manh áo mỏng sũng ướt, bờ vai và đôi chân trắng ngần trên đồng nước, mà ở trong phim là ánh mắt trong veo, nhân hậu, lòng vị tha, bao dung, khát khao hạnh phúc, đắm say với cuộc sống, ở ngoài đời là sự hăng say lao động, dấn thân và tâm huyết với công việc. Từ Nương trong phim, hay Lan Ngọc ngoài đời, có lẽ sẽ có một hình mẫu lý tưởng về cái đẹp của người trẻ.[/justify]
[justify]Đêm, nhớ về hình ảnh ban chiều, về những cô bé học trò mắt ngấn nước khi xem bộ phim, tôi mỉm cười. Bởi cứ như vậy, những người trẻ rồi sẽ biết nhiều hơn những “Cánh đồng bất tận”, rồi “Cải ơi”, “Thương quá rau răm”, hay “Hiu hiu gió Bấc” của chị Ngọc Tư, tìm lại những “Cánh đồng hoang”, “Người Hà Nội”, “Đời cát”, “Mùa ổi”… để hiểu, để cảm, để trăn trở… nhiều hơn với đời, với da thịt buồn vui, với phận người quay quắt trên dải đất mình đang sống, để nhận ra rằng, trong kiệt cùng đau khổ, luôn có sự hồi sinh![/justify]
[justify]Có lẽ chúng ta cần cảm ơn chị Ngọc Tư, đạo diễn Quang Bình và những người đã giúp Cánh đồng bất tận không hề là nỗi đau bất tận![/justify]