Lần này ghé Đồng Tháp trúng mùa nước nổi. Anh bạn giòn giã khoe sẽ tự tay làm món cá linh nấu canh chua thập cẩm đậm chất miền Tây đãi tôi. Một nồi canh chua ngon “bá cháy”.
Cá linh non tươi được làm sạch, ướp thêm ớt và rải ngò gai rồi cho ra đĩa. Nước chấm là nước mắm mặn hòa với ớt xắt nhuyễn, đúng cay luôn. Bắt nồi nước lên đun thiệt sôi rồi cho me vào. Me vừa hái từ vườn nhà.
Anh bạn chọn trái dốt đường để nấu. Me dốt đường có màu nâu nâu, vừa chua vừa dịu ngọt. Khi nấu nhừ me, nước canh vừa chua vừa ngọt một cách tinh tế hơn. “Nhiều người ăn canh chua miền Tây nói sao mà ngọt quá. Nguyên do người nấu cho thêm nhiều đường, bởi trái me đến kỳ dốt để vừa chua vừa ngọt thanh như thế không dễ canh mà hái”, anh bạn tôi giải thích một cách tự tin. Me nấu nhừ vớt ra để nêm thêm ít bột ngọt, muối, ớt và gia vị cho vừa. Sau đó cho thêm ít cà chua và rau ngò om xắt nhỏ. Nồi nước canh được đun trên lửa liu riu cứ sôi đều đặn.
Cá Linh - Ảnh: Hà Linh
Anh bạn chuẩn bị một rổ rau hoành tráng. Rau để ăn với canh chua cá linh toàn là đặc sản. Anh nói, ăn cá linh nấu canh chua thập cẩm phải ăn kiểu ăn lẩu mới ngon. Bông so đũa trắng được hái từ những cây so đũa cao vút quanh vườn nhà. Bông điên điển khỏi phải nói vì mùa này nó vàng rộ dọc mé sông. Nước về, phù sa làm bông súng trắng muốt, non tơ, nhìn phát thèm. Nhà anh còn trồng rau muống sau vườn, có trút giá (đậu xanh) nên bảo tôi cứ yên tâm, không cần lo thuốc hay phân hóa học gì hết.
Cá linh nấu canh chua thập cẩm phải ăn kiểu ăn lẩu mới ngon - Ảnh: Hà Linh
Đợi nồi nước sôi bồng lên, cho cá linh vào khoảng vài phút sau thì cho thêm rau và bắt đầu ăn. Những con cá linh ngọt béo, xương mềm rụm như muốn tan ngay trong miệng. Tôi là một thực khách trong tâm trạng thoải mái và hoàn toàn bị quyến rũ bởi món ngon miền sông nước này, trong đầu cứ váng vất làn khói mong manh thơm lựng tỏa ra từ nồi canh, cho đến khi rời khỏi vùng làng quê Tây Nam bộ…
[/justify]
Theo Hà Linh (ihay)