Xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh là mảnh đất văn hiến nổi tiếng với dòng tranh Đông Hồ dân gian, in đậm trong ký ức mỗi người Việt những cá chép, trọi gà, chăn trâu thả diều, hứng dừa, tố nữ…Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, các làng tranh Đông Hồ đã chuyển hướng sang làm vàng mã đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của người dân.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, những ngày giáp mùa lễ Vu Lan, “thủ phủ” vàng mã ngập đầy các sản phẩm từ quần áo, tiền vàng truyền thống cho người âm đến các sản phẩm hiện đại như xe máy Jupiter, Dylan, SH và cả “xế hộp”, nhà tầng, thậm chí bộ đồ tiêu dùng, gồm tủ lạnh, điều hòa, ti vi…
Lắp ráp xe “sang”
Hầu hết các gia đình trong các làng truyền thống làm tranh Đông Hồ trước đây của xã Song Hồ đều tất bật cắt dán làm hàng phục vụ mùa lễ. Tuy nhiên, người dân trong làng buồn rầu vì mùa Vu Lan năm nay tương đối ế ẩm. Trong khi giá cả thị trường tăng vùn vụt thì các mặt hàng phục vụ thị trường cõi âm lại chẳng tăng được mấy, nhiều khi chỉ lấy công làm lãi, tận dụng thời gian và sức lao động dư thừa.
Chủ cửa hàng sản xuất Hậu Khoa than thở: “Một chiếc xe máy hàng mã qua bao nhiêu công đoạn thành phẩm giá chỉ dao động từ 20 đến 30 nghìn đồng. Bộ sản phẩm tủ lạnh, điều hòa, máy giặt chỉ từ 4 đến 5 nghìn đồng. Ngay cả ô tô bốn chỗ thành phẩm cũng chỉ trên dưới 30 nghìn đồng. Trung bình mỗi sản phẩm lãi được vài nghìn, chẳng đủ trả tiền công nên các gia đình tập trung lại làm, lấy công làm lãi”.
Bác Nguyễn Văn Thanh, chủ một cửa hàng sản xuất vàng mã tại xã Song Hồ thở dài “Nghề tranh chúng tôi đã không giữ được phải chuyển sang làm vàng mã. Cứ tình hình này chắc chúng tôi phải chuyển nghề mất thôi”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Như Điều - Chủ tịch UBND xã Song Hồ cho biết, tại xã Song Hồ hiện nay có 3 làng (gồm làng Đồng Hồ, làng Đạo Tú và làng Khê) được coi là khu sản xuất các sản phẩm vàng mã lớn trong vùng, cung cấp vàng mã cho Hà Nội và khắp các tỉnh lân cận.
Trước đây, các làng này đều sản xuất tranh Đông Hồ, tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, do việc tiêu thụ tranh quá khó khăn, nhiều hộ đã phải chuyển sang làm vàng mã.
“Thực ra việc sản xuất tranh Đông Hồ và vàng mã tại xã Song Hồ đều xuất phát gần như cùng một thời điểm. Tuy nhiên, do điều kiện tùy từng thời điểm mà mỗi loại hình sản xuất lại có điều kiện phát triển hơn. Song song với việc người dân chuyển sang làm vàng mã, UBND xã Song Hồ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan cũng khuyến khích người dân giữ lấy nghề tranh Đông Hồ truyền thống, đồng thời mong muốn nhà nước có sự hỗ trợ để dòng tranh Đông Hồ, một nét văn hóa tiêu biểu của mảnh đất Kinh Bắc không bị mai một.”, ông Điều nhấn mạnh.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Dân trí ghi nhận tại “thủ phủ” hàng mã Song Hồ:
Các phụ kiện đều “nội địa hoá”
Dù cõi dương hay cõi âm, đồng hồ chỉ tốc độ vẫn là thiết bị quan trọng
Đảm nhận công việc lắp ráp chủ yếu là… “kỹ sư” sư nữ
Cùng một dòng xe nhưng có đủ màu sắc, đáp ứng các thị hiếu khác nhau
Xế hộp chờ ngày “lăn bánh”
Xe sang nào cũng có
Ở một góc khác, tranh Đồng Hồ có vẻ lặng lẽ hơn