[size=6] [/size]
[size=6]Cá mắt lồi biết leo cây, côn trùng đắt như kim cương, loài rồng Komodo nổi tiếng…[/size]
[justify]1. Cá thòi lòi
Tên khoa học của loài cá này là "Boleophthalmus boddarti" (tiếng Anh là "Mudskipper"). Chúng lọt vào danh sách các loài động vật kỳ lạ bởi các đặc điểm có "một không hai" của mình. Ngay từ hình dáng, cá thòi lòi đã tỏ ra “dị hợm” so với các loài cá thông thường bởi đôi mắt lồi như mắt ếch, nhô hẳn trên đỉnh đầu. Cái tên gọi “thòi lòi” bắt nguồn từ chính đôi mắt này.
Cá thòi lòi chẳng giống bất cứ loài cá nào ở chỗ chúng có thể sống, chạy, nhảy và kiếm mồi ngay trên cạn một cách điêu luyện. Điều làm nên sự “phi thường” này nằm ở cấu tạo cơ thể đặc biệt, giúp chúng có thể trữ nước trong mang, tạo điều kiện hô hấp ngay cả khi lên cạn. Bên cạnh đó, chúng còn có thể trao đổi khí qua da như ếch.
Cũng nhờ cấu tạo cơ thể đặc biệt này mà cá thòi lòi còn có một khả năng hi hữu khác là… leo cây. Khả năng này đã “đem đến” cho chúng một tên gọi khác là “cá leo cây”.
Cá thòi lòi thường chọn nơi có địa hình khá “hiểm” để đào hang trú ẩn như các lùm cây hay rễ cây chằng chịt. Hang ổ của chúng có thể sâu đến 2m với nhiều ngóc ngách.
2. Cá rồng biển
Thuộc cùng dòng họ cá chìa vôi với cá ngựa (sea horse) và cá ống (tube fish), hai loại cá rồng biển chúng ta sắp gặp gỡ dưới đây đều trong danh sách sinh vật nằm bên bờ tuyệt chủng. Có hai loại cá rồng biển: Một loại thân như đầy lá (leafy sea dragon) và một loại thân như mọc cỏ (weedy sea dragon). Cả hai đều sống trong vùng biển nông và ấm tại phía Nam và Tây châu Úc.
Giống như cá ngựa, cá rồng biển sinh con theo một cách kỳ lạ: Con đực mang thai. Cá cái sản xuất khoảng 200 trứng màu hồng nhạt rồi đưa các trứng này vào đuôi con đực qua một ống dẫn. Trứng cá sẽ bám dính vào nguồn cung cấp khí ôxy ở đuôi cá đực.
Tùy theo điều kiện nước xung quanh mà trứng sẽ bắt đầu nở sau khoảng 7 - 8 tuần lễ. Lúc đó, trứng cá sẽ chuyển sang màu tía. Sau thời kỳ này, con đực sẽ đẩy cá con ra khỏi đuôi. Quá trình này kéo dài từ 24 - 48 tiếng.
Loài cá này có những chấm rất đẹp dọc theo cơ thể. Mỗi cá thể lại có những hoa văn dạng đốm riêng. Những hoa văn này giống như dấu vân tay ở người, là đặc điểm giúp phân biệt các cá thể cá rồng biển với nhau.
3. Cá chuồn
Cá chuồn là một loài cá sống dưới đại dương, nơi có rất nhiều kẻ săn mồi vô cùng hung tợn, luôn sẵn sàng cho những cuộc tấn công không biết mệt mỏi. Để chạy thoát một cách nhanh nhất khỏi tay kẻ thù, cá chuồn được trang bị một bộ cánh trông như cánh của con chuồn chuồn, sẵn sàng lao lên khỏi mặt nước rồi… bay đi như một loài chim.
Chúng nhấc mình lên khỏi mặt nước, đập đuôi ở tốc độ khủng khiếp (70 lần/giây), tạo ra vận tốc đủ nhanh để lướt trên mặt nước. Sau đó, cá chuồn sẽ mở rộng vây bay hai bên, bắt đầu bay lượn trên không trung. Nó có thể bay đạt tốc độ 56km/giờ.
Các nhà khoa học cho rằng, loài cá này tăng khoảng cách và thời gian bay trên không bằng cách lợi dụng sức gió đẩy lên. Theo kết quả nghiên cứu, chúng có thể ở trên không 30 giây, thời gian vừa đủ để tránh xa sự “nhòm ngó” của kẻ đi săn.
Khi hạ dần độ cao xuống mặt nước, nếu muốn bay nữa, cá chuồn chỉ cần đập nhẹ đuôi xuống nước và tăng tốc là có thể bắt đầu một chuyến bay lượn khác. Trong trường hợp muốn ngừng bay, chúng sẽ gập cánh lại và rơi xuống nước.
4. Bọ cánh cứng Stag Beetle
Loài bọ cánh cứng Stag beetle là một trong số 1.200 loài côn trùng thuộc họ nhà Lucanidae, được nhận biết với chiếc sừng lớn màu đỏ trên đầu. Kích thước trung bình của loài bọ này khoảng 5 - 7cm chiều dài. Đây là loài bọ hết sức quý hiếm và cái giá cho nhà sưu tập muốn sở hữu “em” là 89.000 USD (tương đương 1,8 tỷ VNĐ – một cái giá khủng khiếp). Tuy nhiên, các nhà sưu tầm lại cho rằng số tiền này hoàn toàn tương xứng với giá trị của nó.
5. Rồng Komodo
Rồng Komodo (Varanus komodoensis) là loài thằn lằn lớn nhất thế giới với chiều dài cá thể trưởng thành rơi vào 2 - 3m. Đây là một loại động vật thuộc họ kỳ đà, (Varanidae), sống nhiều trên các đảo và quần đảo thuộc Indonesia. Thức ăn của chúng rất phong phú, từ các loại côn trùng cho đến các loài thú như dê, trâu rừng, lợn lòi hoang dã.
Loài thằn lằn lớn nhất thế giới, rồng Komodo, có nọc độc trong miệng, khiến con mồi rơi vào trạng thái tê liệt sau mỗi nhát cắn. Phát hiện này cho thấy chúng nguy hiểm hơn so với nhiều loài bò sát khác.
Sau khi cắn con mồi, rồng Komodo thường để chúng bỏ chạy và không đuổi theo. Tuy nhiên, những con vật bị rồng Komodo cắn thường chết vì chảy máu liên tục. Tới lúc đó, rồng Komodo mới lần theo mùi máu để tìm ra con mồi. Tuy vậy, do con mồi không chết ngay nên nhiều nhà khoa học tin rằng, loài thằn lằn lớn nhất hành tinh không có nọc độc. Thay vào đó, “đội quân” vi khuẩn trong miệng rồng giúp chúng ngăn chặn sự đông máu của con mồi.
Tuy vậy, trên thực tế, nọc độc trong miệng rồng Komodo là hợp chất hoạt động rất mạnh mẽ, giống chất độc của nhiều loài rắn. Khi chúng cắn, chất độc sẽ theo nước bọt ngấm vào cơ thể con mồi. Chất độc khiến con mồi choáng váng vì tê liệt thần kinh, làm giãn mạch máu và ngăn chặn sự đông máu. Sau khi bỏ chạy, con mồi sẽ chết dần chết mòn do mất máu quá nhiều.[/justify]