[justify]Nguyên nhân gây "khủng bố" bằng chất thải… từ số nợ khoảng 10 triệu[/justify]
[justify]Như thông tin đã đưa, cuộc sống của vợ chồng ông Ngô Đình Trang (74 tuổi, thường trú tại số nhà 12, ngõ 85A, tổ 35, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) và bà Chu Thị Hải Lộc, từ tháng 6/2013 tới nay luôn sống trong sự sợ hãi bởi kẻ lạ mặt “khủng bố” bằng mắm tôm, dầu luyn, lòng cá thối… vào nhà.[/justify]
[justify]Được biết, nguyên nhân chính gây ra sự việc này, có thể xuất phát từ việc con dâu ông Trang là Mùng Thị D. có vay nặng lãi một nhóm đối tượng và chưa trả hết nợ. Hiện tại, chị D. và con trai ông Trang cũng đã ly hôn.[/justify]
[justify]Theo ông Trang thì, mỗi lần bị “khủng bố”, gia đình ông đều báo với tổ dân phố, trình báo với công an phường, gửi đơn kêu cứu đi các nơi. Công an cũng đã lấy lời khai, lập biên bản vụ việc, chụp ảnh hiện trường nhiều lần nhưng gia đình ông vẫn bị “khủng bố” bằng chất thải như khi chưa trình báo.[/justify]
[justify]Chính vì vậy, gia đình ông Trang phải “tự lực cánh sinh”, tự nghĩ ra các “phương án” ngăn việc bị “khủng bố” bằng mắm tôm và chất thải vào nhà. Toàn bộ cửa ra vào và cửa sổ của gia đình đã được “gia cố” bằng 4 lớp nylon và nhựa cứng. Phía bên ngoài, gia đình ông phải sử dụng một tấm bạt lớn căng từ trên tầng ba xuống tầng một và cửa lúc nào cũng đóng kín để phòng bị.[/justify]
Ngôi nhà ông bà Trang giữa lòng Thủ đô nhưng phải bảo vệ bằng nilon, bạt… để tránh "khủng bố" bằng chất thải
[justify]Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, Trung tá Trần Thanh Minh – Trưởng Công an phường Nghĩa Đô cho hay: Xuất phát của việc này là con dâu ông Trang còn nợ khoảng 10 triệu và chưa trả được. Thời gian trước, do người con dâu này đi Pháp và mất liên lạc nên công an chưa triệu tập được để xác định rõ nguyên nhân. Cách đây khoảng một tuần, ông Trang đã cùng con dâu lên công an phường lấy lời khai và làm rõ.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Phía công an phường Nghĩa Đô cũng yêu cầu chị D. nên trả hết số nợ đó để chấm dứt tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn bởi những kẻ lạ mặt ném mắm tôm, chất thải vào nhà ông Trang.[/justify]
[justify]Khi có sự việc xảy ra, công an phường đều cử người xuống địa bàn. Trong tuần qua, lực lượng công an phường ngày nào cũng có mặt tại khu vực nhà ông Trang. Đồng thời, phía công an phường chỉ đạo cảnh sát khu vực, bảo vệ tổ dân phố tập trung mật phục, làm quyết liệt vụ việc này để tìm ra đối tượng gây rối trật tự và có biện pháp xử lý thích đáng. Một tuần trở lại đây tình hình cũng khá im ắng. “Trong tình hình hiện nay, phải bình tĩnh phối hợp để làm”, đó là ý kiến của Trung tá Minh khi trao đổi với phóng viên.[/justify]
[justify]Câu hỏi đặt ra là: Sự việc xảy ra cũng gần một năm nay và gia đình cũng đã phản ánh lên công an phường nhưng “nút thắt” chưa được gỡ. Tới thời điểm này, mọi phương án mới được triển khai quyết liệt. Có phải do khi có sự vào cuộc của báo chí thì mới có sự quyết liệt đó?[/justify]
[justify]Trước câu hỏi này, Trung tá Minh cho hay: Công an phường Nghĩa Đô vẫn xuống mật phục tại địa bàn. Khi đi tuần, các chiến sĩ công an cũng đi qua đó để xem xét tình hình. Có tìm ra nguyên nhân mới xác định được đối tượng. Thời điểm hiện tại, công an phường Nghĩa Đô cũng quyết tâm cao trong sự việc này.[/justify]
[justify]Cũng theo Trung tá Minh thì: Đối tượng thực hiện hành động ném mắm tôm vào nhà dân không theo quy luật cụ thể nên khó để xác định thời gian họ ném mắm tôm hay chất thải vào nhà ông Trang.[/justify]
Vợ chồng ông Trang, bà Lộc
[justify]Phường Nghĩa Đô có gần 8.000 hộ dân, công an phường cũng đã tuyên truyền tới từng gia đình về cách phòng ngừa đảm bảo an ninh trật tự. Trong trường hợp cụ thể gia đình ông Trang khi bị những kẻ lạ mặt “khủng bố” bằng mắm tôm, chất thải… công an phường cũng đã hướng dẫn gia đình lắp đặt camera để lực lượng chức năng có hình ảnh, trên cơ sở đó xác định và xử lý đối tượng.[/justify]
[justify]“Chúng tôi cũng cố gắng nhưng không phải lúc nào cũng có mặt được. Còn lắp camera hay không là vấn đề của gia đình, phòng ngừa là vấn đề tự nguyện làm. Vì theo chỉ thị của Thành phố là phải tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự phối hợp. Lực lượng công an phường Nghĩa Đô có 30 người không thể trải hết được hộ dân cư. Nhưng cái gì trong khả năng có thể làm được chúng tôi cũng luôn cố gắng hết mình”, Trung tá Minh nói.[/justify]
[justify]Theo Trung tá Minh thì, ngay từ đầu, với bất cứ người dân nào, Trung tá đều chia sẻ chức năng, nhiệm vụ của công an phường là phòng ngừa là chính, còn tổ chức điều tra có công an cấp trên. Và bán nhà để chuyển đến ở một nhà khác cũng là “phương án” được Trung tá Minh đề cập với gia đình ông Trang.[/justify]
[justify]Ném chất thải vào nhà là hành vi vi phạm pháp luật[/justify]
[justify]Dựa trên những thông tin đã được nêu, luật sư Bùi Đình Ứng, đoàn luật sư TP. Hà Nội, Trưởng văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng đưa ra ý kiến: Những kẻ lạ mặt ném chất bẩn vào nhà ông Trang nhằm gây áp lực về tâm lý để buộc vợ chồng ông Trang phải trả nợ thay con dâu của mình.[/justify]
[justify]“Vấn đề quan trọng, hành vi ném chất bẩn vào nhà ông Trang của đối tượng này là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, công an Hà Nội cũng như Bộ Công an đang quyết liệt đấu tranh với các loại hành vi vi phạm pháp luật, các loại tội phạm có bang nhóm, có tổ chức”, luật sư Ứng khẳng định.[/justify]
Luật sư Bùi Đình Ứng - ảnh: internet
[justify]Cũng theo luật sư Bùi Đình Ứng thì chưa thể nói đối tượng đó phạm tội gì vì còn tùy theo mức độ hành vi. Bởi lẽ, đối tượng đi qua và bất ngờ ném mắm tôm, chất thải vào nhà mà không phải là đe dọa tính mạng hay tụ tập đông người. Nhưng ít nhất cũng phải xử phạt hành chính về an ninh trật tự như phạt tiền, cảnh cáo.[/justify]
[justify]“Trong trường hợp có thiệt hại về tài sản thì pháp luật sẽ xử lý về tội hủy hoại tài sản”, luật sư Ứng nói thêm.[/justify]
Chiếc khóa chữ U mà nhóm đối tượng lạ mặt khóa bên ngoài khiến gia đình ông Ngô Đình Trang phải gọi công an tới phá khóa "giải cứu" (Ảnh gia đình ông Trang cung cấp)
Cũng liên quan tới sự việc này, ngày 17/3/2014, phóng viên đến công an phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) để liên hệ công tác. Tiếp chúng tôi tại phòng trực ban của công an phường Nghĩa Đô là một đồng chí công an đeo hàm thượng úy, nhưng không đeo bảng tên, số hiệu cũng như băng trực ban theo quy định.
Trong giao tiếp, đồng chí này thường xuyên nói trống không, không có chủ ngữ đối với người đang làm việc trực tiếp với mình.
Đồng chí trực ban công an phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) tại thời điểm tiếp dân ngày 17/4/2014 không đeo băng không đeo bảng tên, số hiệu cũng như băng trực ban theo quy định nhưng đồng chí trưởng công an phường vẫn khẳng định thời điểm đó, đồng chí này có đeo bảng tên, số hiệu.
[justify]Trung tá Trần Thanh Minh – Trưởng Công an phường Nghĩa Đô cũng ghi nhận việc tại thời điểm đó, trực ban tiếp dân nhưng không đeo băng trực ban. Theo Trung tá Minh thì: Nhiều lúc đi ra đi vào, thay ca rồi người nọ người kia, cũng nhiều chiến sĩ mới về. Và băng đeo cũng chỉ có 1 - 2 cái. Có lúc bẩn, giặt chưa khô, những hôm lười chưa lấy vào…[/justify]
[justify]Về vấn đề này, dưới góc độ chỉ huy đơn vị, Trung tá Minh cũng lên tiếng xin lỗi và sẽ tiếp thu, chấn chỉnh trực ban tốt hơn.[/justify]
[justify]Còn về việc đồng chí trực ban không đeo bảng tên, số hiệu như ghi nhận của phóng viên và cũng có ảnh chụp lại, thì Trung tá Minh khẳng định hôm đó, đồng chí này có đeo.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]“Chúng tôi rất mong nhận được tiếng nói đồng cảm trong công việc. Điều gì chưa làm được hoặc làm chưa tới nơi tới chốn thì khắc phục, tất nhiên trong một lúc công việc nhiều thì bị quá tải. Ý kiến của ai phản ánh chúng tôi đều lắng nghe, phải xuống trao đổi xem xét thì mới biết có khách quan và có đúng như phản ánh không”, Trung tá Minh chia sẻ.[/justify]